Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
13 lượt xem

Greenland có giá trị kinh tế ra sao khiến ông Trump muốn mua?

Ngoài lý do quân sự hấp dẫn ông Trump, Greenland ngày càng có giá trị về kinh tế nhờ giàu khoáng sản, thuận lợi hàng hải, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Trong nhiệm kỳ đầu, ông Donald Trump từng tuyên bố Mỹ nên mua đảo Greenland. Thông điệp này được Tổng thống đắc cử lặp lại những ngày gần đây, cùng với ý tưởng dùng sức mạnh kinh tế để sáp nhập Canada, lấy lại quyền kiểm soát kênh đào Panama và đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ.

Là lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch từ 1814, Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới, nằm gần lục địa Bắc Mỹ, giữa Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương, với dân số khoảng 57.000 người. Đảo có diện tích khoảng 2,16 triệu km2, gấp hơn 3 lần bang Texas.

Greenland chịu kiểm soát phần nào từ Copenhagen về chính sách đối ngoại. Hòn đảo này có vị trí chiến lược tại Bắc Cực, nằm ở phía đông Canada và là nơi đặt một căn cứ quân sự lớn của Mỹ. Nơi đây đặc biệt quan trọng trong đối phó với các cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga, theo Ulrik Pram Gad, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch.

“Mỹ muốn đảm bảo rằng không có cường quốc thù địch nào kiểm soát Greenland, vì nó có thể trở thành bàn đạp để tấn công Mỹ”, Pram Gad nói với CNN.





Băng trôi trên vịnh Disko, Ilulissat, tây Greenland tháng 6/2022. Ảnh: AFP

Băng trôi trên vịnh Disko, Ilulissat, phía tây Greenland, tháng 6/2022. Ảnh: AFP

Ngoài lý do quân sự, Greenland ngày càng có giá về mặt kinh tế, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Klaus Dodds, Giáo sư địa chính trị tại Royal Holloway thuộc Đại học London cho rằng điều có thể hấp dẫn ông Trump hơn nữa là các mỏ tài nguyên thiên nhiên phong phú của Greenland.

Ngoài dầu và khí đốt, cuộc khảo sát năm 2023 cho biết 25 trong số 34 loại khoáng sản được Ủy ban châu Âu coi là “nguyên liệu thô quan trọng” được tìm thấy ở đảo này. Chúng gồm lượng lớn vật liệu được sử dụng trong pin, xe điện và turbin gió như than chì, lithium, đất hiếm. Các loại vật liệu này sử dụng trong ngành xe điện, năng lượng tái tạo và sản xuất thiết bị quân sự.

Hiện Trung Quốc thống trị sản xuất đất hiếm toàn cầu và đã hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng trước khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. “Không còn nghi ngờ gì nữa, Trump và các cố vấn của ông ấy rất lo ngại về sự kìm kẹp mà Trung Quốc dường như đang có”, Dodds nói.

Do Trái Đất ấm lên, các tảng băng và sông băng rộng lớn của Greenland đang nhanh chóng tan chảy, có thể cho phép khoan dầu và khai thác khoáng sản như đồng, lithium, niken và coban. Ước tính 11.000 dặm vuông (28.500 km2) các tảng băng và sông băng của đảo này đã biến mất trong ba thập kỷ qua, tức gần bằng diện tích bang Massachusetts của Mỹ.

Năm ngoái, chính phủ Đan Mạch công bố một báo cáo nêu chi tiết về tiềm năng khoáng sản của Greenland. Họ kết luận hòn đảo Bắc Cực này có “điều kiện thuận lợi cho sự hình thành các mỏ quặng, gồm nhiều khoáng sản thô quan trọng”.

Chưa nói đến việc băng tan giúp hoạt động khai thác dễ dàng hơn, Phillip Steinberg, Giáo sư địa lý tại Đại học Durham (Anh) cho rằng biến đổi khí hậu khiến tài nguyên của hòn đảo “cần thiết hơn”.





Vị trí của đảo Greenland. Đồ họa: BBC

Vị trí của đảo Greenland. Đồ họa: BBC

Giá trị kinh tế nữa của Greenland là hàng hải. Tuyến đường vận tải biển Northwest Passage chạy dọc bờ biển và bản thân hòn đảo là một phần của khu vực chiến lược hàng hải Greenland-Iceland-Anh.

Đáng chú ý, băng càng tan giúp các tuyến càng ngắn và hiệu quả. Thời gian di chuyển của tàu thuyền ở Bắc bán cầu cũng có thể kéo dài thêm trong mùa hè. Ví dụ, việc di chuyển qua Biển Bắc Cực từ Tây Âu đến Đông Á ngắn hơn khoảng 40% so với đi qua Kênh đào Suez. Theo Hội đồng Bắc Cực, vận chuyển hàng hóa qua Bắc Cực tăng 37% trong thập kỷ đến năm 2024, một phần là do băng tan.

Giáo sư Dodds đánh giá thực tế điều kiện dọc theo các tuyến đường quanh hòn đảo vẫn nguy hiểm, nhưng theo bản năng ông Trump nhận ra được các cơ hội giao thông khi băng tan. Tháng 11/2024, Trung Quốc thể hiện quan tâm đáng kể đến một tuyến đường mới qua Bắc Cực và quyết định hợp tác với Nga để phát triển các tuyến hàng hải khu vực này.

Robert C. O’Brien, một trong những cố vấn an ninh quốc gia trước đây của ông Trump nói rằng Tổng thống đắc cử nhiều lần gọi biến đổi khí hậu là “trò lừa bịp”, nhưng hậu quả của nó lại là một trong những lý do khiến ông muốn biến Greenland thành lãnh thổ thuộc Mỹ.

“Greenland là một xa lộ từ Bắc Cực đến tận Bắc Mỹ và Mỹ. Về mặt chiến lược, Bắc Cực rất quan trọng, nơi sẽ trở thành chiến trường quan trọng trong tương lai vì khi khí hậu ấm lên, khu vực này trở thành con đường giúp cắt giảm sử dụng Kênh đào Panama”, Robert C. O’Brien nói với Fox News.

Cho đến nay, các tài nguyên của Greenland đa phần vẫn “ngủ yên”. Hòn đảo cấm khai thác dầu và khí đốt vì lý do môi trường. Ngành khai thác mỏ bị cản trở bởi thủ tục hành chính rườm rà và sự phản đối của người dân bản địa. Điều này khiến kinh tế nơi đây phụ thuộc vào đánh bắt cá – chiếm hơn 95% kim ngạch xuất khẩu.

Greenland đang tìm cách thúc đẩy độc lập bằng cách đa dạng hóa nền kinh tế khỏi ngành khai thác hải sản. Họ mở một sân bay mới ở thủ phủ Nuuk vào tháng 11 năm ngoái như một phần của kế hoạch phát triển du lịch. Nhưng họ vẫn phụ thuộc vào khoản trợ cấp hàng năm chưa đến một tỷ USD từ Đan Mạch.

Theo giáo sư Dodds, tình huống này đặt ra một câu hỏi thú vị. “Greenland sẽ làm gì nếu Trump đề nghị trợ cấp một tỷ USD mỗi năm để có một liên kết khác với Mỹ?”.

Một số chính trị gia Greenland đưa ra ý tưởng về một liên kết đặc biệt, tương tự thỏa thuận Mỹ với Quần đảo Marshall. Về cơ bản, đó là kiểu Greenland có chủ quyền nhưng cũng được Mỹ hỗ trợ tài chính, để đổi lấy các thỏa thuận về một số lợi ích chiến lược cho Washington.

Tuy nhiên, cựu lãnh đạo Greenland Kleist-Johannesen bày tỏ sự hoài nghi về khả năng thành công của liên kết này. “Tôi không nghĩ rằng điều này có bất kỳ lợi ích nào”, ông nói.

Hiện chưa rõ ông Trump sẽ theo đuổi thương vụ mua lại Greenland đến mức nào khi nhậm chức. “Không ai biết liệu đó chỉ là sự khoe khoang, lời đe dọa để có được thứ gì khác hay điều ông ấy muốn làm”, Pram Gad nói.

Phiên An (theo CNN, Reuters, NYT)



Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: