Cũng theo nghị định này, các chung cư, tòa nhà văn phòng không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn sẽ bị phạt từ 200 – 250 triệu đồng.
Trong khi đó, theo Luật Bảo vệ môi trường, chậm nhất là 31-12-2024 phải áp dụng việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Như vậy, từ 1-1-2025, các trường hợp vi phạm nêu trên sẽ bắt đầu bị xử phạt. Tuy nhiên đến nay, nhiều hộ gia đình, địa phương vẫn còn loay hoay trong việc phân loại, thu gom rác thải.
Vẫn còn lúng túng trong phân loại rác
Sau bữa tối mỗi ngày, anh Nguyễn Văn Hiếu (ngụ quận 5, TP.HCM) đi vứt rác tại khu vực đổ rác công cộng của chung cư với túi rác chứa đủ loại rác trong ngày từ thức ăn thừa, túi ni lông bẩn, đến vỏ chai, hộp nhựa các loại. Theo anh Hiếu, quy định về phân loại rác nhưng chung cư nơi anh ở chưa thấy ai làm mà đều bỏ chung vào một khu nên anh cũng chưa phân loại rác.
Trong khi đó bà Vũ Thị Thu Hương (Bình Thạnh) cho biết gia đình bà luôn phân loại rác hữu cơ, vô cơ vào các bịch riêng. Tuy nhiên, phía thu gom rác gom về lại một thùng, chỉ lấy riêng các chai nhựa, vỏ lon có thể tái chế. “Chúng tôi có thể phân loại tại nguồn, nhưng cơ chế thu gom, xử lý rác thải cần phải có sự đồng bộ, nếu không thì việc phân loại cũng vô ích”, bà Hương nói.
Bà Nguyễn Thị Hiếu (trưởng ban quản lý một chung cư tại TP Thủ Đức) cho biết việc thu gom rác ở các chung cư do các doanh nghiệp đảm nhiệm. Thông thường, phía thu gom sẽ phân loại để có thể tận dụng lấy những loại rác có thể bán, tái chế. Do đó nếu mọi người dân phân loại tại nguồn sẽ thuận tiện hơn cho bên thu gom, song chung cư phải bố trí lại các nơi tập kết rác bởi người dân các tầng chỉ bỏ rác vào họng là rớt xuống hầm rác.
“Chúng tôi sẽ chấp hành nhưng cần có các quy định cụ thể bởi thay đổi thói quen của người dân là một vấn đề khó và việc bố trí nơi phân loại rác cũng cần phải khoa học bởi thiết kế thu gom rác của chung cư là theo kiểu cũ”, bà Hiếu nói.
Ông Hứa Phú Doãn (phó chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam) khẳng định nhiều người dân đã bắt đầu quen thuộc với khái niệm phân loại rác, quen mắt với các thùng rác, ký hiệu phân loại khác nhau. Tuy nhiên việc phân loại rác vẫn mới dừng lại ở nhận thức, còn hành động chưa cao.
“Rào cản lớn nhất với phân loại rác là cơ sở vật chất, hạ tầng còn yếu, tình trạng rác thu gom chung một xe, không phân loại từ người thu gom còn diễn ra nhiều. Theo tôi, có thể chia xe chở rác theo loại hoặc theo giờ để thu gom rác phân loại. Việc phân loại rác có thể vừa triển khai vừa hoàn thiện dần, không thể chờ đợi thêm nữa”, ông Doãn đề xuất.
Đầu tư hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh tuyên truyền
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Chaitath Tongsalee (phó giám đốc bộ phận quản trị thương hiệu Tập đoàn SCG khu vực ASEAN) cho biết điều quan trọng trong việc thúc đẩy phân loại rác là cần giáo dục hành vi đối với người dân. Như tại doanh nghiệp này, rác sẽ được phân loại và chia ra làm sáu thùng.
Doanh nghiệp sẽ kết nối với nhà máy xử lý để thu gom, tái chế với quy trình xử lý tận gốc. Do đó ông Chaitath cho rằng phân loại rác tại nguồn với hạ tầng đồng bộ sẽ mang lại lợi ích lâu dài trong việc xử lý chất thải, tận dụng tài nguyên và thúc đẩy tái chế, tái sử dụng.
Trong khi đó ông Lê Anh (giám đốc phát triển bền vững Công ty nhựa tái chế Duy Tân) cho rằng nhiều người dân đã ý thức phân loại rác tại nguồn nhưng cơ sở hạ tầng và quy trình xử lý rác vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
“Nhiều người đã phân loại rác song khi xe rác đến, chúng lại đổ chung vào một chỗ. Điều này lâu dần làm mất động lực, khiến những người nghiêm túc cảm thấy công sức phân loại rác của mình bị lãng phí”, ông Anh nói.
Theo ông Anh, có thể học hỏi từ các mô hình phân loại rác ở các nước tiên tiến, thu gom các loại rác dễ phân loại, có giá trị như nhựa để tái chế. Việc tách rác thải có giá trị cao như nhựa, vỏ lon… giúp giảm tải công việc cho những người thu gom rác, không phải tự phân loại rác từ các đống rác lớn.
“Khi đó các công ty môi trường đô thị sẽ có được nguồn vật liệu đầu vào sạch và dễ xử lý hơn. Những người làm công việc thu gom ve chai cũng sẽ được hỗ trợ tốt hơn trong việc phân loại rác”, ông Anh chia sẻ.
Ông Đặng Bùi Khuê (giám đốc phát triển bền vững Tập đoàn TUV NORD) cũng cho rằng để phân loại rác hiệu quả, bước đầu cần có những cơ sở hạ tầng đồng bộ và dễ dàng tiếp cận. Đồng thời, Nhà nước cần truyền thông mạnh mẽ hơn để mọi người có thể hiểu và thực hiện việc phân loại rác một cách nghiêm túc, hiệu quả.
Hỗ trợ chuyển đổi xe thu gom rác
Theo Sở TN&MT, cơ quan này đang hoàn thiện nội dung đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để hướng dẫn cụ thể cách thức phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại về các nhà máy xử lý chất thải.
Để thúc đẩy việc phân loại rác tại nguồn, Sở TN&MT có chính sách hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đang thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có nhu cầu vay vốn chuyển đổi xe, thiết bị thu gom, vận chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý gắn với chương trình phân loại rác tại nguồn. Hỗ trợ cho vay với hạn mức không quá 70% tổng mức đầu tư với mỗi dự án, lãi suất cho vay 3,86%/năm trong thời gian vay không quá bảy năm.
Sở cũng cho biết đang phối hợp với các đơn vị để nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ người dân, lực lượng thu gom, vận chuyển trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và thu gom, vận chuyển riêng các loại chất thải sau phân loại. Trong đó có xem xét hỗ trợ thiết bị lưu chứa riêng biệt chất thải thực phẩm sau phân loại cho đơn vị thu gom tại nguồn.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!