Hơn một tuần qua, thời gian đi đường của Thanh Ngọc kéo dài thêm hai tiếng mỗi ngày vì hầu như tất cả tuyến đường đều ùn, tắc.
Nhà Ngọc ở Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm, công ty nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cách gần 11 km. Trước đây người phụ nữ 31 tuổi thường mất một tiếng, “bò qua 16 đèn đỏ” kết hợp trèo lên vỉa hè mới đến công ty đúng 8h.
Nhưng từ ngày 1/1, khi Nghị định 168 có hiệu lực với mức xử phạt 4-6 triệu đồng đối với xe máy “không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông”, thời gian đi làm của Ngọc tốn thêm một tiếng mỗi chiều. Cùng quãng đường đến công ty, một số ngã tư ở Nguyễn Chí Thanh, Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân) hay Xã Đàn (quận Đống Đa) phải chờ ba lượt đèn tín hiệu cô mới qua được ngã tư.
“Không ai dám cố vượt đèn vàng, ăn gian 2-3 giây đèn đỏ để thoát khỏi ngã tư, càng không dám đi lên vỉa hè như trước. Tất cả cùng đi chậm nên các điểm nghẽn ngày càng dài”, Ngọc nói. “Nhỡ mà bị phạt 5 triệu đồng, bằng nửa tháng lương nên có phải chờ lâu hơn tôi cũng chịu”.
Sáng, Ngọc phải đi sớm hơn 30 phút để kịp giờ chấm công. Tình trạng ùn tắc kéo dài vào giờ tan tầm khiến cô về nhà sau 20h. Con gái ba tuổi phải thuê người đưa đón và gửi sang nhà hàng xóm nhờ cho ăn tối.
Người chồng chạy taxi công nghệ của Ngọc cũng cảm nhận rõ tình trạng ùn tắc ảnh hưởng đến thu nhập. Trước ngày 1/1, trung bình mỗi ngày anh Nguyễn Hiếu, 35 tuổi nhận 10 cuốc xe, thu nhập vài trăm nghìn đồng. Nhưng 10 ngày nay số chuyến chỉ bằng hơn nửa.
“Ý thức tham gia giao thông của mọi người thay đổi rõ rệt, chấp hành luật nghiêm chỉnh hơn trước nhưng đường ùn tắc suốt cả ngày, bò từng mét vừa lâu, vừa xót tiền xăng”, anh Hiếu nói.
Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Cảnh sát giao thông số 6, Công an thành phố Hà Nội, cho biết sau khi Nghị định 168 có hiệu lực, người dân đã dừng đúng vạch khi đèn đỏ, không lấn làn hay đi trên vỉa hè khiến dòng xe nối đuôi nhau dài hơn tại các khu vực có đèn giao thông. Trước kia phương tiện có xu hướng tìm mọi cách chen lên phía trước khiến “độ phình ngang” của đoàn xe lớn.
Bên cạnh đó, gần đến Tết, lượng phương tiện từ các tỉnh đổ về Thủ đô cũng tăng mạnh khiến mật độ xe nhiều hơn, một số điểm tập trung đông khiến thời gian chờ đèn đỏ kéo dài hơn.
“Giờ cao điểm trong thời gian qua không chỉ vào buổi sáng, chiều mà ngay cả trưa”, Trung tá Chiến cho biết.
Trình trạng kẹt xe nghiêm trọng cũng bùng phát ở TP HCM thời gian qua.
Sáng 10/1, Hoàng Long, 30 tuổi, nhân viên văn phòng ở khu vực Quốc lộ 50, quận 8, mất gần 30 phút mới thoát được cảnh đứng chôn chân trong dòng xe máy trên đường Nguyễn Văn Linh và điểm ùn tắc gần Lotte Mart và đường Nguyễn Hữu Thọ, để đến công ty tại phường Tân Thuận Đông, quận 7.
“Vừa đi vừa nóng ruột, nơm nớp lo không kịp giờ chấm công”, Long nói. Từ khi Nghị định 168 có hiệu lực, Long và những người khác không dám rẽ phải khi có đèn đỏ vì mức phạt cao. “Thà trễ giờ làm còn hơn mất gần nửa tháng lương”, anh nói.
Long tính toán những ngày sau phải đi làm sớm hơn 15-20 phút để trừ hao, tránh trễ giờ làm.
Chia sẻ trên VnExpress ngày 10/1, đại diện Sở Giao thông Vận tải TP HCM nhận xét ý thức người đi đường được nâng cao hơn trước từ khi Nghị định 168 có hiệu lực. Tình trạng không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông như vượt đèn đỏ, rẽ phải khi đèn đỏ… đã giảm nhiều. Tuy nhiên, với mật độ xe ở thành phố rất lớn, trong khi nhiều đường hẹp, chưa đủ đáp ứng đến tình trạng xe dừng chờ kéo dài.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng tình trạng ùn tắc ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM là không tránh khỏi bởi số phương tiện tăng nhanh từng năm trong khi hạ tầng nhiều nơi chưa đủ đáp ứng.
TP HCM hiện có hơn 9,5 triệu xe các loại, trong đó hơn một triệu ôtô, gần 8,5 triệu xe máy, chưa tính xe vãng lai. Trong khi đó, mật độ đường giao thông chỉ đạt khoảng 2,44 km mỗi km2, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn 10-13 km mỗi km2. Hạ tầng quá tải là điều dễ thấy.
Tại Thủ đô tình trạng quá tải hạ tầng cũng trầm trọng không kém. Thành phố có trên 8 triệu phương tiện, gồm 1,1 triệu ôtô, 6,7 triệu xe máy, 200.000 xe đạp điện, chưa kể 1,2 triệu phương tiện của tỉnh, thành phố khác. Tỷ lệ đất dành cho giao thông của Hà Nội chỉ đạt 12-13%, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn 20-26%.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc, giảm áp lực cho các lực lượng chuyên trách và người dân, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy gợi ý một số giải pháp như nâng cấp hạ tầng, làm đường rộng, thoáng hơn. Quan trọng hơn, theo ông Thủy, các phương tiện công cộng phải đáp ứng yêu cầu của người dân, đi đúng giờ, thái độ phục vụ tốt để kích cầu. Đặc biệt, không nên xây dựng dày đặc chung cư trong trung tâm mà cần nghiên cứu mở thành phố vệ tinh để kéo giãn mật độ dân số.
Còn với vợ chồng Thanh Ngọc, khi chưa tìm được giải pháp để không phải “bò” trên đường, họ chấp nhận phương án: đi sớm, về muộn để tránh tắc. Con gái 3 tuổi sẽ gửi về quê ở Phú Thọ nhờ ông bà chăm sóc đến hết Tết Nguyên đán.
“Đây chỉ là giải pháp tạm thời, còn nếu ùn tắc kéo dài vợ chồng tôi có lẽ phải chuyển trọ hoặc tìm người trông con ca tối khi liên tục về muộn”, cô nói.
Ngọc Ngân – Quỳnh Nguyễn
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!