Liệu việc nhân viên không đăng tải bài quảng của công ty trên trang cá nhân có hợp pháp? – Ảnh: Sohu
Mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hiện đại, cũng là công cụ marketing hiệu quả được nhiều doanh nghiệp tận dụng. Tuy nhiên, việc khai thác sức mạnh của mạng xã hội như thế nào để vừa đạt hiệu quả truyền thông, vừa đảm bảo quyền lợi của người lao động đang là bài toán nan giải.
Bị sa thải vì không đăng 1 bài nào về công ty lên trang cá nhân
Vào ngày đầu tháng 7, một vụ việc lùm xùm liên quan đến vấn đề này đã thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng Trung Quốc. Cụ thể, một tài khoản có tên “月光葡萄酒” (Nguyệt quang bồ đào tửu) đã đăng tải bài viết trên Weibo chia sẻ về việc bản thân bất ngờ bị công ty truyền thông sa thải sau gần một tháng làm việc.
Lý do được đưa ra là nhân viên này đã không đăng tải bất kỳ nội dung nào liên quan đến công ty lên trang mạng xã hội của cá nhân trong suốt thời gian làm việc. Ban lãnh đạo công ty cho rằng hành động này thể hiện sự thiếu nhiệt huyết, không phù hợp với giá trị cốt lõi của công ty.
Bài đăng sau khi được chia sẻ đã nhanh chóng thu hút gần 80.000 lượt xem, khiến nhiều người dùng mạng xã hội, đặc biệt là những người trẻ đang đi làm không khỏi bức xúc. Nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra, tạo nên làn sóng tranh luận sôi nổi.
Một bộ phận cư dân mạng bày tỏ sự đồng cảm với trường hợp của nhân viên bị sa thải, cho rằng việc sử dụng mạng xã hội cá nhân là quyền tự do của mỗi người. Việc công ty ép buộc nhân viên đăng bài quảng cáo trên trang cá nhân là hành vi xâm phạm đời tư, cần được lên án.
Ở chiều ngược lại, một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn do đại dịch, mỗi cá nhân nên linh hoạt hơn và cùng chung tay với doanh nghiệp vượt qua giai đoạn thử thách. Việc nhân viên chia sẻ thông tin về công ty trên mạng xã hội cá nhân cũng là cách để thể hiện sự gắn bó, đóng góp cho sự phát triển chung.
Một ngân hàng ở Trung Quốc còn áp dụng KPI với việc chia sẻ thông tin quảng cáo của doanh nghiệp trên trang cá nhân của nhân viên – Ảnh: Sohu
Không bị sa thải, nhưng bị trừ điểm KPI
Đáng chú ý, câu chuyện tương tự cũng xảy ra với chị Vương (làm việc tại một chi nhánh ngân hàng ở Hàng Châu, Trung Quốc). Chị cho biết từ tháng 2-2024, ban lãnh đạo ngân hàng yêu cầu toàn bộ nhân viên phải thường xuyên chia sẻ thông tin sản phẩm, chương trình ưu đãi của ngân hàng lên mạng xã hội WeChat.
Việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ sẽ bị trừ điểm KPI, ảnh hưởng đến đánh giá hiệu quả làm việc của cá nhân và cả chi nhánh.
Thậm chí bộ phận nhân sự của ngân hàng còn kiểm tra điện thoại cá nhân của nhân viên hằng ngày. Việc chia sẻ thông tin trong nhóm chat chỉ bao gồm đồng nghiệp cũng bị xem là không hợp lệ và bị trừ điểm tương tự.
Những hành động này của phía ngân hàng khiến nhiều nhân viên cảm thấy bị kiểm soát quá mức, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Không bắt buộc thực hiện nếu không có trong hợp đồng
Những chia sẻ này đang gây xôn xao dư luận, nhiều người đặt ra câu hỏi về ranh giới giữa quyền lợi của doanh nghiệp và quyền riêng tư của người lao động. Vậy, liệu việc công ty yêu cầu nhân viên quảng bá sản phẩm, dịch vụ trên mạng xã hội cá nhân và kiểm tra điện thoại cá nhân có thực sự hợp pháp?
Luật sư Tiền Yến Hinh (thuộc Công ty luật Quân Duyệt) đã đưa ra một số phân tích chi tiết.
Theo luật sư này, Luật Dân sự Trung Quốc quy định công dân có quyền bất khả xâm phạm về đời tư. Tài khoản mạng xã hội, điện thoại di động là tài sản cá nhân, thuộc quyền sở hữu và quản lý của mỗi người. Doanh nghiệp không có quyền can thiệp vào đời sống riêng tư của người lao động, bao gồm cả việc yêu cầu sử dụng mạng xã hội cá nhân phục vụ mục đích kinh doanh của công ty.
Luật sư Tiền cũng cho biết thêm trong trường hợp nội dung công việc, bao gồm cả việc quảng bá sản phẩm, dịch vụ trên mạng xã hội cá nhân, đã được nêu rõ trong hợp đồng lao động ngay từ khi thiết lập quan hệ lao động, công ty có quyền yêu cầu nhân viên thực hiện. Nếu nhân viên từ chối, công ty có thể áp dụng các hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật và hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, nếu nội dung công việc không được quy định rõ ràng từ ban đầu, doanh nghiệp không có quyền ép buộc nhân viên thực hiện các công việc ngoài phạm vi trách nhiệm, cũng như áp dụng hình thức kỷ luật nếu nhân viên không thực hiện.
Trong trường hợp này, quy định của doanh nghiệp về việc xử phạt nhân viên không đăng bài quảng cáo lên mạng xã hội cá nhân được xem là bất hợp pháp và vô hiệu.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!