Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
8 lượt xem

Hai năm huấn luyện gian khổ của đặc công nước

Hải PhòngMang theo khí tài bơi trên biển hàng chục km, thả trôi sinh tồn nhiều giờ, lặn sâu vài chục mét là một phần thử thách của đặc công nước Lữ đoàn 126.

Mùa huấn luyện đặc công nước thường bắt đầu từ tháng 6 hàng năm khi quân y, quân lực Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 đưa những chiến sĩ sức khỏe hạng một, tiền đình tốt, kháng áp cao trong lứa tân binh hải quân khắp cả nước về. Thượng úy Phạm Xuân Tuấn, 27 tuổi, Đại đội phó Đại đội 4, Tiểu đoàn 2 cùng các sĩ quan chỉ huy sẽ trực tiếp huấn luyện. Anh Tuấn nét mặt thư sinh là tay bơi lặn cừ khôi của quân chủng, từng 5 năm đào tạo người nhái.

Đóng quân bên sông Giá, huyện Thủy Nguyên, Tiểu đoàn 2 chuyên ngành dưới nước, huấn luyện người nhái và người nhái chống khủng bố tác chiến trong nước lẫn trên không. Đơn vị có bề dày truyền thống nhất đặc công, thuộc biên chế Quân chủng Hải quân. Những năm chống Mỹ, đặc công Đoàn 126 đánh chìm nhiều tàu chiến ở biển Cửa Việt, Đông Hà (Quảng Trị), Cam Ranh (Khánh Hòa), Sài Gòn.

Đặc công nước bơi biển, luyện võ thuật

Bộ đội Lữ đoàn 126 huấn luyện bơi sông, bơi biển, võ thuật chiến đấu. Video: Lộc Chung

Để trở thành người nhái đặc công – lực lượng chuyên làm “công tác đặc biệt” như lời huấn thị của Hồ Chủ tịch khi thành lập năm 1967, chiến sĩ tuổi đôi mươi sẽ trải hơn 600 ngày khổ luyện. Những thử thách theo tiêu chí 5 giỏi của đặc công hải quân gồm: bơi lặn giỏi, võ giỏi, bắn giỏi, tác chiến giỏi, giỏi chịu đựng gian khổ, đôi khi “vượt ngưỡng của con người”.

“Đây coi như là quãng thời gian khắc nghiệt nhất cuộc đời từ khi sinh ra”, thượng úy Tuấn đánh giá.

Về Lữ đoàn, tân binh sức khỏe loại một, song có người chưa biết bơi, người bơi vài chục mét là chìm sẽ trải qua hai tuần huấn luyện bơi lặn cơ bản. Họ phải luyện thành thạo cách thở, quạt tay, đạp chân từ trên bờ rồi mới được xuống nước. Trong bể bơi, mục tiêu ban đầu 50 m, sau tăng dần lên trăm mét.

Sức khỏe và khả năng chịu đựng mỗi người khác nhau nên có chiến sĩ vượt qua rất nhanh, cũng có người chưa theo kịp đồng đội. Các chỉ huy như thượng úy Tuấn trong vai trò quan sát phải đánh giá kỹ từng người để bổ túc cho theo kịp đội hình. Chiến sĩ yếu hơn được tách riêng để tập chuyên sâu, tăng tần suất bơi lội trong khi đồng đội chơi thể thao hoặc tăng gia sản xuất. Không ai bị loại nhưng ai cũng bắt buộc vượt qua.

Bộ đội đặc công cùng lúc học lý thuyết tăng giảm áp trước khi thực hành lặn sâu. Lần thứ hai sau vòng khám tuyển, từng kíp vào buồng áp suất chịu “ép nhái” với lực nén lên da thịt như khi lặn sâu. Nếu như bơi là bài kiểm tra thể lực thì lặn là bài thử thách sức chịu đựng. Xuống sâu 10 m, cơ thể quân nhân phải chịu áp lực nước trực tiếp đè ép không đồng đều khoảng 2 atmosphere, tương đương 100 cân đè lên người. Diện tích tiếp xúc thêm một cm2, áp lực tăng một kg.

Những ngày đầu “xuống sâu” 3-5 m, đầu óc bắt đầu lùng bùng vì áp suất tăng. Người nhái phải học cách thở bằng tai để cân bằng áp suất. Không chịu được hoặc thở không đúng cách dễ bị chảy máu mũi, máu tai, ảnh hưởng màng nhĩ.

Sau nửa tháng huấn luyện trong bể bơi, chiến sĩ được đưa ra ao hồ thực hành nâng dần cự ly bơi và độ sâu khi lặn. Thao trường chuyển dần ra sông Giá và sau đó là biển. Đây là cửa ải cuối cùng dành cho lính trẻ, số km bơi và số mét lặn nâng lên hàng chục.

Thượng úy Tuấn trước mỗi ngày huấn luyện đều phải nghiên cứu luồng lạch, thủy triều trên biển và nắm rõ sức khỏe của từng chiến sĩ. Người ốm được nghỉ, chưa đủ khả năng sẽ rèn luyện thêm để đảm bảo an toàn. Mỗi quân nhân phải tự kiểm tra phao, dây bảo hiểm, máy lặn trước khi xuống biển. Quân y cùng lực lượng bảo hiểm luôn túc trực trên xuồng và đất liền.





Crun- động tác bơi chuyên ngành của đặc công nước hải quân. Ảnh: Lữ đoàn 126

Crun – động tác bơi chuyên ngành của đặc công nước hải quân. Ảnh: Lữ đoàn 126

Khác thi đấu thể thao, người nhái học kiểu bơi riêng gọi là “crun”. Động tác gần giống bơi sải nhưng thay vì quạt tay về trước, lính đặc công luôn phải chếch tay xuống và đi vào nước để giảm tiếng động, giảm gợn sóng nhằm giữ bí mật. Họ phải thở chính xác bốn động tác tay một nhịp để có sức bền vận động liên tục hàng chục cây số trên biển. Thở nhanh hoặc chậm quá đều có thể rút cạn thể lực người nhái lẫn khả năng hấp thụ oxy trong nước.

Tân binh đặc công những ngày đầu thường không tự tin sẽ làm được. Ngưỡng ức chế luôn là chướng ngại tâm lý mà chiến sĩ phải vượt qua trên thao trường biển không bến bờ, không nhìn thấy đáy. Bơi quãng 3-5 km đầu tiên càng đạp càng chìm, bộ đội đuối dần về thể lực và ức chế tâm lý “chỉ muốn mặc kệ hoặc lên giường ngủ một giấc”.

Những huấn luyện viên kiêm đàn anh đi trước như thượng úy Vũ Quang Huy, Đại đội phó Tiểu đoàn 1 chuyên ngành mặt nước, luôn biết rõ thời điểm trong đầu chiến sĩ xuất hiện sự bất an muốn bỏ cuộc. Để cổ vũ đàn em vững tâm, anh thường túc trực bên xuồng hướng dẫn, hoặc xuống nước giúp chiến sĩ vượt ngưỡng ức chế. Qua ải này, tinh thần bộ đội được thả lỏng bơi càng khỏe. Với những mục tiêu bơi biển hàng chục km hay thả trôi sinh tồn, sĩ quan trực tiếp bơi lặn cùng trong những ngày đầu.

Thả trôi sinh tồn trên biển nhiều giờ luôn đứng đầu những bài huấn luyện khắc nghiệt về thể chất lẫn tinh thần do “đi ngược lại mọi đặc điểm thể chất, sinh lý tự nhiên của con người”. Bởi con người sinh ra và hoạt động chủ yếu trên mặt đất, nay phải làm mọi thứ trên biển từ ăn, uống, đến bám nắm mục tiêu làm nhiệm vụ.

Đặc công nước khi thả trôi sinh tồn phải mang theo vũ khí như súng, dao đa dụng, khối nổ, thức ăn, nước uống rồi dầm mình trong biển cho trôi dạt. Họ sẽ lênh đênh hàng chục giờ trên biển mà không được ngủ, luôn giữ trạng thái cảnh giác cao độ. Tâm lý lính trẻ lúc này dễ căng thẳng, thậm chí say sóng những ngày gió lớn.

“Đây là bài tập bắt buộc giúp tăng sức chịu đựng để sống sót trên biển trong tình huống đặc biệt mà ai là đặc công nước cũng phải trải qua”, thượng úy Huy nói.

Huấn luyện đặc công nước vì thế luôn theo cặp, 10 chiến sĩ một dây tạo thành đội hình chân rết, người này quan sát người kia, người trước bảo hiểm cho người sau. Họ kéo theo các khí tài phía sau vừa rèn thể lực vừa quen với thực chiến trên biển. Chiến sĩ luôn phải bám sát đội hình, tuân thủ mệnh lệnh chỉ huy và hiệp đồng thật chính xác để hoàn thành nhiệm vụ bí mật và giữ an toàn cho cả đội.

Thao trường sông, biển luôn tiềm ẩn nguy cơ với thợ lặn khi nước đục, tối, hạn chế tầm nhìn. Chuột rút, sứa lửa, san hô, thủy triều, sóng gió, dòng chảy lẫn lộn, tầm nhìn thấp dễ khiến lính trẻ hoang mang khi bắt đầu các bài huấn luyện dưới biển. Sứa lửa – loài sinh vật biển thường xuất hiện vào hè cũng là mùa cao điểm huấn luyện luôn khiến người nhái phải dè chừng. Chúng tiết ra dung dịch như axit, sượt qua thì bỏng rát, nặng phải sơ cứu ngay.

Những lần bị chuột rút, bộ đội phải thả lỏng người, ôm phao chờ hết căng cơ rồi tiếp tục bơi theo đồng đội. Để báo hiệu tình trạng nguy hiểm khi bơi, chiến sĩ có thể kêu cứu hoặc ra dấu bằng tay, còn khi lặn họ thông báo bằng dây bảo hiểm nối từ xuồng xuống hoặc giao tiếp qua hệ thống thông tin thủy âm.

Am hiểu thủy triều, nắm rõ thủy lưu để bắt mục tiêu cũng nằm trong số kỹ năng phải học của đặc công chiến đấu. Ngoài bơi lặn, các quân nhân luyện võ thuật, rèn thể lực cường độ cao để mang vác vũ khí và di chuyển bí mật, học hóa trang để giấu mình trên cát, dưới bờ sông, kênh rạch cả ngày, ngay trước mặt người khác mà không bị phát hiện.





Đặc công bơi theo đội hình khi huấn luyện trên biển. Ảnh: Lữ đoàn 126

Đặc công bơi theo đội hình khi huấn luyện trên biển. Ảnh: Lữ đoàn 126

Đặc công nước sau mùa huấn luyện đầu tiên có thể bơi vài chục cây số, lặn sâu hàng chục mét và thả trôi trên biển cả ngày, bám phao ăn trưa trong 15 phút bằng dạng tuýp hoặc chỉ uống nước lọc sinh tồn. Khi kỹ thuật bơi lặn thành thục cũng là lúc bản lĩnh vững dần. Chiến sĩ sau năm nhất có thể nhận nhiệm vụ huấn luyện tại các đảo ven bờ như Bạch Long Vỹ, Cát Bà, sang năm thứ hai ra Trường Sa.

“Đặc công nước quân số không nhiều nhưng giỏi tự quản, tự giác cao”, trung tá Nguyễn Văn Lộc, Chính trị viên Tiểu đoàn 1 tự hào. Ngày đầu khi lặn sâu, chỉ huy còn phải tự tay kiểm tra thiết bị cho chiến sĩ mới an tâm, sau thành thạo rồi thì trang bị của ai người đó tự bảo hiểm cho mình.

Lứa đặc công gần 50 chiến sĩ sẽ hoàn thành nghĩa vụ sau hai năm và ra quân khi Tết Ất Tỵ cận kề. Hai tháng trước, trung tá Lộc tìm gặp trò chuyện cùng câu hỏi “có muốn ở lại đặc công nước không”, nhưng hầu hết lắc đầu, tính ra quân đi học nghề, thi đại học hoặc xuất khẩu lao động. Duy nhất chiến sĩ 20 tuổi, quê Thái Bình đăng ký ở lại sẽ được chuyển quân nhân chuyên nghiệp.

Bài toán kinh tế lẫn những cơ hội bên ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của các chiến sĩ. Với đơn vị có thêm 30% huấn luyện đặc thù, nếu chuyển thiếu úy chuyên nghiệp thu nhập khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. Ở đơn vị không có thêm % đặc thù, thu nhập thấp hơn sẽ “khó sống” với nơi chi phí sinh hoạt đắt đỏ thuộc nhóm đầu cả nước như Hải Phòng.

“Mấy năm trước mỗi mùa còn được vài ba em ở lại, nay ngày càng ít đi”, trung tá Lộc tâm tư, mong có thêm nhiều chính sách để thu hút nguồn nhân lực đã qua tinh tuyển, tinh luyện cho quân đội. Bởi hơn 600 ngày khổ luyện tạo nên người lính không chỉ giỏi kỹ năng còn trưởng thành về tư tưởng lẫn bản lĩnh, “chưa tận dụng được thực sự rất lãng phí”.

Sơn Hà – Hoàng Phương

Bài tiếp: 30 ngày lặn tìm nạn nhân sập cầu Phong Châu của người nhái



Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: