![Lừa đảo qua fanpage đã nâng mức nguy hiểm - Ảnh 1. Lừa đảo qua fanpage đã nâng mức nguy hiểm - Ảnh 1.](https://baoangiang.com/wp-content/uploads/2025/02/edit-k-hung-canh-bao-gia-mao-read-only-17392014149211692513372.png)
Sau vụ bị lừa tiền tỉ khi đặt phòng khách sạn có tích xanh, nhiều khách sạn đăng tin cảnh báo khách hàng khi Fanpage của họ bị giả mạo – Ảnh: K.HƯNG
Từ việc giả mạo các resort hạng sang cho đến khách sạn, homestay hay các tổ chức từ thiện, người nổi tiếng hoặc thậm chí là cơ quan công an, luật sư… Bất chấp cảnh báo và sự vào cuộc của cơ quan chức năng, nạn lừa đảo qua fanpage vẫn “thiên biến vạn hóa”.
Có lắm fanpage lừa đảo
Hơn một năm trước, báo Tuổi Trẻ từng cảnh báo rất nhiều về việc các fanpage giả mạo các giải chạy, sự kiện nghệ thuật, khách sạn, bảo hiểm xã hội… Thời điểm đó các cá nhân/tổ chức lừa đảo sử dụng “chiêu thức” cũ: tạo trang Facebook có tên tương tự sau đó chạy quảng cáo để “câu” người dùng.
Hiện nay thủ đoạn lừa đảo qua fanpage đã trở nên tinh vi hơn. Để đưa nạn nhân vào bẫy, các đối tượng lừa đảo “dày công” xây dựng fanpage giả còn chuyên nghiệp hơn fanpage thật. Ở đó mọi thông tin đều trông rất uy tín từ hình ảnh đến nội dung, có số lượng lớn người dùng theo dõi hay thậm chí được gắn tích xanh Facebook.
Chưa kể khi liên hệ các fanpage giả này, người dùng sẽ được tư vấn nhiệt tình, kỹ lưỡng, mọi lúc mọi nơi, hơn cả… fanpage thật. Chính điều đó khiến người dùng gần như không thể phân biệt trang nào thật, trang nào giả và dễ bị lừa tiền.
Khi chúng ta đinh ninh fanpage tích xanh là chính chủ, kẻ gian bỏ tiền mua luôn tích xanh. Khi chúng ta còn cảnh báo những chiêu thức lừa gạt cũ thì chúng đã nghĩ ra vô số chiêu trò mới.
Đọc thông tin về lời khai của những đối tượng lừa đảo gần đây chúng ta sẽ thấy chúng “cao tay” hơn người dân rất nhiều. Họ bám sát tình hình trong nước, những vướng mắc mà người dân gặp, nắm bắt được tâm lý, điểm yếu của khách hàng… để lên kịch bản chi tiết.
Nói chung khi người dân có bất kỳ nhu cầu nào phát sinh thì các đối tượng lừa đảo đều lập fanpage giả mạo. Cứ thế, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook xuất hiện ma trận fanpage đủ kiểu biến tấu để lừa người dùng.
![Lừa đảo qua fanpage đã nâng mức nguy hiểm - Ảnh 2. Lừa đảo qua fanpage đã nâng mức nguy hiểm - Ảnh 2.](https://baoangiang.com/wp-content/uploads/2025/02/edit-k-hung-canh-bao-gia-mao-1-read-only-1739201499674676581623.png)
Sau vụ bị lừa tiền tỉ khi đặt phòng khách sạn có tích xanh, nhiều khách sạn đăng tin cảnh báo khách hàng khi Fanpage của họ bị giả mạo – Ảnh: K.HƯNG
Cần định danh fanpage
Fanpage một trang được lập ra để làm đại diện cho một cá nhân hay tổ chức trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Đây là công cụ tiếp thị vô cùng hữu ích, gần như không thể thiếu trong thời đại số. Nhưng trước tình trạng giả mạo fanpage để lừa đảo ngày càng nhiều thì cần rà soát và định danh các fanpage.
Cụ thể các chủ kênh, trang cộng đồng trên mạng xã hội cần phải đăng ký để xác thực “người thật việc thật”, tránh việc mạo danh để lừa đảo như hiện nay. Ngoài ra cũng nên quy định việc không được đặt tên kênh/trang Facebook giống hoặc trùng hay gây nhầm lẫn với các doanh nghiệp, tổ chức nhà nước…
Bên cạnh đó cũng cần lưu ý đến hai cách để các đối tượng lừa đảo lợi dụng xác thực fanpage tích xanh gồm: lập công ty ma sau đó cung cấp thông tin giả để Facebook xác thực, cấp tích xanh; mua fanpage từ các cá nhân/tổ chức “nuôi” trước đó.
Trong hai cách này thì tôi thấy cách thứ hai đang rất sôi động. Những kẻ lừa đảo dễ dàng bỏ tiền ra để mua hàng loạt fanpage có người dùng thật sau đó đổi tên, mua dịch vụ tích xanh để phục vụ lừa đảo, cá độ hoặc bài bạc trực tuyến.
Điều đáng nói các đối tượng mua fanpage để lừa đảo bao giờ cũng trả giá cao nhất. Những chủ fanpage vì lợi ích trước mắt sẵn sàng “sang tay” fanpage mà không biết rằng chính cộng đồng mình gầy dựng đang bị lợi dụng để lừa đảo đồng bào mình.
Trách nhiệm Facebook, ngân hàng
Vì sao các fanpage mạo danh để lừa đảo (từ không có tích xanh đến được cấp tích xanh) lại có thể thoải mái hoạt động? Vì sao kẻ xấu dễ dàng mua “xác thực” rồi tự tung tự tác lừa đảo người dùng thật suốt nhiều năm qua mà Facebook chưa vào cuộc xử lý?
Có lẽ các cơ quan chức năng cần có biện pháp để kiểm soát trách nhiệm của các doanh nghiệp, đơn vị vận hành mạng xã hội như Facebook tại nước ta.
Thay vì chỉ truy thu thuế, các cơ quan chức năng cần làm cầu nối để Facebook có trách nhiệm hơn như Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử từng đàm phán với Google để có thể gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần có quy trình rà soát các tài khoản mang tính bất minh, có dấu hiệu lừa đảo để bảo vệ người dùng. Ví dụ trong câu chuyện đặt phòng khách sạn bị lừa hơn 1 tỉ đồng thì tài khoản lừa đảo là tên một doanh nghiệp. Phải chăng ngân hàng đã không rà soát, kiểm tra khi mở tài khoản?
Các ngân hàng đã cam kết, cảnh báo hay đưa ra nhiều tuyên bố về việc chống lừa đảo nhưng thực tế là dòng tiền lừa đảo vẫn chảy qua hệ thống ngân hàng. Mong các ngân hàng trong nước cần có những biện pháp thiết thực hơn để hỗ trợ chính những khách hàng của mình.
![Lừa đảo qua fanpage đã nâng mức nguy hiểm - Ảnh 3.](https://baoangiang.com/wp-content/uploads/2025/02/vnapotalcanhbaohanhviluadaokhidatphongluutrudulich-1738997280398995437990-0-13-722-1168-crop-1738998.jpeg)
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!