Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Minh Huyền – phó cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) – cho rằng TMĐT xuyên biên giới đang là xu thế và ngày càng phổ biến không chỉ ở Việt Nam.
Trong đó, Trung Quốc có thế mạnh, có nhiều doanh nghiệp (DN) hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này như Alibaba, JD.com, Pinduoduo…
Hàng hóa xuyên biên giới của các DN quốc tế vào thị trường Việt Nam qua TMĐT ngày càng tiện lợi và tạo áp lực lớn về cạnh tranh với DN trong nước về giá cả, chất lượng và mẫu mã hàng hóa.
Bà NGUYỄN THỊ MINH HUYỀN
Trung Quốc có nhiều chính sách ưu đãi
* Bộ Công Thương đánh giá thế nào về thực trạng nhiều DN, sàn TMĐT lớn của Trung Quốc xây kho hàng áp sát biên giới và trong nội địa Việt Nam, livestream liên tục bán hàng?
– Trung Quốc có nhiều chiến lược tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế với nhiều nước để đẩy mạnh phát triển thương mại xuyên biên giới nói chung và TMĐT xuyên biên giới nói riêng.
Chính phủ Trung Quốc có nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho các DN TMĐT hoàn thiện hệ sinh thái, gồm xây dựng các trung tâm kho vận kết nối với các tỉnh thành và từ đây hàng hóa khắp Trung Quốc vào các quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam.
Có thực tế là hàng xuyên biên giới từ các kho hàng sát biên giới vào Việt Nam được mua qua TMĐT tập trung ở các sàn giao dịch lớn tại Việt Nam như Lazada, Shopee, Tiki…
Tại đây, nhiều chính sách hỗ trợ chung của các chủ nền tảng TMĐT áp dụng với hàng quốc tế và hàng nội địa mang lại nhiều lợi thế cho DN tham gia. Đơn cử như thời gian giao hàng được rút ngắn, chi phí vận chuyển nhiều ưu đãi, hàng hóa phong phú với giá cạnh tranh.
Vì thế, hàng hóa xuyên biên giới của các DN quốc tế vào thị trường Việt Nam qua TMĐT ngày càng tiện lợi và tạo áp lực lớn về cạnh tranh với DN trong nước.
Hàng hóa xuyên biên giới cũng đặt ra nhiều vấn đề cho quản lý nhà nước trong việc xây dựng, hoàn thiện các hạ tầng chính sách về việc quản lý người bán nước ngoài trên các nền tảng TMĐT.
Việc này nhằm đảm bảo đối xử bình đẳng giữa DN quốc tế và trong nước trên môi trường mạng. Cùng với đó là các vấn đề như quản lý chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Doanh nghiệp Việt buộc phải hoàn thiện mình
* Như trên bà đã chia sẻ, thực trạng trên tạo ra áp lực cạnh tranh với DN trong nước. Bộ Công Thương đánh giá thực tế này thế nào, thưa bà?
– Hàng hóa xuyên biên giới vào Việt Nam qua kênh TMĐT vừa là cơ hội vừa là thách thức với DN Việt Nam. Chúng tôi cho rằng đây là cơ hội để DN Việt buộc phải hoàn thiện mình, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đó cũng là thách thức lớn. Bởi thực tế đòi hỏi DN trong nước phải không ngừng cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm và hoàn thiện các hạ tầng dịch vụ hỗ trợ TMĐT như hạ tầng kho bãi, giao nhận để có thể cạnh tranh trên “sân nhà”.
Bên cạnh đó, với hoạt động xuất khẩu, DN cũng có thể tận dụng kênh TMĐT và hệ thống logistics của phía Trung Quốc để đưa hàng hóa Việt đến tay người tiêu dùng quốc gia này, đặc biệt với những sản phẩm chúng ta có thế mạnh như nông sản, thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm OCOP…
Thực tế, các DN Việt Nam cũng đang khai thác rất hiệu quả TMĐT để xuất khẩu sang Trung Quốc và các thị trường trong khu vực.
Bộ Công Thương quản lý thế nào?
* Nhiều mặt hàng TMĐT bán sang không tem phụ, không bảo hành… Giải pháp của Bộ Công Thương là gì để quản lý hiệu quả hoạt động TMĐT xuyên biên giới, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh?
– Nhằm quản lý hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài thông qua kênh TMĐT, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành nghị định số 85/2021 để sửa đổi, bổ sung nghị định số 52/2013 về TMĐT.
Nghị định có nội dung yêu cầu chủ các nền tảng TMĐT khi cho phép người bán nước ngoài tham gia phải thực hiện việc định danh người bán nước ngoài.
Các chủ sở hữu nền tảng này cũng phải đại diện cho người bán nước ngoài giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do người bán nước ngoài cung cấp. Đồng thời có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế của người bán nước ngoài khi tham gia sàn.
Bộ Công Thương cũng đã nghiên cứu tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
Trong đó quy định cụ thể nhằm làm rõ trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian, nền tảng số lớn, điều chỉnh việc sử dụng hệ thống thuật toán và quảng cáo hướng tới nhóm người tiêu dùng cụ thể, đảm bảo việc quảng cáo hàng hóa, sản phẩm nội địa và quốc tế trên các nền tảng được rõ ràng.
* Vậy có chính sách nào để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước và nâng cao năng lực các sàn TMĐT nội địa trước sức ép cạnh tranh nước ngoài?
– Để bảo vệ hàng hóa trong nước, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ xem xét sớm ban hành nghị định về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua TMĐT nhằm có cơ chế tách bạch luồng hàng hóa thông thường và hàng hóa TMĐT, tăng cường quản lý người bán nước ngoài.
Bộ cũng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong môi trường TMĐT. Các vướng mắc về cơ chế xử lý, quy định pháp luật sẽ tiếp tục được rà soát, đánh giá để kiến nghị hoàn thiện, nâng cao hiệu lực pháp lý.
Triển khai các hoạt động hỗ trợ, nâng cao năng lực hướng tới sự phát triển bền vững, lâu dài cho DN như các hoạt động đào tạo tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phối hợp với các sàn TMĐT quốc tế triển khai các chương trình hỗ trợ cụ thể cho DN Việt…
Vận động ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên thương mại điện tử
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương với các sàn giao dịch TMĐT năm 2022, trung bình tỉ lệ người bán nước ngoài chiếm khoảng 7% tổng số người bán và số lượng đơn hàng trung bình của người bán nước ngoài chiếm 10,8% tổng số lượng đơn hàng.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền cho hay để nâng cao sức cạnh tranh của DN Việt, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động khuyến khích DN nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhất là trên môi trường TMĐT; khuyến khích DN phát huy lợi thế về am hiểu thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng trong nước để cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu.
Mời tham gia diễn đàn “Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử”
Sau khi báo Tuổi Trẻ thực hiện tuyến bài “Lần theo 10.000km hàng Trung Quốc vào Việt Nam”, nhiều bạn đọc đã thể hiện sự quan tâm, gửi bình luận, ý kiến, đề nghị đến tòa soạn.
Trong đó, hầu hết đều chỉ ra những ưu thế giá rẻ, vận chuyển nhanh của hàng hóa Trung Quốc do được hỗ trợ bởi thương mại điện tử cũng như những chính sách khuyến khích xây kho hàng, tăng tiếp cận người tiêu dùng nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó cũng có những góp ý, hiến kế với hàng Việt.
Để rộng đường dư luận, báo Tuổi Trẻ tổ chức diễn đàn “Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử”.
Mời bạn đọc chia sẻ những câu chuyện thực tế, những góp ý, phân tích thực trạng hàng Việt, những hạn chế cũng như nỗ lực vượt lên của DN nội trước làn sóng hàng ngoại trên sàn TMĐT. Diễn đàn cũng mong nhận được những hiến kế, kiến nghị chính sách để thúc đẩy sản xuất, tận dụng cơ hội phát triển.
Các ý kiến xin gửi về [email protected]ổi Trẻ
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!