Ai cũng có ít nhất một lần trong đời cảm thấy cùng cực, như thể cả thế giới đều quay lưng với mình. Ngay cả đoạn trẻ đi qua vấp váp trong đời, cả khi trẻ trượt cả ba nguyện vọng… Lúc đó tất cả chúng ta cần gì? Có phải là những đoạn đường cần rất nhiều cái ôm?
Dẫu vậy, cũng phải thừa nhận, sao một cái ôm lại khó khăn đến thế.
“Hãy ôm nhau đi”, không chỉ ôm nhau những khi cãi vã, giận hờn, những khi thấy mình trơ trọi. Hãy ôm cả khi vui lẫn lúc buồn, lúc nguy nan lẫn thành đạt, lúc khốn khổ lẫn an lành…
1. Tôi không nhớ được hồi nhỏ mình đã được ôm như thế nào. Tôi chỉ nhớ đâu chừng 30 năm trước, tôi có lần trễ học, phải nhờ ba chở đi. Ba chạy nhanh, tôi không có thói quen ôm ai đó, ngay cả ba mình, thậm chí là còn ngồi với một khoảng cách nhất định. Chiếc nón lá đẹp của tôi bị gió thổi bay mất. Tôi thậm chí cũng không dám kêu ba ngừng lại lấy nón.
Không hiểu sao tôi hay nhớ những câu chuyện vụn vặt như vậy, nếu tôi có thể ôm ba, có thể ngồi chắc chắn hơn, tôi hẳn có thể giữ được chiếc nón của mình. Cũng có thể là không.
Quay lại câu chuyện cái ôm, khi tôi đi học xa nhà, chuyến về Tết năm ấy, xe cộ thời đó đi lại khó khăn, cũng không có điện thoại liên lạc. Xe không đi ngang nhà mà thường bỏ tôi ở một ngã ba Phú Tài (nay là ngã ba Đông Dương) đường vào Nam, ra Bắc lên Tây Nguyên, đâu đó lúc 3-4h sáng rồi chạy tiếp.
Xe dừng, tôi đã thấy ba mình lên xe tìm. Ông đã lên bao nhiêu chuyến xe như thế từ Sài Gòn ra Bắc, ghé qua ngã ba bỏ người, nguyên một đêm đó, vì không biết chuyến xe tôi đi sẽ về đến lúc mấy giờ.
Ba đã chờ tôi nguyên đêm ngoài tiết trời mùa đông mưa gió của miền Trung như thế. Tôi nhớ hai cha con ôm chầm lấy nhau mừng rỡ và cảm động. Nó không giống những cái ôm tôi nhìn thấy trong các tuồng cải lương trên tivi thời đó… Đó là một cái ôm không thể nói thành lời, đúng ra là khi không thể nói nên lời, cái ôm đã làm thay, tôi nghĩ.
Cũng mùa hè hay mùa Tết năm đó tôi không rõ, chỉ nhớ khi trở lại trường, gặp lại bạn – cô gái Nam Bộ rặt lần đầu tôi tiếp xúc, nhào tới ôm chầm lấy tôi líu lo mừng rỡ. Tôi, kiểu người miền Trung không quen bày tỏ cảm xúc, đã đơ ra một hồi trước tình cảm mênh mông của bạn.
Bằng cách nào đó, tôi cũng học được nhiều ngôn ngữ yêu thương hơn – nói vui là học được “nhiều thứ tiếng” hơn (theo TS.BS Gary Chapman thì có 5 loại: lời nói, cử chỉ hành động chu đáo, quà tặng, những xúc chạm, và thời gian chất lượng dành cho nhau).
Cái ôm cũng là một ngôn ngữ yêu thương trong nhóm xúc chạm mang lại cho người ta cảm giác được an toàn, được kết nối, được thương yêu… Năm tháng đại học có thể là năm chúng tôi giống như miếng bọt biển, tham vọng thấm hút mọi thứ, gì cũng muốn học, muốn trải nghiệm…
Thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ tới một người bạn, chàng trai hay chạy xe bằng một tay, không phải vì chạy xe một tay lấy le, mà vì cách chàng trai dùng cánh tay còn lại đặt lên vai bên kia, như kiểu tự ôm ấp, tự vỗ về mình.
Lúc đó, mỗi lần nhìn thấy, tôi đều nhủ thầm, một con người cô đơn – cách để nhận diện một con người cô đơn. Nhưng sau này nhớ lại, tôi phát hiện ra mình nghĩ khác, đó là một người trưởng thành hơn chúng tôi, có lẽ bạn ấy đã biết cách tự ôm lấy mình từ rất sớm.
Cô em gái nhỏ của tôi, lần đầu tiên gặp lại sau ba năm cô ấy đi học ở nước ngoài, cô ấy nói: “Cả một tuần nay em chỉ tập để có thể đón Hai ở sân bay mà không òa lên khóc”. Tôi nhớ mình ôm cô ấy mà rưng rưng.
Các em nhỏ của tôi, nói là nhỏ nhưng hầu như đều đã có gia đình, mỗi lần gặp nhau, chúng tôi hay lần lượt ôm những đứa trẻ, đến phiên những người lớn với nhau, bỗng dung cứng đờ.
Một người trong bọn chữa quê hỏi: Có ôm luôn đứa này không? Ôm chớ. Cái ôm dù có lọng cọng, nhưng mà bằng cách nào đó nó cũng đã hiện ra. Có còn hơn không, tôi nghĩ.
2. Tin rằng không ít lần bạn đã có cảm giác: “Nơi tuyệt vời nhất trên thế giới là bên trong vòng tay ôm lấy bạn” – J Quest.
Nhưng tôi cũng đọc thấy một cái ôm chỉ có thể giúp tuyến yên tiết ra oxytocin, gọi nôm na là hormone tình yêu – giúp tăng cảm giác gắn kết và thân mật, dễ dàng kết nối với những người khác, đặc biệt là người yêu mình, khi được ôm từ 20 giây trở lên.
Như vậy vòng ôm chỉ trở thành nơi tuyệt vời nhất trên thế giới nếu ta được ôm ít nhất 20 giây. Với trẻ nhỏ thời gian ôm còn phải dài hơn! Khi các con còn bé bỏng, chuyện ôm ấp cưng nựng còn dễ dàng, thoải mái.
Các con lớn lên, có đoạn chúng từ chối, thậm chí cự tuyệt chuyện ôm hôn, ngay cả những trẻ được ôm ấp đủ đầy lúc nhỏ, đến đoạn dậy thì vẫn có nhiều biến động không thể hiểu, chuyện ôm trở thành một nỗi khó khăn.
Rồi cả đoạn trẻ đi qua những vấp váp trong đời, có bạn trai, bạn gái, gia đình biến động, ngay cả khi trẻ trượt cả ba nguyện vọng… Những đoạn đường cần rất nhiều cái ôm khích lệ vực dậy…
Hãy ôm các con nhiều đủ để oxytocin tiết ra tối đa, để chúng ta cảm nhận được về hormone hạnh phúc.
Chuyên gia trị liệu gia đình người Mỹ Virginia Satir (1916 – 1988) từng nói: mỗi ngày con người cần 4 cái ôm để tồn tại, 8 cái ôm để duy trì sự sống và 12 cái ôm để phát triển. Vì vậy, “hãy ôm nhau đi”, không chỉ ôm nhau những khi cãi vã, giận hờn, những khi thấy mình trơ trọi. Hãy ôm cả khi vui lẫn lúc buồn, lúc nguy nan lẫn thành đạt, lúc khốn khổ lẫn an lành…
Không phải rất nhiều người bên nhau lúc gian khó nhưng lại chia xa lúc đủ đầy đó sao. Những cái ôm kỳ diệu an ủi, chở che, mang chúng ta lại gần nhau mỗi đoạn chia lìa và giúp vun đầy cảm xúc lúc đoàn viên sum vầy…
Chỉ cần mở rộng vòng tay và mở rộng trái tim mình.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!