Hàng trăm công sở, trường học, trạm y tế ở Thanh Hóa bị bỏ không sau quá trình sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, gây lãng phí tài sản nhà nước.
Báo cáo tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa chiều 9/7, ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết giai đoạn 2019-2021 tỉnh sáp nhập 143 đơn vị hành chính cấp xã. Số đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp giảm 76, còn 559 xã, phường, thị trấn.
Cũng trong giai đoạn này, tỉnh sáp nhập, giải thể nhiều đơn vị sự nghiệp công lập không còn phù hợp với thực tế, gồm trường học, trạm y tế. Đến cuối năm 2023, số đơn vị sự nghiệp công lập giảm hơn 300 so với năm 2016.
Sau sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021, toàn tỉnh có 537 cơ sở nhà đất dôi dư, gồm 457 trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, còn lại là trường học, nhà văn hóa thôn bản, trạm y tế…
UBND tỉnh Thanh Hóa sau đó đã lên kế hoạch xử lý, sử dụng các tài sản công dôi dư, Sở Tài chính được giao là cơ quan tham mưu chính. Đến nay, 455 trong tổng số 537 cơ sở đã được duyệt phương án điều chuyển, thu hồi, bán đấu giá hoặc chuyển giao về địa phương quản lý. Hiện còn 82 cơ sở, chủ yếu là các trạm y tế, chưa có phương án chi tiết.
Dù đã có phương án, theo đánh giá của cơ quan chức năng và các đoàn giám sát HĐND tỉnh Thanh Hóa, hầu hết công sở dôi dư đang bỏ hoang hoặc sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí, trang thiết bị xuống cấp.
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Tứ cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến quá trình xử lý tài sản công dôi dư bị chậm trễ như tác động của Covid-19, số lượng công sở dôi dư của tỉnh nhiều nhất cả nước, nguồn gốc tài sản phức tạp, vướng mắc về thủ tục hành chính… Các huyện thị hiện không có cán bộ chuyên trách, tổ giúp việc lại thay đổi vị trí công tác thường xuyên cũng là nguyên nhân dẫn quá trình xử lý hồ sơ không được liên tục.
Được mời giải trình, ông Nguyễn Văn Thi, Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, thừa nhận “quá trình xử lý số tài sản công dôi dư của tỉnh hiện rất chậm” dù liên tục được nhắc nhở, đôn đốc. Ngoài vướng mắc về thủ tục pháp lý, quy hoạch sử dụng và nguồn gốc đất cũng như tài sản trên đất, ông Thi cho rằng “có một phần do cán bộ cơ sở sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến đùn đẩy, chậm tham mưu…”.
Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho rằng trong thời gian tới, các ngành liên quan và chính quyền các cấp cần quyết liệt, tập trung hơn nữa để sớm xử lý dứt điểm số tài sản công dôi dư, tránh lãng phí. “Nếu cách làm cũ chưa tốt thì cần thay đổi phương pháp mới cho phù hợp, hiệu quả hơn”, ông Hưng nói.
Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh Thanh Hóa diễn ra trong ba ngày 8-10/7. Ngoài phiên chất vấn giám đốc các sở Tài chính, Khoa học và Công nghệ, đại biểu còn thảo luận, thông qua 11 nghị quyết về các vấn đề kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng… Dự kiến sáng 10/7, Chủ tịch tỉnh Đỗ Minh Tuấn sẽ giải trình các vấn đề HĐND tỉnh và cử tri quan tâm; nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm về điều hành 6 tháng cuối năm.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!