Theo dữ liệu mới công bố từ Bộ Thương mại Mỹ, lượng hàng nhập khẩu vào Mỹ đạt mức kỷ lục trong tháng 12-2024, kéo theo thâm hụt thương mại tăng vọt.
Đây được cho là phản ứng của các doanh nghiệp trước đe dọa áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay trước thời điểm ông nhậm chức, khi họ tích cực tích trữ hàng hóa để tránh thuế.
Chạy đua nhập hàng né thuế
Số liệu từ Cục Phân tích kinh tế (BEA) cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng trước khi ông Trump nhậm chức tăng 24,7%, chạm mốc 98,4 tỉ USD, mức cao nhất kể từ tháng 3-2022.
Lượng hàng nhập khẩu vào Mỹ trong tháng 12-2024 tăng 3,5% – đạt mức 364,9 tỉ USD, cao nhất mọi thời đại, cùng xuất khẩu giảm 2,6%, góp phần vào kết quả thâm hụt thương mại của Washington trong năm 2024 là 918,4 tỉ USD – mức cao nhất kể từ năm 2021.
Trước bối cảnh hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ tăng, Canada lại ghi nhận tháng 12-2024 lần đầu tiên nước này xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu trong 10 tháng qua.
Theo Cơ quan Thống kê Canada, thặng dư thương mại của Ottawa trong tháng cuối năm 2024 đạt 496 triệu USD, nhờ xuất khẩu tăng 4,9%.
“Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta thấy xu hướng tăng mạnh kể từ tháng 10-2024” – ông Stuart Bergman, nhà kinh tế trưởng của Export Development Canada, cho biết.
Theo ông Bergman, việc các công ty Mỹ tích trữ hàng hóa trước lời đe dọa sẽ áp thuế 25% lên hàng hóa Canada của chính quyền ông Trump, cùng nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ ở Mỹ, đã dẫn đến việc tăng nhập khẩu hàng hóa từ Canada.
Cả Canada và Mexico đang được hoãn áp thuế cho đến tháng sau nhờ đạt được thỏa thuận với Mỹ. Nhưng giới chuyên gia nhận định tình trạng thâm hụt thương mại hiện nay với xu hướng tiếp tục gia tăng sẽ càng củng cố thêm lập luận áp thuế để bảo hộ thương mại của ông Trump.
“Sức mạnh của hàng nhập khẩu dường như được kết thúc do các doanh nghiệp thúc đẩy nhanh đơn hàng trước các khả năng thuế quan. Xu hướng này có vẻ như khó bị đảo ngược trong thời gian tới, khi Mexico và Canada vẫn còn nguy cơ bị áp thuế 25% trong tháng sau” – ông Thomas Ryan, chuyên gia kinh tế khu vực Bắc Mỹ tại Công ty tài chính Capital Economics, nhận định.
Các nước bắt đầu phản ứng
Phản ứng trước các động thái nhằm vào hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh ngày 5-2 đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Trung Quốc vừa qua cũng đã có động thái đáp trả thương mại gay gắt với các mức thuế nhắm vào than, khí tự nhiên hóa lỏng, dầu thô và các thiết bị nông nghiệp nhập khẩu từ Mỹ, cùng với đó là mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google.
Trong khi đó, các nước có tiềm lực kinh tế nhỏ hơn và có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, như Thái Lan, đang nỗ lực tìm cách nhập khẩu thêm hàng hóa của Washington. Phó tổng thư ký Pongsarun Assawachaisophon của thủ tướng Thái Lan hồi đầu tuần thông tin Bangkok sẽ tăng nhập khẩu nguyên liệu ethane từ Mỹ ít nhất là 1 triệu tấn trong quý 2-2025, nhằm giảm thặng dư thương mại với Mỹ.
Năm 2024, Thái Lan ghi nhận mức thặng dư thương mại với Mỹ đạt 35,4 tỉ USD. Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan trong năm qua, chiếm tổng cộng 18,3% tổng số hàng hóa xuất khẩu.
Giới doanh nghiệp Thái Lan cũng cho thấy sự sốt ruột trước tin Mỹ áp thêm thuế lên hàng hóa của Bắc Kinh, lo ngại rằng các nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ tăng cường đưa các sản phẩm không thể xuất sang Mỹ đến các nước láng giềng.
Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan Kriengkrai Thiennukul khẳng định nếu chính phủ của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra không hành động lúc này, số lượng các ngành công nghiệp của Thái Lan bị ảnh hưởng bởi hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc sẽ ngày càng tăng.
Ông Kriengkrai gợi ý Thái Lan nên thuê những chuyên gia vận động hành lang để đối phó với chính sách thương mại của Mỹ, cũng như thuyết phục các doanh nghiệp Trung Quốc liên doanh với doanh nghiệp Thái Lan để sản xuất các sản phẩm tránh được các hạn chế từ Washington. Trong khi đó, các quan chức Thái Lan khẳng định họ sẽ đưa ra các ưu đãi cho các tập đoàn đa quốc gia đang tìm đến nước này để tránh tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
FED cũng bối rối
Hôm 5-2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent trong cuộc phỏng vấn lần đầu tiên với truyền thông sau khi nhậm chức đã bảo vệ chiến lược thuế quan của ông Trump. Ông Bessent nói rằng chiến lược thuế quan nhằm mục đích đưa sản xuất trở lại Mỹ, bao gồm cả những ngành đã phần lớn không còn hiện diện ở Mỹ.
Trong khi đó, các quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) lo ngại sự không chắc chắn về chính sách thuế quan, cũng như những vấn đề khác phát sinh từ những ngày đầu của chính quyền ông Trump, đang là thách thức hàng đầu cho việc tìm ra chính sách tiền tệ của Washington trong những tháng tới.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!