Trong khi cộng đồng doanh nghiệp đang khá bất an trước những thách thức mới về thuế quan, khởi nguồn từ cạnh tranh giữa các nước lớn, Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị như một luồng sinh khí mới.
Nhưng luồng sinh khí này liệu có đủ sức hà hơi thổi ngạt cho các doanh nghiệp hay không, lại phải nhìn vào một thực tế khác: những hạn chế nội tại của khu vực kinh tế tư nhân.
Từng là giám đốc doanh nghiệp, chủ tịch Hiệp hội VASEP (Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam), tôi có nhiều cơ hội nhìn rõ những lực cản đối với con đường phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam.
Phần lớn doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam chủ yếu tồn tại ở quy mô vừa và nhỏ, lại hoạt động đơn lẻ, thiếu tính liên kết, khó tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong những giai đoạn kinh tế khó khăn hay khi chuỗi cung ứng đứt gãy, doanh nghiệp trong nước không tạo được vòng tuần hoàn chia sẻ nguồn lực hoặc tối ưu hóa đầu vào – đầu ra. Một nghiên cứu của VCCI năm 2022 chỉ ra hơn 53% doanh nghiệp tham gia khảo sát (53,3%) không đặt ra mục tiêu cụ thể nào khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong một số lĩnh vực, chẳng hạn nông nghiệp và xuất khẩu thủy sản, còn có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, giành khách bằng cách giảm giá. Để giảm giá, họ lại phải ăn gian khối lượng, giảm chất lượng. Vòng lặp gian dối đó dẫn đến việc mất khách, mất thị trường như một hệ quả tất yếu của phương thức cạnh tranh bằng giá rẻ. Chu kỳ bỏ ao, bỏ cây do giá giảm rồi lại ào ạt đầu tư do giá tăng đến mức dư thừa phải “giải cứu” do vậy cũng không có hồi kết.
Trong khi tôi từng chứng kiến các doanh nghiệp Nhật đồng loạt tăng hay giảm giá chung quanh một mức để cùng xoay xở trong từng diễn biến cụ thể của thị trường. Một doanh nghiệp của Đức sẵn sàng từ chối lời chào mời của doanh nghiệp Việt Nam vì biết rằng người chào là khách của một doanh nghiệp Đức khác.
Trong thời gian làm quản lý tại Bộ Thủy sản, chúng tôi từng chứng kiến việc sử dụng thủ thuật mạ băng quá mức (tránh mất nước), sử dụng sodium tripolyphosphate quá mức (nhằm tăng trọng, chống mất nước sau khi rã đông) hay bơm chích tạp chất để gian dối về khối lượng, giảm chất lượng, đã tác động không nhỏ đến việc hạ cấp thị trường tiêu thụ đối với thuỷ sản xuất khẩu. Gần đây, là tình trạng dùng chất kích thích tăng trưởng, chất làm màu vàng O gây thiệt hại không nhỏ cho ngành sản xuất sầu riêng nhiều tiềm năng.
Giảm giá để giành khách hàng, gian dối chất lượng, khối lượng, mạnh ai nấy làm hay tính đố kỵ là những “tật xấu” của nền kinh tế mới phát triển, đang tạo lực cản lớn cho việc xây dựng nội lực để mạnh mẽ bứt phá.
Việt Nam có nhiều nông sản nổi tiếng ở cả ba miền như gạo, vải thiều, bưởi da xanh, sầu riêng, cá tra, tôm, cà phê, hạt điều… nhưng xuất khẩu chủ yếu là B2B, đứng dưới thương hiệu nước ngoài. Người tiêu dùng các nước không biết đến thương hiệu Việt. Ngay tại thị trường nội địa, người dân cũng không biết rõ thương hiệu nào đáng được tin cậy.
Trong khi nhiều nước thế giới xây dựng thương hiệu rất tốt cho nông sản thực phẩm của họ: hải sản Na Uy, kiwi hiệu Zespri của New Zealand, rượu Cognac, Bordeaux của Pháp… Cách họ làm là liên kết lại, xây dựng thương hiệu chung cho cả ngành hàng. Thương hiệu chung được quản lý bằng quy tắc ứng xử nội bộ mà những doanh nghiệp sử dụng thương hiệu phải tuân thủ. Thương hiệu chung cũng được bảo đảm bằng tiêu chuẩn kỹ thuật chung, quy định từ quy trình kỹ thuật canh tác đến loại giống, loại phụ gia hoặc men chưng cất (cho rượu), được sử dụng và tên nhà cung cấp…
Ban điều hành của thương hiệu chung kiểm soát và quản lý Quỹ phát triển thị trường chung, do các thành viên đóng góp, để thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển thị trường. Do nắm vững nhu cầu thị trường và sản lượng từng mùa vụ, nhiều cộng đồng đã làm chủ và thống nhất giá mua, bán.
Hội đồng Xuất khẩu thủy sản Na Uy chẳng hạn, có nhiệm vụ quảng bá và phát triển thị trường được quy định trong luật do Quốc hội Na Uy ban hành. Việc đóng góp vào quỹ phát triển thị trường cũng được luật quy định.
Từ nhiều năm trước, khi cá tra chưa vào được thị trường Nhật, các doanh nghiệp Nhật đã góp ý: cá tra Việt Nam cần học cách làm thương hiệu và xúc tiến thương mại như cá hồi Na Uy. Họ đã mất khoảng 10 năm cùng nguồn lực không nhỏ để quảng bá và thuyết phục thành công người Nhật chấp nhận sử dụng cá hồi nuôi bên cạnh cá hồi khai thác tự nhiên như truyền thống.
Rào cản chính sách cần được tháo dỡ, dòng vốn cần được thông thoáng đến đúng chỗ, nhưng cần hơn là việc tổ chức, phối hợp nỗ lực của cộng đồng để xây dựng, quản trị thương hiệu chung, đồng thời đóng góp xây dựng quỹ phát triển thị trường để quảng bá, tiếp thị cho thương hiệu và nghiên cứu, mở thị trường tiềm năng. Những việc này vượt quá tầm với của từng doanh nghiệp tư nhân đơn lẻ, dù cho đó là doanh nghiệp lớn. Những việc này cần chủ trương và chính sách đúng đắn để hỗ trợ như: Phát triển cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị nội địa, Thúc đẩy chuyển giao công nghệ và liên kết với doanh nghiệp FDI, Tăng cường vai trò của các doanh nghiệp đầu đàn dẫn dắt; Phát triển các tổ chức trung gian hỗ trợ liên kết…
Về yếu tố “các tổ chức trung gian hỗ trợ”, những năm gần đây, các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng ở Việt Nam đã thực hiện rất tốt việc đóng góp, xây dựng chính sách, quy định với các Bộ, ngành và Chính phủ. Hiệp hội doanh nghiệp là những tổ chức rất phù hợp để xây dựng, quản trị thương hiệu chung, phát triển thị trường và vận hành Quỹ phát triển thị trường. Các hiệp hội đồng thời là nhân tố quan trọng xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, quản trị rủi ro và đấu tranh với các biểu hiện không lành mạnh, đi ngược lại nỗ lực chung. Hiệp hội ngành nghề, nếu thực hiện tốt chức năng của mình, chính là nơi để tập hợp doanh nghiệp, phát triển mạnh các thương hiệu quốc gia.
Nội lực của doanh nghiệp tư nhân cần phải được xây dựng trên nền tảng tổ chức cộng đồng thực sự của doanh nghiệp, vì lợi ích của doanh nghiệp, có như vậy mới có thể vươn xa đến các thị trường khác và mới, tiến tới phát triển bền vững.
Hơn lúc nào hết, Nghị quyết 68 là một cơ hội để bứt phá. Nhưng doanh nghiệp tư nhân cũng cần nhìn lại chính mình để khắc phục điểm yếu nội tại, đặc biệt là liên kết lại, tạo thành một cộng đồng ngành nghề lớn mạnh, chung tay phát triển thương hiệu chung cho ngành hàng với tầm nhìn mở rộng; thay vì mạnh ai nấy sống rồi giẫm đạp lên nhau trong vài thị trường chật hẹp.
Gian dối, tủn mủn sẽ chỉ có thể tồn tại manh mún, ngắn hạn, không thể hiện thực hóa giấc mơ lớn mạnh, bền vững.
Nguyễn Thị Hồng Minh
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!