Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 28-7, ông Nguyễn Xuân Anh, viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho biết lúc 11h35 cùng ngày, tại khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum) xảy ra trận động đất mạnh 5 độ. Độ sâu tiêu chấn khoảng 8,1km.
Đây là trận động đất mạnh nhất từng xảy ra ở Kon Plông. Người dân ở nhiều địa phương như Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên… cũng cảm nhận được rung lắc từ trận động đất này.
“Trận động đất này có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 ở khu vực tâm chấn và lân cận. Hiện Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần – Viện Vật lý địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này”, ông Xuân Anh nói.
Tính đến cuối ngày 28-7 tại khu vực huyện Kon Plông xảy ra 18 trận động đất khác có cường độ 2,6 – 4,1 độ. Các trận động đất này được đánh giá có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Ông Anh cho biết số liệu lưu trữ của Viện Vật lý địa cầu, từ năm 1903 – 2020, tại tỉnh Kon Tum chỉ có hơn 30 trận động đất, trận lớn nhất là 3,9 độ.
Tuy nhiên từ tháng 4-2021 đến nay, hàng trăm trận động đất đã xảy ra tại Kon Tum, trong đó có những trận động đất gây rung chấn diện rộng. Lớn nhất là trận động đất xảy ra trưa 28-7 có độ lớn 5 độ, trước đó ngày 23-8-2022 là trận động đất mạnh 4,7 độ.
Theo ông Anh, “động đất kích thích” là nguyên nhân gây ra trận động đất mạnh 5 độ ở Kon Plông ngày 28-7 và các trận động đất khác ở Kon Tum.
“Theo các nghiên cứu sơ bộ, dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ. Tuy nhiên vẫn cần triển khai ngay các nghiên cứu chi tiết hơn để đánh giá hoạt động động đất ở khu vực này”, ông Anh nói.
Ông cho biết hiện nay Viện Vật lý địa cầu đang triển khai 11 trạm quan trắc tại Kon Tum và thực hiện các nghiên cứu cập nhật chuyên sâu để đánh giá mức độ hoạt động của động đất ở địa phương này.
“Hoạt động động đất có thể sẽ xuất hiện và gây ra hậu quả lớn, nhất là nếu xảy ra ở khu vực đông dân cư và có các công trình trọng điểm.
Do đó, việc đánh giá nguy hiểm động đất là rất cần thiết và cần được cập nhật thường xuyên để phục vụ thiết thực cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, thiết kế kháng chấn cho các loại công trình từ trọng điểm đến khu dân cư”, ông Anh khuyến cáo.
Miền Bắc mưa lớn, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ hôm nay (29-7) đến chiều tối 30-7, ở khu vực Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ từ 50 – 150mm, cục bộ có nơi trên 250mm. Khu vực Đồng bằng Bắc Bộ từ 30 – 100mm, cục bộ có nơi trên 150mm.
Từ đêm 30 đến ngày 31-7, ở khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Từ đêm 31-7, mưa lớn ở khu vực Bắc Bộ có khả năng giảm dần.
Bà Trịnh Thu Phương, phó trưởng phòng dự báo thủy văn (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), cảnh báo từ nay đến ngày 30-7, trên các sông suối nhỏ thượng lưu khu vực Bắc Bộ có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1 – 3m.
Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông suối nhỏ có khả năng đạt mức BĐ1 – BĐ2. Mực nước các sông suối tại hạ lưu khu vực Đồng bằng sông Hồng – Thái Bình tiếp tục biến đổi chậm theo xu thế xuống dần. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, các khu đô thị và thành phố tại các tỉnh khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ và nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi Bắc Bộ.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!