
Ảnh do AI tạo
Hồi nhỏ tôi hay lẽo đẽo theo ngoại và thích… sờ ti bà. Bà cười tươi rói, khẽ nhẹ bàn tay be bé của tôi, rồi bảo: “có chi đâu mà sờ”. Rồi hai bà cháu cười vang. Mỗi khi nhớ ngoại, tôi lại nhớ mùi của bà. Đó là mùi dầu gió, mùi trầu thơm, mùi của người già lũ lam một đời sương gió nắng mưa dầu dãi.
Ngoại tôi hay nói “mai mốt có làm mồ mả, táng xa cho tao không mà chừ hành dữ”. Đó là câu mắng yêu ngoại dành cho cháu – là tôi – có lẽ theo quan niệm người xưa, làm mồ mả, chôn cất ông bà khi họ trăm tuổi thường là việc của cháu nội. Mà nghĩ lại, tôi hành ngoại thiệt. Hồi nhỏ ốm đau miết, cứ ít bữa đau bụng, sốt, đau đầu…
Nói về thể trạng của tôi, ngoại hay dùng từ èo uột, rồi bà cứ hay dành dụm mua cho tôi mấy đồ “bổ bổ”, khi thì dăm lạng thịt bò, lúc quả trứng vịt lộn. Ngoại hay nài tôi ăn bằng câu “không ai thương mình bằng cơm với thuốc mô”. Ý ngoại là khi đói có cơm lo cho mình khỏe, khi bệnh ráng uống thuốc cho lành.
Có lần tôi bệnh gần cả tháng. Ngoại cõng tôi đi chích thuốc ở nhà cô y tá cách nhà mình hơn cây số, ròng rã. Tối tôi trở trăn khó ngủ, ú ớ trong cơn mộng mị, bên cạnh má luôn có ngoại.
Hồi đó, ai cũng nghèo, kể cả thuốc men cũng thiếu. Trận bệnh đó, tôi lấy đi của cả nhà mình gần hết 2 sào ruộng lúa mùa.
Tôi hành ngoại phải biết. Để có tiền cho tôi học, ngoại dầm mưa lên rẫy cắt khoai lang túm thành bó để sáng dậy sớm đem ra chợ bán.
Năm chín mươi mấy, chiếc áo mưa của ngoại cũng không lành lặn, nhưng tôi vẫn được đến trường với áo phẳng phiu.
Ngoại bị tôi hành nên cứ mỗi mùa nhập học, ngoại phải đi quanh xóm hỏi mượn sách cũ của mấy anh chị năm trước, rồi dặn “con học nhớ giữ cẩn thận để sang năm em của mấy anh mấy chị có dùng tiếp”.
Tôi cẩn thận và biết gìn giữ ngay ngắn mọi thứ từ đó, vì biết, nếu mình làm hư rách, ngoại sẽ cực khổ kiếm tiền mua sách đền cho người ta.
Tôi hành ngoại phải nhớ thương, khóc tiễn khi hè năm lớp chín đã cùng người bạn thân trong xóm lặn lội ra phố kiếm việc làm.
“Để con đi làm thêm ngày hè, kiếm tiền về mua sách mới…”.
Ngoại khóc, nói mỗi một câu ngắn ngủn mà tôi nén nước mắt ứ hự trong lòng “chi tội dữ rứa con”.
Năm đó tôi đi phụ ở một quán ăn, khổ cực vì sức thiếu niên tuổi đang lớn gầy đét, phần vì nhớ nhà thương ngoại. Nhưng đó cũng là động lực.
Ngoại đi sau cơn tai biến. Ngoại nằm đó lặng thinh không nói mấy tháng, rồi bà yếu dần. Ngoại mất khi tôi chưa trưởng thành.
“Mai mốt lớn, làm có tiền, con mua cho ngoại cái mền thiệt ấm”. Lời hứa của tôi năm nào mãi mãi không thực hiện được, nhưng chắc ở phương xa lắc nào đó, tôi biết ngoại cũng đang ấm lòng vì đứa cháu vẫn nhớ ngoại, giờ già rồi vẫn nghe đâu đó mấy câu la mắng yêu và cả mùi dầu gió thoảng đâu đó trong miền ký ức xa xăm.

Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!