Từ lúc Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6 năm 2023 đến nay, Long An đã có những bước chuyển mình để hình thành nhiều trục kinh tế phát triển.
Ông Trương Văn Liếp – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An – cho biết: “Ngay khi quy hoạch được phê duyệt, mọi thứ đã khởi động cho mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam.
Trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị – công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Kết nối chặt chẽ với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ. Đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia.
Hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”.
Điểm nổi bật nhất trong việc phát triển theo quy hoạch tỉnh này là hình thành nên các hoạt động kinh tế – xã hội theo mô hình “một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba vùng kinh tế – xã hội, sáu trục động lực”.
Trong đó, TP Tân An là trung tâm chính trị – hành chính – đô thị hạt nhân – đô thị vệ tinh của TP.HCM và là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại phía Đông Bắc của Tây Nam Bộ. Hiện tại thành phố này vẫn bám theo chủ trương phát triển đô thị thông minh, hiện đại.
Nhiều chức năng đã và đang tiếp tục được tích hợp như các dịch vụ giám sát an ninh, trật tự, an toàn giao thông, chiếu sáng thông minh, giám sát hành chính công, chỉ tiêu kinh tế – xã hội… Và đang dần hướng đến mục tiêu cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I vào cuối năm 2025.
Hai hành lang kinh tế sẽ bám dọc trục đường Vành đai 3 – Vành đai 4 TP.HCM và bám dọc trục động lực 50B liên tỉnh từ TP.HCM đi qua Long An và kết nối với tỉnh Tiền Giang. Trong đó, đường Vành đai 3 TP.HCM hiện đang được quan tâm, đầu tư triển khai vượt tiến độ và đang băng băng về đích thông xe phần cao tốc vào cuối năm 2025.
Ba vùng kinh tế – xã hội đang bắt đầu có nhiều bước phát triển. Thứ nhất là vùng đô thị và công nghiệp gồm các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, một phần huyện Tân Trụ, TP Tân An, một phần huyện Thủ Thừa và huyện Châu Thành.
Vùng này đang tập trung phát triển đô thị và công nghiệp tổng hợp, tạo thành hành lang phát triển đô thị trung tâm ở Bến Lức – Tân An và các đô thị công nghiệp ở các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước. Phát triển khu kinh tế ở các huyện Cần Giuộc, Cần Đước. Phát triển nông nghiệp ven đô, chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao tại huyện Châu Thành, Tân Trụ và TP Tân An.
Thứ hai là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu. Bao gồm thị xã Kiến Tường và các huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, một phần huyện Thủ Thừa.
Vùng này sẽ ưu tiên phát triển dịch vụ, công nghiệp tại khu kinh tế cửa khẩu. Phát triển du lịch sinh thái gắn với cảnh quan đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, phấn đấu đưa thương hiệu du lịch Đồng Tháp Mười là thương hiệu quốc gia, gắn kết chặt chẽ với du lịch của tỉnh. Trong đó, phát triển thị xã Kiến Tường là trung tâm vùng Đồng Tháp Mười.
Cuối cùng là vùng đệm sinh thái gồm huyện Đức Huệ, một phần huyện Thủ Thừa và một phần huyện Tân Trụ. Đây sẽ là nơi phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dành quỹ đất hợp lý cho phát triển công nghiệp, đô thị sinh thái, khu trung chuyển nội tỉnh.
Những vùng kinh tế – xã hội này đang là định hướng quan trọng để các địa phương tiếp tục hoàn thành quy hoạch chi tiết, mời gọi đầu tư và phát triển trong giai đoạn tới.
Bám theo quy hoạch tỉnh, ngành công nghiệp hiện nay của tỉnh Long An tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng tái tạo. Thu hút các ngành sản xuất tiết kiệm năng lượng, kiểm soát ô nhiễm môi trường. Các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp cơ khí chế biến công nghệ cao và đặc biệt là phát triển chế biến sâu các sản phẩm nông, thủy sản. Hình thành một số cụm công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu Đồng Tháp Mười.
Song song đó là phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tập trung đầu tư phát triển dự án điện khí hóa lỏng tại các Nhà máy Nhiệt điện Long An I, II tại huyện Cần Giuộc.
Bên cạnh đó, ngành dịch vụ cũng đang được đẩy mạnh để vươn mình phát triển ngang bằng với nhóm các tỉnh phát triển khá vùng Đông Nam Bộ. Nhiều hạ tầng thương mại, các hội chợ truyền thống, thương mại điện tử đều được tăng cường. Trong đó đáng chú ý là việc phát triển thương mại biên giới đang có nhiều bước thay đổi, tăng lượng lưu thông hàng hóa giữa hai nước cũng như các hạ tầng cơ sở thuận lợi vùng biên đang được đầu tư nhiều hơn.
Trong những năm qua, logistics cũng được Long An xem như một trong những mũi nhọn để tập trung đầu tư, mời gọi phát triển. Nổi bật là Cảng Quốc tế Long An với hạ tầng logistics đang phát triển của đơn vị này được ưu tiên mở rộng, thu hút đầu tư trở thành một mạng lưới quan trọng không chỉ cho tỉnh nói riêng mà mang tầm nối kết cho cả khu vực miền Tây và miền Đông, sang Campuchia nói chung.
Riêng ngành du lịch tỉnh Long An được xem là phát triển khá muộn, nhưng trong những năm qua đã có nhiều bước phát triển đột phá. Trở thành một điểm đến hấp dẫn với nhiều loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn, nghỉ dưỡng ven đô, giải trí,… cùng với nhiều nét văn hóa lịch sử, khảo cứu nằm cạnh TP.HCM đủ sức khẳng định tên tuổi trong bản đồ du lịch chung của khu vực.
Nông, lâm nghiệp và thủy sản hàng hóa đều ưu tiên ứng dụng công nghệ cao. Trong đó tập trung phát triển 4 nhóm cây trồng chủ lực: lúa, rau, thanh long và chanh. Với các vùng trồng đang ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường…
Ông Trương Văn Liếp cho biết lãnh đạo tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại với nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ thủ tục pháp lý liên quan đến lĩnh vực đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án luôn là điểm cộng cho môi trường đầu tư của Long An. Có một số dự án đầu tư trong khu công nghiệp có quy mô lớn, có tính lan tỏa mạnh, mang lại giá trị gia tăng cho tỉnh, công nghệ máy móc hiện đại và ít tác động đến môi trường đã được tập trung cấp giấy chứng nhận ngay trong ngày.
Không chỉ thế, những dự án này luôn có sự tham gia phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng và nhà đầu tư từ giai đoạn tìm hiểu, khảo sát, thực hiện các thủ tục đầu tư có liên quan theo quy định cho đến khi triển khai dự án.
“Những doanh nghiệp đến với Long An hiện nay đều được hỗ trợ thủ tục pháp lý liên quan. Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đã bố trí nhân sự trực tiếp tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh để hỗ trợ tư vấn miễn phí, hướng dẫn thủ tục hành chính về đầu tư, đăng ký kinh doanh, nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công trực tuyến và cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Đồng thời, cung cấp thông tin về quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, kết nối giới thiệu địa điểm và đồng hành cùng nhà đầu tư khảo sát các địa điểm đầu tư đã phù hợp quy hoạch”, ông Liếp nói.
AN LONG – TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ LONG AN – CÔNG TOẠI
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!