Bún sông, cái tên nghe lạ tai nhưng từ lâu là món ăn thanh mát của người địa phương. Loài thủy sinh này chỉ xuất hiện theo mùa, chủ yếu từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch, khi nước sông ấm dần và hệ sinh vật dưới lòng sông bắt đầu sinh sôi.

Từ 15 giờ chiều, khi nước rút, người dân vùng Thủy Tú và một số du khách ra sông Cu Đê tìm sản vật độc lạ như bún sông

Với bộ đồ lặn giữ ấm cơ thể, ngư dân lặn bắt được bún mẹ
Người dân thường thả lưới hoặc lặn bắt để thu hoạch bún sông. Bún sông có 2 dạng, gồm bún mẹ và bún con.
Bún mẹ to cỡ lòng bàn tay, sần sùi, thường được gọi là “thỏ biển”. Mặc dù cái tên không liên quan đến hình dạng nhưng ngư dân gọi theo dân gian, không biết ai đặt và có từ bao giờ. Người dân cũng không ăn bún mẹ, bởi bún mẹ sinh ra những sợi trứng dài, cuộn tròn như lọn bún, người ta gọi là bún con.
Người dân địa phương cho rằng bún mẹ thuộc họ với hải sâm, thân mềm, màu xám đục, gai nhỏ quanh người và đặc biệt là có thể tiết ra chất dịch màu tím đen khi gặp nguy hiểm. Mỗi con bún mẹ có thể đẻ hàng nghìn trứng, sau đó dần tan rã trong nước.
Chính vì vậy, khi nhận ra vai trò đặc biệt của bún mẹ, người dân bắt được thường thả về với nước để tiếp tục những kỳ sinh sản tiếp theo.

Bún mẹ chỉ dùng để sinh sản, người dân không ăn nên sau khi bắt được thường được thả về lại với nước để tiếp tục cho ra bún con

Bún mẹ có màu xám đục, có gai mềm xung quanh, bản năng tiết ra chất dịch màu tím đen khi có người chạm vào
“Chỉ ở những vùng nước sạch như sông Cu Đê mới có bún mẹ. Con lớn nhất tôi từng gặp có chiều dài khoảng một gang tay. Không ai biết bún mẹ hay “thỏ biển” sinh ra từ đâu, nhưng sau khi đẻ ra nhiều lứa trứng, bún mẹ sẽ tự tiêu hủy và tan đi trong nước. Và từ những lứa trứng sinh ra trở thành bún con, gọi là bún sông Cu Đê, làm được những món ăn rất ngon”, ông Nguyễn Cưa (ngụ tổ 35, P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu) chia sẻ.
Món dân dã thành đặc sản du lịch sông Cu Đê
Trước đây, bún sông Cu Đê chủ yếu được người dân dân dùng trong bữa ăn hằng ngày, xào với tỏi ớt, nấu canh, ngon nhất là trộn gỏi… Vị giòn sần sật của bún sông thấm đều gia vị dân dã đã trở thành hương vị khó quên đối với nhiều người địa phương.
Gần đây, câu chuyện về loài thủy sinh đặc biệt và món ăn độc đáo này được nhiều du khách biết đến, tìm về sông Cu Đê để tận mắt chứng kiến cảnh vớt bún, tìm hiểu văn hóa sông nước và thưởng thức món ăn có một không hai.
Anh Đặng Mai Thanh Minh (ngụ tổ 35 Thủy Tú, P.Hòa Hiệp Bắc) chia sẻ: “Bún mẹ cứ đến tháng 2 âm lịch là xuất hiện, sau đó sinh bún con. Gần đây, ngày càng nhiều du khách, nhất là những người ưa trải nghiệm văn hóa bản địa nên ngư dân bán được nhiều, mùa hè ăn mát, thanh nhiệt”.

Bún mẹ thuộc loài nhuyễn thể, ăn phù du dưới nước, được người địa phương gọi tên là “thỏ biển”

Bún sông có tập tính thích sinh sản vào những nơi có nhiều vật cản nên bên cạnh lặn tìm, người dân có thể thả lưới để bắt
Khi thuận lợi, ngư dân có thể đánh bắt từ 20 – 30 kg bún sông mỗi ngày. Giá bán của bún sông hiện tại từ 100.000 – 120.000 đồng/kg, những hộ chăm chỉ có thể kiếm 20 – 30 triệu đồng/tháng trong mùa cao điểm.
Ông Trần Công Nguyên, Phó chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu, cho biết trong định hướng phát triển Q.Liên Chiểu và khu vực tây bắc TP.Đà Nẵng nói chung, sông Cu Đê đóng vai trò quan trọng cùng với hệ sinh thái Nam Ô, đèo Hải Vân, vịnh Đà Nẵng…
Trong đó, sông Cu Đê và khu vực lân cận sẽ phát triển theo hướng sinh thái, bảo tồn bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống, gắn với đời sống ngư dân, sinh kế người địa phương.
Tại đây đã có nghề làm nước mắm Nam Ô là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (từ năm 2019). Giờ đây, việc lan tỏa đặc sản bún sông, không chỉ mang lại niềm vui từ thu nhập khá cho người dân mà còn là việc món ăn truyền thống có cơ hội góp mặt trong bản đồ ẩm thực – một mũi nhọn du lịch mà thành phố đang chú trọng phát triển.

Sau 2 ngày thả lưới, anh Đặng Mai Thanh Minh (ngụ tổ 35 Thủy Tú, P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) lái thuyền ra sông để gỡ bún

Chị Nguyễn Thị Hiền (ngụ tổ 35 Thủy Tú, P.Hòa Hiệp Bắc) gỡ bún con mắc vào lưới

Loài sản vật này dài, cuộn tròn như sợi bún nên người địa phương đặt tên, bún sông màu xanh nhạt, khi mắc lưới vớt lên để lâu sẽ ngả vàng

Chị Bùi Thị Thanh (ngụ tổ 37 Thủy Tú, P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) khoe thành quả là rổ bún con sau hơn 2 ngày thả lưới và khoảng 1 giờ gỡ lưới

Vào đầu mùa, bún sông Cu Đê khá nhiều nên ngư dân gỡ lưới mỗi ngày 1 lần, hiện đã gần cuối mùa nên ngư dân thả và gỡ lưới 2 ngày/lần

Bún sông chế biến thành món trộn là ngon nhất, đây là đặc sản vùng sông Cu Đê
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!