Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
42 lượt xem

Gần triệu đồng một kg muồm muỗm

Muồm muỗm, còn gọi là “tôm bay”, món ăn dân dã nay thành đặc sản có giá gần triệu đồng một kg, được nhiều người Hà Nội và TP HCM ưa chuộng.

Chị Hòa, ở quận Gò Vấp, TP HCM, cho biết lúc còn nhỏ ở quê, mẹ chị đi gặt về luôn mang theo một túi muồm muỗm. Khi nướng lên, chúng có mùi thơm, vị béo ngậy. “Giờ đã lớn và đang sống ở TP HCM, tôi vẫn sẵn sàng chi 400.000 đồng để mua nửa ký cho cả nhà thưởng thức lại hương vị xưa”, chị nói.

Trên các chợ trực tuyến, loại này được bán với giá từ 500.000-700.000 đồng một kg tùy loại. Đặc biệt, muỗm non giá tới 850.000 đồng một kg, tăng 35% so với năm ngoái và gấp đôi năm 2022.

Muỗm xanh được chị Nga đóng gói để giao cho khách. Ảnh: Đinh Nga

Muỗm xanh được chị Nga đóng gói để giao cho khách. Ảnh: Đinh Nga

Nam Anh, người bán muồm muỗm ở TP HCM, cho biết loại này rất hiếm nên giá tăng cao. Mỗi tháng, cô chỉ nhập được hai lần, mỗi lần 6-7 kg, không đủ cho khách đặt trước. Gần đây, bão lũ tại miền Bắc khiến nguồn cung càng giảm, giá đi lên.

Chuyên kinh doanh côn trùng này ở Hà Nội, chị Hoài nói loại muỗm sống có lúc giá lên đến 900.000 đồng một kg vì khan hàng, đắt hơn cấp đông từ 100.000-200.000 đồng.

Tại Mường Lát (Thanh Hóa), chị Đỗ Thị Nga, đầu mối thu gom muỗm, nói mỗi ngày bán từ 10-20 kg loại tươi. “Tôi chỉ phân phối cho miền Bắc, giá sỉ khoảng 400.000 đồng một kg chưa gồm phí vận chuyển,” chị cho biết.

Theo chị Nga, muỗm xanh chỉ có từ tháng 8 đến tháng 9. Người dân bắt chúng vào ban đêm, dùng đèn để dụ. Sau khi bắt, chúng được sơ chế, đóng gói hút chân không. Việc sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật khiến muỗm ngày càng hiếm.

Muỗm xanh đã cắt cánh. Ảnh: Thanh Hoài

Muỗm xanh đã cắt cánh. Ảnh: Thanh Hoài

Nói với VnExpress, GS TS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam, cho biết ở Việt Nam có hai loài muồm muỗm gồm loại xanh (Euconocephalus incertus) và nâu (Euconocephalus broughtoni). Đến nay, chưa có báo cáo về việc muỗm gây hại mùa màng, chỉ ghi nhận ở cào cào di cư. Dù vậy, cả hai loài này đều thuộc bộ cánh thẳng (Orthoptera).

Muỗm đã được khai thác làm thực phẩm từ lâu ở Việt Nam. Tại Mù Cang Chải, chúng còn có tên “tôm bay” và được quảng bá như một đặc sản.

Tuy nhiên, GS Hiển cảnh báo nếu khai thác quá mức, loài muỗm có thể suy giảm hoặc đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Ông đề xuất nuôi muỗm theo trang trại, giúp kiểm soát nguồn thức ăn và hạn chế nguy cơ nhiễm độc từ các cây chứa chất độc mà muỗm có thể ăn ngoài tự nhiên.

Ông cũng cảnh báo rằng ăn côn trùng tự nhiên, bao gồm muỗm, có thể tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc. Điều này có thể do côn trùng ăn phải lá độc, bị nấm hoặc vi khuẩn xâm nhập. Việc buôn bán côn trùng khai thác tự nhiên cũng thiếu kiểm soát về an toàn thực phẩm.

Thi Hà


Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: