Họa sĩ Đào Hải Phong nhận xét như vậy với Tuổi Trẻ Online trong khai mạc triển lãm Gặp gỡ 2024 vào chiều tối 1-8 tại phòng triển lãm của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).
Triển lãm giới thiệu 33 tranh sơn dầu chủ yếu ở mảng chân dung, phong cảnh, hoa, tĩnh vật của hai họa sĩ Đỗ Hữu Khôi và Phạm Văn Trọng sáng tác trong 5 năm qua.
Phòng tranh là một cuộc gặp gỡ, đối thoại thú vị giữa một họa sĩ tay ngang và một họa sĩ chuyên nghiệp, giữa những chân dung ấm áp của Đỗ Hữu Khôi với những phong cảnh ấn tượng của Phạm Văn Trọng.
Sự thú vị của vỉa quặng
Triển lãm thu hút đông người yêu mỹ thuật, nhiều người trong giới văn nghệ, báo chí. Nếu như Phạm Văn Trọng quyến rũ người xem bởi những bức tranh phong cảnh trường phái ấn tượng gợi nhớ tới tranh của danh họa Paul Cézanne, Đỗ Hữu Khôi lại chính là một bất ngờ của triển lãm.
Anh học kinh tế, đi làm báo và thành công với nghề, rồi một ngày bạn bè thấy anh bày tranh triển lãm.
Thực ra thì những người thân thiết với Đỗ Hữu Khôi không lạ gì chuyện anh rất yêu thích hội họa và gần đây thử vẽ sơn dầu chỉ hoàn toàn bằng những ngón nghề tự học.
Nhưng ngay cả những người biết rõ về Đỗ Hữu Khôi cũng bất ngờ khi được tận mắt chứng kiến bộ sưu tập chủ yếu là chân dung của anh bày tại triển lãm đầu tiên này, trong đó có họa sĩ Đào Hải Phong.
Họa sĩ của những “thái quá màu” Đào Hải Phong nói ai đó xem tranh Đỗ Hữu Khôi có thể chưa thấy đẹp ở chi tiết, nhưng anh khẳng định tranh Đỗ Hữu Khôi “rất được” ở tổng thể.
Anh nhìn vào mà nể trọng bạn. Anh bảo soi kỹ ra thì “không có bức tranh nào hoàn chỉnh, kể cả những tác phẩm của các họa sĩ bậc thầy”.
Đào Hải Phong còn rất thích cái tấm lòng yêu hội họa một cách hồn nhiên và cũng mãnh liệt của Đỗ Hữu Khôi thể hiện trong những bức tranh.
“Tranh của những người chỉ tự học vẽ và vẽ thỏa đam mê như Đỗ Hữu Khôi luôn có sự hồ hởi đến với nghệ thuật không toan tính mà đôi khi nghệ sĩ chuyên nghiệp lại thấy rất thú vị.
Đó là sự thú vị với một vỉa quặng chưa được mài giũa triệt để, tinh xảo. Điều đó biết đâu lại gợi cho các họa sĩ chuyên nghiệp một ý gì đó.
Khôi có bản năng cực kỳ dữ dội. Tôi không nghĩ một người chỉ bằng tình yêu hội họa mà dám vẽ liều lĩnh như thế, vậy mà Khôi đã làm”, Đào Hải Phong nói.
Những bức tranh trong veo giữa một xã hội xô bồ
Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Trang Thanh Hiền nhận xét tranh Hữu Khôi không quá chú trọng đến kỹ thuật, bố cục lẫn hình họa nhân vật. Những bức tranh của người tự học, không có “cơ bản” vẫn tạo được một thứ “nước cất” của riêng mình.
Phạm Văn Trọng khác, anh học hành bài bản, say mê hội họa ấn tượng, và hẳn là rất thích danh họa Cézanne. Cả hai lại rất giống nhau ở một tình yêu lớn dành cho hội họa.
“Xem tranh của các anh mới thấy rằng, nếu không có cảm xúc thì kỹ thuật hay chất liệu không thể tạo ra được những bức tranh đầy rung cảm. Cảm xúc trong tranh của Khôi và Trọng dường như trong veo, thuần khiết giữa một xã hội xô bồ, lý trí”, họa sĩ Trang Thanh Hiền chia sẻ.
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 8-8.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!