Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
9 lượt xem

Đưa món ăn Việt lên kệ xứ cờ hoa

Đưa món ăn Việt lên kệ xứ cờ hoa - Ảnh 1.

Doanh nhân Nguyễn Thị Kim Huyền – Ảnh: NVCC

Ít ai hình dung rằng Mỹ cũng có tiệm bán món vặt như bánh tráng trộn, bánh tráng nướng. Coi ăn chơi vậy mà bán rất chạy ở Mỹ, cứ món gì được đăng lên mạng nhiều, hot ở Việt Nam thì không lâu sau ở Mỹ cũng có.

KIM HUYỀN

Kim Huyền mang những sản phẩm hương đồng gió nội, đặc trưng từng vùng miền, thuần tự nhiên nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe về y tế, an toàn… để nhập khẩu chính ngạch vào xứ người.

Chị Huyền đã chắp cánh cho rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, start-up thỏa ước mơ đưa sản phẩm Việt lên kệ hàng siêu thị Mỹ.

Hành trình qua biển lớn

Nhiều người sẽ bất ngờ khi món ẩm thực đặc trưng quê mình bỗng một ngày lên tàu vượt đại dương sang Mỹ.

Đến nay, LNS đã đưa hơn 300 sản phẩm kiểu như vậy hiện diện tại 37 bang cùng các sàn thương mại điện tử ở Mỹ. Kim Huyền kể cho Tuổi Trẻ hành trình đưa hàng Việt ra thế giới, cơ hội nào để rất nhiều sản phẩm bình dị “quê mùa” xứ Việt có thể đến Mỹ.

Kinh doanh xuất khẩu thủy hải sản từ năm 2008, Kim Huyền có vị trí vững chắc khi làm đại diện cho nhiều doanh nghiệp châu Âu đưa thủy sản Việt Nam đi đến 20 quốc gia.

Sống nơi xứ người, nhiều khi những món ăn phương Tây như mì Ý (spaghetti), burger làm chị cảm thấy “nhạt miệng”.

Vì thế Huyền luôn tìm kiếm hương vị quê hương thuần Việt. Ngặt một nỗi, món ăn Việt ở xứ người khá ít, thiếu sự đa dạng vùng miền hay những món đang “trend” ở quê hương.

Người phụ nữ quê Bình Thuận muốn vượt mọi rào cản mang cho được ẩm thực Việt sang Mỹ. Rào cản lớn đầu tiên là các quy chuẩn an toàn cực kỳ khắt khe khi muốn đưa thực phẩm vào đây.

Từng làm xuất nhập khẩu nên Huyền hiểu quy trình nhập khẩu vào Mỹ mấu chốt là phải tìm hiểu kỹ, đi đúng hướng để vượt qua các thủ tục.

Các món ăn Việt nếu làm đúng thủ tục đều có cơ hội bước vào thị trường lớn đa dạng sắc tộc, trong đó có đến 3 triệu người Việt luôn đau đáu với ẩm thực quê hương.

“Kiều bào Việt rất đón nhận các món ăn truyền thống, họ thấy được hương vị quê hương, thấy tuổi thơ của mình ở trong từng món ăn.

Ví dụ như bánh chuối nếp nướng, nếu mua nguyên liệu và chế biến ở Mỹ sẽ đắt và quan trọng là khó đúng hương vị nhưng món đó làm sẵn ở Việt Nam, đóng gói mang sang Mỹ lại rất tiện dụng, mọi người có thể nay ăn món này, mai ăn món khác vừa ngon, vừa đậm đà hương vị, lại vừa rẻ nữa”, Huyền kể.

Bởi vậy Huyền không chọn những sản phẩm công nghiệp mà tìm đến những món ẩm thực đặc trưng vùng miền, những món chỉ có ở Việt Nam mà các quốc gia khác không có hoặc không ngon bằng.

Từ đó các sản phẩm từ dược liệu, chăm sóc sức khỏe đến các món ăn như bánh chưng, mì Quảng, cháo bột, xúp lươn… lần lượt đạt chứng nhận Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), đóng gói đông lạnh xuất từng container qua Mỹ.

Đưa món ăn Việt lên kệ xứ cờ hoa - Ảnh 2.

Kim Huyền nếm thử các hương vị sản phẩm Việt trước khi xuất sang Mỹ – Ảnh: K.H.

Kiều bào theo “trend” thực phẩm trong nước

Lăn lộn trong ngành xuất nhập khẩu ẩm thực, Kim Huyền nhận thấy một thay đổi lớn trong xu hướng tiêu dùng của người Việt trên đất Mỹ là ngoài việc ưa chuộng những món ăn truyền thống, người Việt xa quê cũng có trào lưu ăn uống theo “trend”.

Cứ ở Việt Nam có món gì đang rần rần trên mạng thì ít lâu sau cũng có những người bán món đó cho “dân mạng” ở Mỹ thỏa mãn cơn thèm.

Để đáp ứng nhu cầu, doanh nghiệp của Huyền tìm kiếm, làm việc với các doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã hay các start-up để cùng đưa sản phẩm sang Mỹ.

Ưu tiên là nông sản, đậm tính truyền thống cũng như hội đủ yếu tố thuần tự nhiên, lành tính. Các sản phẩm thảo dược đều phải đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dùng.

LNS của Huyền hướng dẫn đối tác ở Việt Nam từ khâu thiết kế, đóng gói bao bì, khối lượng, chất lượng sản phẩm… để làm sao vừa đạt tiêu chuẩn của FDA mà người tiêu dùng xứ cờ hoa cũng dễ dàng đón nhận.

Thậm chí có sản phẩm lần đầu sang Mỹ nhưng nhờ hiệu ứng từ Việt Nam là đã đặt hàng, dù container chưa cập cảng Mỹ.

Theo Huyền, khoảng cách địa lý là nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt mất lợi thế do thời gian và chi phí vận chuyển lớn. Khi vận chuyển, bảo quản sao cho đến tay người tiêu dùng sản phẩm vẫn tốt là khó khăn rất lớn với hàng Việt.

Thế nên luôn phải nỗ lực để dù hàng đóng gói, đông lạnh nhưng vẫn giữ được tối đa hương vị, chất lượng như thông tin cụ thể trên bao bì… Có thế thì người tiêu dùng mới tin tưởng mua hàng.

“Chúng ta có nhiều sản phẩm vùng miền, sản phẩm đặc trưng không có nơi nào có. Cộng đồng người Việt ở Mỹ lại khá cởi mở đón nhận sản phẩm mới.

Đây là những yếu tố giúp các doanh nghiệp nhỏ, mới khởi nghiệp vẫn có thể tự tin xuất khẩu. Mỹ không phân biệt bạn là doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ, miễn bạn tuân thủ đúng quy định thì cơ hội là như nhau”, Huyền nói.

Ẩm thực, nông sản Việt đã không còn gói gọn trong cộng đồng người Việt mà được người bản xứ chấp nhận bởi chất lượng, khẩu vị dần phù hợp với quốc tế. Theo Huyền, Mexico, Hawaii cũng có vải nhưng vải Lục Ngạn lại đắt khách bởi bóc vỏ ra đã thơm phức.

Xoài Mexico rất rẻ nhưng không ngọt thanh như xoài Việt, mà cứ lờ lợ. Do đó hàng Việt giá cao hơn nhưng vẫn có chỗ đứng, người dân Mỹ vẫn thích mê bởi hương vị thỏa mãn vị giác.

“Mỗi lần thấy các sản phẩm lần lượt lên kệ siêu thị Mỹ thật xúc động. Xa xôi vạn dặm, những món dân dã tưởng chỉ gói gọn trong một tỉnh, một vùng miền thì nay bán ngay trên đất Mỹ và tương lai nhiều quốc gia nữa. Đó là niềm tự hào của chúng tôi, dù bao vất vả nhưng cũng đưa được hàng Việt ra thế giới”, Huyền bộc bạch.

Đưa món ăn Việt lên kệ xứ cờ hoa - Ảnh 3.

Kim Huyền (phải) nỗ lực mang nhiều sản phẩm Việt ra thế giới – Ảnh: K.H.

Không chỉ món khô, mấy món tưởng khó đóng gói đi xa như xúp lươn bánh ướt Nghệ An, mì Quảng ếch, cá nục rim, canh bún riêu cua đồng, cháo bột cá lóc Quảng Trị, mật hoa dừa tươi Trà Vinh… lại xuất hiện trên các kệ hàng siêu thị Mỹ, khách thích mê.

Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: