Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
12 lượt xem

Hồi ức ‘dò đường’ cho lực lượng mũ nồi xanh của tướng Nguyễn Chí Vịnh

Trước khi quyết định đưa quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, lãnh đạo Bộ Quốc phòng từng mất 10 năm nghiên cứu và trăn trở.

Trong hồi ký “Hành trình vì hòa bình”, cố thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết việc nghiên cứu đề án thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình được Bộ trưởng Quốc phòng, khi đó là đại tướng Phùng Quang Thanh, giao cho ông năm 2009, lúc vừa đảm nhận cương vị Thứ trưởng Quốc phòng.

Việt Nam bắt đầu đóng góp cho hoạt động gìn giữ hòa bình năm 1993 khi làm quan sát viên bầu cử tại Algeria, Campuchia. Tuy nhiên, chỉ khi cử quân trực tiếp thực hiện một sứ mệnh trên thực địa, Liên Hợp Quốc mới coi là tham gia gìn giữ hòa bình.

Những năm 2000, Việt Nam đã cảm nhận được sức ép rất lớn từ yêu cầu hội nhập, mở cửa trên tất cả lĩnh vực. Bộ Chính trị đã có nghị quyết về tăng cường “tiếng nói” của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế. Từ đây, việc đưa quân đội tham gia gìn giữ hòa bình được đặt ra. “Vấn đề này không thể bỏ qua, nhưng cần xử lý như thế nào cho thấu đáo là một thách thức”, tướng Vịnh viết.





Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cùng phái đoàn Việt Nam tham gia hội nghị tại trụ sở Liên Hợp Quốc về gìn giữ hòa bình năm 2019. Ảnh: TTXVN

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cùng phái đoàn Việt Nam tham gia hội nghị tại trụ sở Liên Hợp Quốc về gìn giữ hòa bình năm 2019. Ảnh: TTXVN

Đa số lãnh đạo trong quân đội khi đó vẫn nhìn nhận Việt Nam “chưa đủ điều kiện tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình”, dù việc này thể hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của Việt Nam với Liên Hợp Quốc, giúp gia tăng lòng tin, mở rộng quan hệ. Nhưng nếu thực hiện không đúng mục tiêu, không hiệu quả thì sẽ phản tác dụng. Băn khoăn khiến Bộ Quốc phòng “đóng băng” vấn đề này gần 10 năm.

Nhiều lãnh đạo, chuyên gia quân sự cho rằng Việt Nam chỉ cần tham gia theo kiểu “đánh trống ghi tên” do lo ngại thực hiện sứ mệnh này có thể đụng chạm tới lợi ích nhóm khủng bố nào đó, có thể làm phương hại an ninh nội địa, hay cộng đồng người Việt ở nước ngoài. “Đó là những vấn đề hóc búa mà chúng tôi mất nhiều năm để nghiên cứu và trăn trở”, tướng Vịnh viết.

Gốc rễ của tâm lý e ngại là do cơ quan trong nước đang quá thiếu thông tin về lực lượng gìn giữ hòa bình, chưa thấy bản chất thực sự và những mặt tích cực mà hoạt động này. Do đó cách duy nhất là đi tận nơi xem thực chất hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là như thế nào.

Năm 2011, ông Vịnh đề xuất với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thành lập đoàn công tác liên ngành, nòng cốt là Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. Tổ công tác sẽ đi khảo sát tại các phái bộ ở châu Phi, trước mắt là Nam Sudan, sau đó về thống nhất ý kiến, báo cáo Bộ Chính trị để tránh tình trạng “thầy bói xem voi”.





Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trao quyết định của Chủ tịch nước về việc cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đầu tiên tới Nam Sudan, ngày 1/10/2018. Ảnh:Thành Nguyễn

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trao quyết định của Chủ tịch nước cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đầu tiên tới Nam Sudan, ngày 1/10/2018. Ảnh: Thành Nguyễn

Trong chuyến đi này, tướng Vịnh là Trưởng đoàn, thành phần gồm trung tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Công an, nay là Tổng Bí thư; thiếu tướng Phan Văn Giang, Phó tổng Tham mưu trưởng, nay là Bộ trưởng Quốc phòng; ông Lê Hoài Trung, Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, nay là Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; thiếu tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nay là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Ngày 23/6/2013, đoàn công tác liên ngành của Việt Nam đã có mặt ở Cộng hòa Nam Sudan, quốc gia trẻ nhất thế giới và đang trong nội chiến, vô cùng nghèo đói, khó khăn và loạn lạc. Đoàn đã gặp lãnh đạo cấp cao Nam Sudan, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao, thăm lãnh đạo và chỉ huy Phái bộ Gìn giữ hòa bình, Bệnh viện Dã chiến cấp 2 của Campuchia, Đội Công binh của Nhật Bản đang làm nhiệm vụ tại đây.

Là thành viên của tổ công tác cách đây hơn 10 năm, thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, vẫn nhớ tại khu vực đóng quân của rất nhiều phái bộ xuất hiện rất nhiều lá cờ, nhưng ấn tượng nhất là cờ của Campuchia.

“Khi tôi đến, rất đông lính mũ nồi xanh của Campuchia chạy ùa ra. ‘Chào thầy Sơn, chào thầy Sơn’. Hóa ra hầu hết y, bác sĩ tại bệnh viện dã chiến từng học tập tại Bệnh viện 175”, ông nói trong buổi ra mắt hồi ký của tướng Vịnh. Hình ảnh này vừa là “sự thách thức, kích động, vừa đánh vào lòng tự trọng”, ông Sơn tự hỏi khi nào lá cờ Việt Nam tung bay tại trụ sở phái bộ Gìn giữ hòa bình nơi đây.

Nguyên Giám đốc Bệnh viện 175 nhìn nhận giờ đây Việt Nam đã cử lần lượt các bệnh viện dã chiến cấp hai số 1, rồi đến nay là số 6, với hàng trăm lượt sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan. “Ngày trước khi tôi đến, doanh trại có vườn toàn rau dại, rất đắng. Nhưng khi có bàn tay của bộ đội ta, rau dại thay bằng rau trồng, rất ngon. Chỉ có bộ đội ta mới làm được như thế”, tướng Sơn nhớ lại.





Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tiễn Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tới Nam Sudan. Ảnh: Hoàng Phong

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tiễn Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tới Nam Sudan. Ảnh: Hoàng Phong

Kết thúc chuyến đi châu Phi, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cùng đoàn công tác vỡ ra những nguyên tắc cơ bản, yêu cầu và tiêu chí về nhân sự đủ điều kiện tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình. Qua khảo sát, Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin vào phẩm chất và năng lực của bộ đội Việt Nam.

“Thành công quan trọng nhất của chuyến khảo sát chính là giải tỏa nhiều băn khoăn lo lắng để đi đến sự đồng thuận chung về nhận thức và tư tưởng rằng Việt Nam nhất định sẽ thực hiện có hiệu quả sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc”, trích hồi ký của tướng Vịnh.

Tháng 11/2012, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc. Nghị quyết số 22/2013 của Bộ Chính trị xác định: “Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc”.

Chủ trương này cũng được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 806 của Quân ủy Trung ương và sau này được đưa vào Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019: “…giữ nước từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình; tạo lập và củng cố niềm tin bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc; bảo đảm bình đẳng cùng có lợi; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại…”.

Quá trình nghiên cứu, khảo sát và rất nhiều cuộc họp, trao đổi kinh nghiệm với nhiều đối tác quốc tế, lãnh đạo cấp cao đi tới nhận thức thống nhất về những lợi ích cũng như hiểu biết rõ hơn về khó khăn, thách thức sẽ phải đối mặt khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình.

Việt Nam đã sẵn sàng tuyên bố là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việc cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình chính là hiện thực hóa tuyên bố đó bằng hành động cụ thể. “Để cộng đồng quốc tế thấy Việt Nam đã nói là làm, nói được và làm được, từ đó người ta có lòng tin, chúng ta có vị thế. Đó còn là vấn đề bảo vệ chủ quyền, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc”, tướng Vịnh viết trong hồi ký.

Bài tiếp: ‘Năm không’ của quân đội Việt Nam khi tham gia gìn giữ hòa bình

Sơn Hà

*Bài viết sử dụng tư liệu từ sách “Hành trình vì hòa bình” của tướng Nguyễn Chí Vịnh



Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: