
TS Vũ Thành Tự Anh chia sẻ các thông tin nghiên cứu trong báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long được công bố sáng 27-3 – Ảnh: CHÍ QUỐC
Sáng 27-3, VCCI và Trường Chính sách công Fulbright (FSPPM) công bố Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2024, tập trung vào chủ đề “Huy động đầu tư cho phát triển bền vững”.
Tại đây, TS Vũ Thành Tự Anh, đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo, đã trình bày tình hình kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó đáng chú ý có sự thay đổi thu nhập của người dân của vùng trong hơn 10 năm qua.
Bài toán năng lực và cơ hội việc làm cho người lao động
“Đã có sự chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ nhưng không có nhiều cơ hội làm việc trong khu vực công nghiệp và dịch vụ nên họ phải ra đi, đến các vùng khác tìm việc. Vòng xoáy đi xuống của khu vực nằm chính ở chỗ này” – TS Vũ Thành Tự Anh, đồng chủ biên báo cáo, nói.
ĐBSCL đóng góp khoảng 12% GDP và là nơi sinh sống của 20% dân số Việt Nam nhưng người dân bày tỏ lo ngại về việc làm và thiếu khát vọng phát triển kinh tế.
Năng suất lao động tại đây chỉ bằng 2/3 mức bình quân cả nước, đứng thứ 5 trong 6 vùng kinh tế – xã hội, chỉ vượt Tây Nguyên.
Dù thu nhập từ nông nghiệp cao hơn hầu hết các vùng khác nhưng thu nhập từ công nghiệp và dịch vụ lại thấp nhất cả nước. Thêm vào đó, tỉ lệ lao động nông nghiệp cao nhất cả nước, trong khi lực lượng lao động phi nông nghiệp chủ yếu làm trong ngành yêu cầu kỹ năng thấp.
Tính chung khu vực, tỉ lệ lao động qua đào tạo thấp nhất cả nước, khi có đến 57% lực lượng lao động chỉ hoàn thành tối đa bậc tiểu học.
Về mặt tích cực, xuất khẩu của toàn vùng ĐBSCL tăng trưởng mạnh trong năm vừa qua, với thặng dư thương mại đạt hơn 14,4 tỉ USD.
Con số này chiếm 58% tổng thặng dư thương mại cả nước.
Trong đó, Long An và Tiền Giang dẫn đầu khu vực về tăng trưởng xuất khẩu, chủ yếu nhờ vào các mặt hàng công nghiệp chế biến – chế tạo, với mức tăng thêm khoảng 1 tỉ USD mỗi tỉnh.
Riêng Long An ghi nhận kim ngạch xuất khẩu năm ngoái vượt 7,8 tỉ USD, trong khi Tiền Giang đạt hơn 6,5 tỉ USD.
Đầu tư là nút thắt lớn nhất
Nút thắt đầu tư được gọi tên là thách thức lớn nhất đối với kinh tế ĐBSCL.
Theo báo cáo, dù đóng góp lớn vào nông nghiệp và xuất khẩu, khu vực này lại thiếu hụt đầu tư trầm trọng, dẫn đến “vòng xoáy đi xuống” của nền kinh tế.
So với 6 vùng kinh tế – xã hội, ĐBSCL đứng thứ 3 về vốn ODA, thứ 4 về đầu tư công, thứ 5 về FDI và cuối cùng về đầu tư tư nhân. Hệ quả là hạ tầng yếu kém, việc làm giảm, năng suất lao động thấp và sức cạnh tranh suy giảm.
Từ năm 2021-2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tại ĐBSCL chỉ chiếm 11,2% cả nước (giảm từ 13,2% giai đoạn 2011-2016), thấp hơn tỉ lệ đóng góp GDP.
Đầu tư tư nhân tăng chậm, giảm từ 14,9% (10 năm trước) xuống 12,4%. FDI năm 2023 chỉ chiếm 2% tổng vốn cả nước, chủ yếu tập trung ở Long An, các tỉnh khác gần như không thu hút được nhà đầu tư nước ngoài.
Báo cáo chỉ ra bốn nhóm rào cản chính kìm hãm dòng vốn đầu tư vào ĐBSCL.
Thứ nhất là hạ tầng yếu kém khi thiếu kết nối với TP.HCM, chi phí logistics cao, chuỗi cung ứng chưa đồng bộ.
Thứ hai là thiếu lao động tay nghề cao khi đây là vùng có tỉ lệ di dân cao nhất cả nước và tỉ lệ lao động qua đào tạo thấp nhất nước.
Thứ ba là thách thức từ biến đổi khí hậu khi tình hình xâm nhập mặn, sụt lún và nước biển dâng làm giảm sức hút đầu tư.
Ngoài ra môi trường kinh doanh với các chính sách thiếu hấp dẫn, thủ tục hành chính phức tạp, khó tiếp cận đất đai và tài chính.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!