Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
26 lượt xem

Hơn 9.300 tàu cá không đủ điều kiện hoạt động

Cà MauCả nước còn 9.322 tàu cá không đủ điều kiện hoạt động, ảnh hưởng xuất khẩu thủy sản sang các thị trường lớn, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nội dung được đề cập tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) ngày 17/10, với sự tham gia nhiều địa phương như Cà Mau, Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu, Bình Định.

Tàu cá neo đậu ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Ảnh: Chúc Ly

Tàu cá neo đậu ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Ảnh: Chúc Ly

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước còn hơn 9.300 tàu “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép), trong tổng số hơn 84.700 tàu. Đến nay mới có đạt khoảng 74% tàu hoàn thành đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản.

Hiện, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài diễn biến phức tạp. Chủ tàu vi phạm thường dùng phương tiện dưới 15 m không lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS); cố tình ngắt VMS khi hoạt động gần khu vực biển giáp ranh; gửi thiết bị giám sát trên tàu cá khác.

Từ đầu năm đến nay có 61 tàu với 418 ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, tăng 12 tàu so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng chức năng trong nước phát hiện, xử lý 19 tàu vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết công tác xử lý vi phạm quy định IUU còn rất thấp, chưa thống nhất, đồng đều giữa các tỉnh. Các địa phương cần hoàn thành công tác quản lý đội tàu, đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, kiên quyết xử lý hình sự hành vi hợp thức hóa hồ sơ cho các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thăm, động viên các chủ tàu, ngư dân tại cảng cá Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Ngọc Thu

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trò chuyện với các chủ tàu, ngư dân tại cảng cá Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau, chiều 16/10. Ảnh: Ngọc Thu

Liên quan vấn đề này, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các tỉnh phải hoàn thành việc đăng ký, quản lý 100% số tàu tại địa bàn trong tháng 11/2024, không để còn tàu cá “3 không”.

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh việc gỡ “thẻ vàng” IUU giúp ngành thuỷ sản Việt Nam phát triển bền vững, hội nhập chủ động, tránh được các hàng rào kỹ thuật, thương mại khi xuất khẩu vào những thị trường lớn. Các bộ, ngành và địa phương cần có giải pháp tổng thể không chỉ để gỡ “thẻ vàng”, mà còn nâng cao hiệu quả khai thác, bảo vệ, phát triển nguồn lợi hải sản tại các ngư trường.

Năm 2008, Ủy ban châu Âu (EC) ban hành quy định số 1005 về thiết lập hệ thống cộng đồng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, có hiệu lực từ năm 2010. Năm 2017, Việt Nam bị EC cảnh cáo thẻ vàng vì không tuân thủ quy định IUU. Điều này đồng nghĩa thủy hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác suất, khiến doanh nghiệp mất nhiều chi phí phát sinh.

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để gỡ thẻ vàng EC nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Bộ ngành, các địa phương và doanh nghiệp đặt mục tiêu gỡ “thẻ vàng” thủy sản trong năm nay.

Chúc Ly


Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: