Kinh doanh ế ẩm, Lệ Quyên được thầy bói phán phải tìm người hợp tuổi xông đất đầu năm mới nhằm “xả hạn cầu may”.
Dù chưa rõ hiệu quả, nhưng người phụ nữ 31 tuổi sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội vẫn làm theo bởi tin tưởng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.
“Thầy phán, nếu chọn được người hợp mệnh, hợp tuổi, vận khí tốt thì dù công việc đổ bể cũng sớm lấy lại cơ nghiệp”, bà mẹ hai con nói.
Lệ Quyên tuổi Tuất mệnh Hỏa, được khuyên nên chọn người xông đất tuổi Hợi, cùng mệnh với ý đồ “Lửa thêm vào lửa, sức mạnh sẽ tăng gấp đôi”. Sau nhiều lần chọn lựa, cô nhờ người em họ vốn nổi tiếng thông minh khôn khéo, lại có tài buôn bán.
Nghe lời thầy, Quyên dặn người em khi đến xông đất quần áo phải rực rỡ, mang theo chai rượu đỏ, vào cửa bước chân phải, đặc biệt có mặt tại nhà cô trong khung giờ 0h30-1h bởi “hợp tuổi gia chủ”.
Tuy nhiên qua thời điểm giao hẹn đã lâu không thấy người xông đất tới, Quyên gọi điện được báo xe hỏng giữa đường. Cực chẳng đã, cô lại hẹn vào “khung giờ đẹp” sáng hôm sau, theo gợi ý trước đó của thầy bói. Để chắc chắn em họ là người đầu tiên đến xông đất, Quyên khóa kín cửa, bật camera ngoài cổng để chờ đúng người.
“Quan trọng phải chọn đối tượng đúng tuổi, đúng mệnh thì mới nhanh phất. Để người khác vô tình xông đất lại dông cả năm”, Quyên nói với chồng.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, tục xông đất vốn là nghi lễ đón người đầu tiên đến thăm nhà sau giao thừa, mang ý nghĩa khởi đầu may mắn. Đây không chỉ là nghi thức đón năm mới mà còn là biểu tượng của niềm tin và hy vọng, giúp con người tìm thấy sự an lành, lạc quan.
Trước đây người được chọn xông đất thường có gia đình phúc đức, con cháu đuề huề, vợ chồng hòa thuận, ăn nên làm ra. Bản thân họ phải là người nhân hậu, đạo đức, có uy tín trong gia đình xã hội và không vướng “bụi” trong năm (tang chế, rủi ro, bệnh tật, bất hạnh…).
“Tuy nhiên việc gia chủ đặt ra hàng loạt yêu cầu hay kiêng kị với người xông đất nhằm cầu may đã khiến tục lệ này chuyển sang mê tín, dị đoan”. Ông Hải nói.
Ngoài việc làm mất đi bản chất tốt đẹp của văn hóa truyền thống, tâm lý này còn khiến người được chọn xông đất cảm thấy áp lực.
Mùng 4 Tết năm ngoái, Quốc Tuấn được lãnh đạo chọn mặt gửi vàng trong hàng trăm nhân viên làm người xông đất cho công ty. Tưởng đó là vinh dự nhưng chàng trai 23 tuổi quê Hưng Yên lại nơm nớp lo lắng. Từ Bắc vào Nam lập nghiệp, Tết là dịp nghỉ dài ngày duy nhất để thanh niên này về quê đoàn tụ. Vé máy bay đã đặt sớm, nhưng buộc phải đổi khiến tăng thêm chi phí.
Đến ngày xông đất, Tuấn hy vọng nhận được lì xì từ cấp trên, bù cho chi phí đổi vé. Nhưng khi mở phong bao, anh ngỡ ngàng vì chỉ thấy 300.000 đồng. “Ngoài mất tiền oan, tôi còn lo lỡ công ty làm ăn thất bát, sếp lại đổ vạ lên đầu”. Tuấn kể.
Thực tế đã có người bị như vậy. Năm 2021 vì dịch bệnh nên doanh thu công ty giảm mạnh. Nhân viên xông đất năm đó bị sếp nói là “nặng vía”, uất ức mà nghỉ việc.
Ông Phạm Đình Hải cho rằng, hành động của người lãnh đạo công ty Quốc Tuấn cũng dễ hiểu bởi khi gặp biến cố, thất bại con người thường có xu hướng đổ lỗi cho ngoại cảnh thay vì tự nhận trách nhiệm.
“Một khi mong muốn không được thỏa mãn, mối quan hệ giữa gia chủ và người xông đất trở nên dè dặt, thậm chí phát sinh mâu thuẫn”, vị chuyên gia nói.
Dù nghe theo lời thầy bói làm đủ thủ tục lễ nghi, nhưng ngay từ đầu năm, Lệ Quyên phải nằm viện cả tháng vì sốt xuất huyết, tiếp đến là hai đứa con. Chuyện làm ăn ở công ty cũng không thuận lợi khi cô liên tiếp gặp rắc rối liên quan tới pháp lý, tranh chấp rồi bị đối thủ chơi xấu. Mới đây, chồng Quyên lại mất vài trăm triệu đồng vì nợ xấu không đòi được.
Đủ chuyện bực bội ập tới trong khi em họ làm ăn ngày càng phát đạt khiến Quyên quả quyết mình bị “cướp lộc”. Cô cho rằng, bởi người này đến sai khung giờ xông đất nên đã mang xui xẻo tới gia đình. Mối quan hệ của hai người vì thế ngày càng mâu thuẫn.
Chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng vì những người mê tín như Lệ Quyên mà việc thăm hỏi nhau ngày đầu xuân năm mới thông qua tục xông đất đã bị biến tướng.
Vị chuyên gia nói, xông đất vốn là vấn đề văn hóa tâm linh, mang tính truyền thống. Mọi người không nên quá cầu kỳ đối với tập tục này cũng như kỳ vọng cao vào người xông đất, bởi rất có thể họ sẽ mang tiếng xấu nếu năm đó gia chủ không may mắn lại quay sang trách cứ, khiến bản thân day dứt.
Từng bị điều tiếng “mang vận xui” trong năm xông đất bởi gia chủ phá sản, giờ Thanh Hưng thấy áp lực mỗi lần đi chúc Tết. Vài năm nay, người đàn ông quê Thanh Hà, Hải Dương chỉ đến thăm hỏi người thân, bạn bè từ mùng 2, hoặc luôn là người bước vào sau nếu đi cùng tập thể.
“Họ làm ăn hanh thông thì mừng, lỡ gặp vận xui lại đổ lỗi, tình cảm dễ sứt mẻ”, Hưng nói.
Để tránh gặp tình huống tương tự, chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ khuyên trong những ngày đầu xuân năm mới, mọi người nên giữ tinh thần thoải mái, cùng nhau gặp gỡ, đoàn viên để gắn kết tình thân.
Theo vị chuyên gia, cuộc sống, công việc của mỗi người là do chính họ quyết định, không phải do bất kỳ ai hay thế lực tâm linh nào. Ông cũng trích dẫn câu nói “Nhân định thắng thiên, đức năng thắng số” nhằm nêu bật đạo đức của con người sẽ vượt qua mọi trở ngại để đạt được kỳ vọng tốt đẹp.
Hải Hiền – Quỳnh Nguyễn
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!