Chị V.T.H. bắt đầu hành trình tìm con tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ từ năm 2021, khi đó chị đã 48 tuổi. Sau quá trình thăm khám, chị được các bác sĩ chẩn đoán có tình trạng suy buồng trứng và nội tiết rất kém.
Mặc dù đã trải qua 2 lần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thất bại nhưng chị H. vẫn quyết tâm, chấp nhận mọi rủi ro và mong muốn được thực hiện IVF lần 3 và may mắn thành công.
TS Đoàn Xuân Kiên, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, cho biết đến thời điểm hiện tại, sản phụ H. là trường hợp lớn tuổi nhất sinh con thành công nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại bệnh viện.
Điều mà các bác sĩ ấn tượng nhất về sản phụ H. là sự kiên trì theo đuổi khát khao làm mẹ đến cháy bỏng. Sản phụ đã trải qua 2 lần IVF thất bại nhưng vẫn không bỏ cuộc, may mắn là ở lần chuyển phôi thứ 3, sản phụ đã đậu thai.
Những ngày đầu của thai kỳ, sản phụ gặp phải tình trạng bong rau, dọa sẩy và được điều trị giữ thai tại bệnh viện. Các bác sĩ luôn theo sát và hỗ trợ tận tình để giúp sản phụ có thai kỳ an toàn.
Đến ngày 14-6 vừa qua, sản phụ H. hạ sinh thành công 1 bé trai khỏe mạnh nặng 3,2kg. Hiện tại, sức khỏe của cả mẹ và bé đều ổn định, đã được xuất viện.
Tại các bệnh viện ở Hà Nội, TP.HCM đã có những bà mẹ sinh con ở tuổi lớn hơn chị H., nhưng trường hợp này là đầu tiên tại bệnh viện ở tuyến tỉnh và không phải nhờ trứng hiến tặng.
Nên sinh con ở tuổi nào?
Theo TS Lê Thị Thu Hà – Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), các viện nghiên cứu y khoa trên thế giới đã chỉ ra rằng các bộ phận trong cơ thể của con người như cơ bắp, vú, xương và cơ quan sinh sản bắt đầu lão hóa từ độ tuổi 30. Càng lớn tuổi các cơ quan trong cơ thể đều bị lão hóa nặng nề hơn.
Khi đến 30 tuổi, ngực của phụ nữ mất dần các mô và mỡ. Sự đầy đặn và kích cỡ của vú bắt đầu bị suy giảm. Khi tuổi càng lớn, ngực càng nhỏ lại, việc tạo sữa cũng bị ảnh hưởng và bà mẹ sẽ gặp khó khăn khi nuôi con bằng chính nguồn sữa của mình.
Ngoài ra, đến tuổi 35 thì xương bắt đầu lão hóa và hiện tượng mất xương bắt đầu như một quá trình già tự nhiên. Các nhà dinh dưỡng khuyên nên bổ sung canxi và vitamin D bắt đầu từ khi 25 tuổi để tích lũy và bù xương khi đến tuổi xương bị lão hóa.
Phụ nữ trên 35 tuổi mang thai, nguy cơ loãng xương càng cao hơn vì thai nhi sẽ lấy một lượng lớn canxi từ mẹ trong khi mẹ đang có nguy cơ loãng xương rất cao.
Sau tuổi 35, số lượng và chất lượng trứng bắt đầu suy giảm. Do vậy, khả năng mang thai sẽ giảm rõ rệt sau tuổi này và càng lớn tuổi càng khó thụ thai.
Ngoài ra, nguy cơ dị tật bẩm sinh sẽ tăng cao hơn so với tuổi trẻ. Nguy cơ xảy ra lỗi khi phân chia nhiễm sắc thể tăng theo tuổi của trứng, chính vậy tuổi thai phụ càng cao, nguy cơ mắc Hội chứng Down càng cao.
U xơ tử cung là u lành tính ở tử cung, xuất hiện trong độ tuổi sinh sản và xuất độ u xơ tử cung gia tăng ở độ tuổi này. U xơ tử cung có thể gây khó thụ thai, sẩy thai, ngôi thai bất thường, sinh non và gia tăng tỉ lệ mổ lấy thai.
Sự lão hóa khiến cho suy giảm chức năng của các cơ quan trong cơ thể dẫn đến việc người cao tuổi dễ mắc bệnh. Do vậy, khi mang thai ở độ tuổi trên 35, người phụ nữ có nguy cơ có các bệnh đi kèm như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, loãng xương, và dễ mắc những bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi, cúm…
Như vậy, nếu sinh con ở độ tuổi trẻ, nếu tốt nhất là trước tuổi 30, cả mẹ và bé giảm được những nguy cơ kể trên.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!