Hàn Quốc phát triển biến thể FA-50 một chỗ ngồi, được cho là có thể cạnh tranh trực tiếp với F-16, nhưng có giá rẻ hơn nhiều.
Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KAI) từ năm ngoái bắt đầu dự án phát triển biến thể một chỗ ngồi của dòng chiến đấu cơ FA-50, với mục tiêu nâng cao khả năng tác chiến và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo kế hoạch, biến thể FA-50 mới sẽ được hoàn thiện vào năm 2028, với các cải tiến đáng kể về tầm hoạt động, hiệu suất và chi phí vận hành, được kỳ vọng sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các chiến đấu cơ danh tiếng như F-16 của Mỹ, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội và khả năng tác chiến linh hoạt.
FA-50 là mẫu máy bay hai chỗ ngồi được ra mắt năm 2011, là biến thể chiến đấu của T-50 Golden Eagle, dòng máy bay huấn luyện tiên tiến do KAI hợp tác với Lockheed Martin của Mỹ thiết kế.
FA-50 được trang bị radar, hệ thống điện tử hàng không hiện đại và khả năng mang vũ khí đa dạng, từ bom dẫn đường đến tên lửa không đối không. Với chi phí thấp hơn so với các máy bay chiến đấu đa năng như F-16 của Mỹ hay Sukhoi của Nga, FA-50 được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của các quốc gia có ngân sách quốc phòng hạn chế nhưng vẫn muốn hiện đại hóa không quân.

Tiêm kích FA-50 của không quân Philippines tại căn cứ Clark thuộc tỉnh Pampanga. Ảnh: AFP
Một trong những lợi thế lớn nhất của FA-50 là giá rẻ hơn đáng kể so với các đối thủ như F-16 của Mỹ hay các dòng tiêm kích Nga. Mỗi chiếc FA-50 có giá 30-45 triệu USD, tùy vào cấu hình và hợp đồng cụ thể, trong khi tiêm kích F-16 Block 70/72 có giá 80-110 triệu USD mỗi chiếc
Philippines đã ký hợp đồng mua 20 chiếc F-16 Block 70/72 với tổng giá trị 5,58 tỷ USD, bao gồm hỗ trợ hậu cần, tương đương mức giá 90-100 triệu USD mỗi chiếc. Ngay cả các biến thể F-16 cũ hơn như Block 50/52 cũng có giá 50-70 triệu USD, cao hơn đáng kể so với FA-50.
Các máy bay như Su-30 và Su-35 của Nga có giá lần lượt 50-70 triệu USD và 85 triệu USD mỗi chiếc. Su-57, dòng máy bay thế hệ 5 của Nga, có giá lên đến 100-120 triệu USD.
Với mức giá chỉ bằng 40-50% so với F-16 Block 70/72 và 50-60% so với Su-35, FA-50 trở thành lựa chọn lý tưởng cho các quốc gia đang phát triển hoặc các nước có ngân sách quốc phòng hạn chế. Philippines đã chọn FA-50 làm nền tảng chính cho không quân, mua 12 chiếc với giá 420 triệu USD (35 triệu USD/chiếc) năm 2014. Những con số này cho thấy FA-50 không chỉ rẻ hơn về chi phí mua sắm mà còn dễ tiếp cận hơn đối với các hợp đồng quy mô nhỏ.
Ngoài giá thành, FA-50 cũng có chi phí vận hành và bảo trì thấp hơn. Động cơ F404-GE-102 của FA-50 được sử dụng rộng rãi trên các máy bay như F/A-18, giúp giảm chi phí phụ tùng và bảo dưỡng.
Trong khi đó, F-16 với radar AESA (như AN/APG-83) và hệ thống điện tử phức tạp đòi hỏi cơ sở hạ tầng bảo trì tiên tiến, làm tăng chi phí dài hạn. Tương tự, các máy bay Sukhoi của Nga, đặc biệt là Su-35 với động cơ AL-41F1S, phụ thuộc nhiều vào nguồn cung phụ tùng từ Nga.
Mặc dù là máy bay chiến đấu hạng nhẹ, FA-50 được trang bị các công nghệ hiện đại, đủ sức thực hiện nhiều loại nhiệm vụ, từ tấn công mặt đất đến phòng không. Máy bay này sử dụng radar EL/M-2032 của Israel, có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 150 km và theo dõi nhiều mục tiêu cùng lúc.
Hệ thống điện tử hàng không của FA-50 hỗ trợ tích hợp các loại vũ khí tiên tiến, như tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder, AIM-120 AMRAAM (tùy cấu hình), bom dẫn đường JDAM, GBU-38, tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon (trong một số cấu hình xuất khẩu).
Tải trọng vũ khí 4.500 kg của FA-50 thấp hơn đáng kể so với 7.700 kg của F-16 hay 8.000 kg của Su-35, nhưng vẫn đủ đáp ứng các nhiệm vụ tấn công chiến thuật và phòng thủ không phận. Hơn nữa, FA-50 có khả năng tích hợp các hệ thống vũ khí mới thông qua các gói nâng cấp, giúp duy trì tính cạnh tranh trong tương lai.

Tiêm kích F-16 của Mỹ chuẩn bị hạ cánh xuống căn cứ ở Osan, phía nam thủ đô Seoul, Hàn Quốc hồi tháng 4/2013. Ảnh: Reuters
FA-50 đã chứng minh được sức hút trên thị trường quốc tế, với các hợp đồng lớn từ Philippines, Iraq, Malaysia, gần đây là Ba Lan. Ba Lan, một thành viên NATO, đã đặt mua 48 chiếc FA-50 với giá trị hợp đồng 3 tỷ USD vào năm 2022, một “dấu mốc quan trọng” cho thấy FA-50 không chỉ hấp dẫn với các nước đang phát triển, mà còn với các quốc gia có yêu cầu kỹ thuật cao.
FA-50 không chỉ là biểu tượng của tham vọng công nghệ hàng không, mà còn là minh chứng cho chiến lược dài hạn của Hàn Quốc trong việc xây dựng các sản phẩm quốc phòng tiên tiến, giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu công nghệ quân sự. Việc phát triển biến thể một chỗ ngồi của FA-50 được coi là cách để Hàn Quốc tăng cường năng lực cạnh tranh với các “ông lớn” trong ngành công nghiệp hàng không quân sự.
Trong biến thể FA-50 mới, ghế phi công phụ sẽ được thay bằng thùng nhiên liệu bổ sung hơn 1.135 lít, giúp tối ưu hóa không gian và mang lại lợi ích đáng kể về hiệu suất. Với thùng nhiên liệu mới, FA-50 có thể tăng tầm hoạt động 1.800 km của phiên bản hai chỗ ngồi thêm 20-30%, tương đương 520-650 km, tùy thuộc vào cấu hình và điều kiện bay.
Với cải tiến này, FA-50 một chỗ ngồi có thể đạt tầm hoạt động lên đến 2.300-2.500 km, ngang ngửa với một số máy bay chiến đấu đa năng hạng trung, giúp nó thực hiện các nhiệm vụ tác chiến trong phạm vi rộng hơn mà không cần tiếp dầu trên không. Điều này không chỉ nâng cao khả năng tấn công mặt đất mà còn cải thiện tính linh hoạt trong các nhiệm vụ tuần tra và phòng không.
Việc cắt bỏ một chỗ ngồi giúp giảm trọng lượng máy bay, từ đó cải thiện hiệu suất hoạt động và khả năng cơ động. FA-50 vốn được trang bị động cơ General Electric F404-GE-102 với lực đẩy hơn 8.000 kg, đủ để đạt tốc độ tối đa Mach 1,5 và mang theo 4.500 kg vũ khí. Việc loại bỏ ghế thứ hai và tối ưu hóa thiết kế khí động học giúp FA-50 duy trì sự cân bằng giữa hiệu suất và chi phí, một yếu tố mà các tiêm kích như F-16 khó đạt được.
KAI cũng đang phát triển hệ thống mô phỏng tiên tiến để thử nghiệm; đánh giá khả năng điều khiển của FA-50 một chỗ ngồi. Hệ thống này dự kiến hoàn thành vào 2027, sẽ đảm bảo máy bay đạt được độ tin cậy, hiệu suất tối ưu trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt. Việc sử dụng công nghệ mô phỏng không chỉ giảm chi phí phát triển mà còn tăng cường khả năng tùy chỉnh máy bay theo yêu cầu của khách hàng quốc tế.
Thành công của FA-50 trong xuất khẩu được hỗ trợ bởi chiến lược tiếp thị thông minh của KAI, nhấn mạnh vào chi phí thấp, thời gian giao hàng nhanh và khả năng tích hợp các hệ thống vũ khí phương Tây.
So với F-16, vốn có thời gian chờ giao hàng kéo dài do nhu cầu cao từ các đồng minh, FA-50 có thể được chuyển giao nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu cấp bách của các quốc gia đang hiện đại hóa không quân.
Biến thể FA-50 một chỗ ngồi được thiết kế để cạnh tranh trực tiếp với các máy bay như MiG-29, Su-30 và F-16 trên thị trường quốc tế. Với chi phí thấp, khả năng tác chiến được cải thiện, FA-50 nhắm đến các quốc gia ở châu Á, châu Phi, Đông Âu, nơi ngân sách quốc phòng hạn chế.
Ví dụ, Malaysia chọn FA-50 để thay thế các máy bay Hawk cũ, Colombia và Senegal cũng đang cân nhắc dòng máy bay này. Trong khi đó, F-16 vẫn là lựa chọn hàng đầu cho các quốc gia thuộc liên minh NATO hoặc có quan hệ chặt chẽ với Mỹ, nhờ vào hệ sinh thái vũ khí và hỗ trợ hậu cần toàn diện. Tuy nhiên, FA-50 có lợi thế ở các thị trường trung lập hoặc các quốc gia muốn đa dạng hóa nguồn cung vũ khí để tránh phụ thuộc quá mức vào Mỹ hoặc Nga.
Mặc dù FA-50 có nhiều ưu thế, nó cũng đối mặt với một số thách thức. Đây là máy bay chiến đấu hạng nhẹ, với tải trọng vũ khí và tầm hoạt động thấp hơn so với F-16 hay Su-35, khiến nó không phù hợp cho các kịch bản tác chiến phức tạp như chiến đấu ngoài tầm nhìn (BVR) hoặc tấn công sâu vào lãnh thổ đối phương.
Việc cạnh tranh với F-16 không chỉ là vấn đề giá cả, mà còn về uy tín thương hiệu. F-16 đã được hơn 25 quốc gia sử dụng và có lịch sử thực chiến phong phú. Trong khi đó, FA-50 dù đã được triển khai ở Philippines và Iraq, vẫn cần thời gian để xây dựng danh tiếng.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng tiềm năng của FA-50 vẫn rất lớn. Với biến thể một chỗ ngồi, FA-50 không chỉ cải thiện hiệu suất mà còn mở rộng khả năng ứng dụng, từ huấn luyện đến tác chiến. Hơn nữa, sự hỗ trợ từ chính phủ Hàn Quốc, cùng với mạng lưới hợp tác quốc tế của KAI, sẽ giúp FA-50 tiếp cận các thị trường mới.
Trong bối cảnh các quốc gia đang tìm kiếm các giải pháp quốc phòng hiệu quả về chi phí, FA-50 có cơ hội định hình lại thị trường máy bay chiến đấu hạng nhẹ, có thể mang lại lợi ích kinh tế và chiến lược cho Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ tới.
Phong Lâm (Theo Global Defence News)
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!