Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
9 lượt xem

Kinh tế Mỹ chưa thoát vùng nguy hiểm

Dù Mỹ đạt thỏa thuận với Trung Quốc, các nhà kinh tế học cho rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định kinh tế Mỹ thoát nguy cơ suy thoái.

Vài tháng qua, các nhà kinh tế học liên tiếp cảnh báo chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái và lạm phát cao, đồng thời gây tê liệt chuỗi cung ứng hàng hóa. Tuy nhiên, đến ngày 12/5, thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung Quốc đã khiến nỗi lo này dịu lại phần nào.

Theo đó, trong 90 ngày tới, thuế nhập khẩu Mỹ áp lên hàng Trung Quốc sẽ giảm từ 145% xuống 30%. Tương tự, hàng Mỹ vào Trung Quốc được giảm thuế từ 125% về 10%. Các rào cản phi thuế quan cũng sẽ được gỡ bỏ.

Việc thuế được giảm mạnh hơn dự báo là một tín hiệu tích cực rõ rệt so với chỉ vài ngày trước. Diễn biến mới khiến Phố Wall khởi sắc, đồng thời nhen lên hy vọng Mỹ tránh được cơn ác mộng từ thuế nhập khẩu.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định kinh tế Mỹ đã vượt qua nguy hiểm. Nguy cơ suy thoái vẫn tồn tại, dù xác suất đã giảm phần nào.

Thuế nhập khẩu hiện cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong vài thập kỷ qua. Sự bất ổn thậm chí còn tăng cao hơn. Niềm tin và dòng chảy thương mại đã bị tổn hại và chưa thể hồi phục ngay lập tức.

Hơn nữa, chưa có tiền lệ nào để các nhà kinh tế học dự đoán điều gì xảy ra tiếp theo. Không ai biết một nền kinh tế hiện đại sẽ phản ứng ra sao sau khi trải qua nhiều cú sốc trong thời gian ngắn như vậy.

“Chúng ta chưa thoát khỏi vùng nguy hiểm đâu. Có người cho rằng ông Trump đã quay đầu. Nhưng điều đó không đúng. Mỹ vẫn đang duy trì mức thuế cao nhất trong cả thế kỷ”, Douglas Holtz-Eakin – cựu cố vấn kinh tế cho đảng Cộng hòa nhận định.





Khách hàng trong một siêu thị của Target ở Illinois (Mỹ). Ảnh: Reuters

Khách hàng trong một siêu thị của Target ở Illinois (Mỹ). Ảnh: Reuters

Mức thuế 145% Mỹ áp với Trung Quốc trước đây được đánh giá là rất cao, tương đương với một lệnh cấm vận thương mại. Giới chuyên gia từng cảnh báo thuế này sẽ gây ra nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng và hàng hóa biến mất khỏi kệ siêu thị.

Vì thế, thỏa thuận thương mại đã “ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng sắp xảy ra với kinh tế Mỹ,” Erica York – Phó Chủ tịch phụ trách chính sách thuế tại Tax Foundation cho biết trên CNN. Việc chính quyền Trump giảm thuế mạnh tay “cho thấy họ nhận ra đó sẽ là một thảm họa”.

Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết dù tỏ ra cứng rắn, ông Trump vẫn rất nhạy cảm với hình ảnh các kệ hàng trống trơn và phản ứng tiêu cực từ thị trường tài chính trước nguy cơ chiến tranh thương mại leo thang.

“Thật may là cả hai bên đều quyết định cứu nền kinh tế. Mỹ đã nhìn thấy cuộc khủng hoảng sinh tồn của hàng loạt doanh nghiệp nhỏ”, Peter Boockvar – Giám đốc đầu tư tại Bleakley Financial Group, viết trong báo cáo ngày 12/5.

Tuy nhiên, dù đã giảm thuế nhập khẩu với Trung Quốc xuống 30% trong ít nhất 90 ngày, mức này vẫn cao hơn đáng kể so với đầu năm. Moody’s Analytics tính toán, dựa trên các thỏa thuận khung với Trung Quốc và Anh, thuế nhập khẩu trung bình cho hàng hóa vào Mỹ đã giảm từ 21,3% xuống còn 13,7%. Đây vẫn là mức cao nhất kể từ năm 1910.

Mark Zandi – kinh tế trưởng của Moody’s Analytics – dự báo với mức này, lạm phát Mỹ có thể tăng hơn 1 điểm phần trăm trong một năm tới. Quy mô GDP cũng được dự báo giảm mức tương tự.

Nhờ tiến triển trong đàm phán Mỹ – Trung, Zandi hạ dự báo khả năng Mỹ suy thoái năm nay từ 60% về 45%. “Nền kinh tế sẽ có một năm khó khăn nhưng có thể tránh suy thoái. Dù vậy, bất kỳ cú sốc nào khác cũng có thể khiến tình hình xấu đi”, ông nhận định.

Nói cách khác, cuộc chiến thương mại đã làm suy yếu khả năng chống chịu của nền kinh tế. Justin Wolfers – Giáo sư kinh tế tại Đại học Michigan, viết trên X: “Đúng là triển vọng thương mại và kinh tế hôm nay tươi sáng hơn hôm qua. Nhưng cũng không sai khi nói rằng tình hình hiện tại tồi tệ hơn nhiều so với ngày ông Trump nhậm chức”.

Wolfers từng cảnh báo xác suất suy thoái của Mỹ có thể lên tới 75% nếu toàn bộ thuế đối ứng được triển khai và duy trì. Hiện tại, ông cho biết nguy cơ suy thoái đã giảm mạnh, nhưng vẫn ở mức 50%.

“Chúng ta đã chứng kiến một đợt gián đoạn chuỗi cung ứng hoàn toàn không cần thiết. Điều đó không thể đảo ngược ngay được. Sẽ mất thời gian để phục hồi”, ông cho biết trên CNN.

Ngày 12/5, ngân hàng Goldman Sachs cũng hạ dự báo xác suất Mỹ suy thoái năm nay từ 45% về 35%. Kathy Bostjancic – kinh tế trưởng tại Nationwide, kỳ vọng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng nhẹ trong năm nay, thay vì đứng yên như nhận định trước đó. Nationwide cũng ước tính lạm phát tăng lên 3,4% trong năm nay, cải thiện so với mức 4% trước khi thỏa thuận được công bố.

Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc vẫn chưa kết thúc. Ngày 12/5, khi được hỏi liệu thuế có quay lại mức 145% nếu đàm phán thất bại hay không, ông Trump nói: “Không, nhưng sẽ tăng đáng kể. Dù sao, tôi nghĩ chúng ta vẫn sẽ có một thỏa thuận”.

Tổng thống Mỹ vẫn đang coi thuế là một công cụ đắc lực. Nhiều loại thuế theo ngành vẫn có thể được áp dụng, như với gỗ, chip bán dẫn, dược phẩm, đồng, khoáng sản chiến lược và xe tải.

Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đã mở cuộc điều tra an ninh quốc gia với máy bay, động cơ phản lực và linh kiện máy bay. Đây là bước đầu cho khả năng áp thuế ngành hàng không.

Nguy cơ Mỹ áp thêm thuế là lý do Joe Brusuelas – kinh tế trưởng tại RSM – vẫn giữ dự báo xác suất nước này suy thoái trong 12 tháng tới là 55%. “Thỏa thuận này giúp ngăn sự chia rẽ giữa kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều chi tiết chưa rõ, nhất là về thuế theo ngành. Nguy cơ suy thoái vẫn chưa thể loại trừ”, Brusuelas giải thích.

Mức độ bất ổn trong chính sách thương mại đã tăng vọt những tháng gần đây, lên cao nhất kể từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Việc Mỹ và Trung Quốc bất ngờ giảm thuế sẽ xoa dịu áp lực tài chính cho doanh nghiệp, nhưng đồng thời khiến tình hình thêm khó đoán.

Wolfers cho rằng giới đầu tư và doanh nghiệp vẫn đang nín thở chờ cú sốc tiếp theo từ Nhà Trắng. “Khả năng chúng ta có 90 ngày yên ổn phía trước là bao nhiêu? Hôm nay đúng là có tin tốt. Nhưng tin tốt thực sự phải là có ai đó ngăn được ông ấy ra các quyết định như vậy”, Wolfers nói.

Hà Thu (theo CNN, Reuters)





Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: