Không lạ khi sinh viên đi làm thêm, vừa học vừa làm. Nhưng nhiều bạn thừa nhận thật khó để vừa học tốt lại vừa làm thêm hiệu quả để nuôi giấc mơ học hành nếu không muốn nói đang phải gánh áp lực lớn.
Ngày đến trường, đêm ra đường mưu sinh
Lần gặp Ngọc Khánh – sinh viên năm hai một trường đại học ở quận Gò Vấp (TP.HCM) – là khi cô bạn đang trùm lên mình bộ đồ thú bông dày cộm. Khánh chờ ở cửa rồi bước vào một quán ăn trên đường Phạm Văn Đồng mời khách mua từng thanh kẹo. Từ ngày đặt chân lên TP trọ học cũng là lúc Khánh bén duyên với nghề diễn thú mascot.
Công việc thoạt nghe tưởng chừng nhẹ nhàng nhưng lại khó vô cùng, nhất là khi cân nặng của Khánh là 42kg. Bộ đồ hình gấu Khánh mang khá nặng, mặc lâu lại càng ngột ngạt, người đầm đìa mồ hôi như tắm. Khó khăn vậy, nhưng so với áp lực từ đủ thứ tiền, nào là học phí, tiền nhà trọ rồi đến tiền ăn mỗi ngày, có là gì.
Gia đình Khánh thuộc diện nghèo, bố mẹ hay đau ốm. Khánh còn hai đứa em nhỏ đang tuổi ăn học nên hầu như toàn bộ chi phí ăn ở, trọ học tại TP đều một tay bạn tự lo liệu một mình.
Bộ đồ hình thú Khánh đang mặc cũng được thương tình cho thuê giá hữu nghị chỉ 200.000 đồng/ngày, chứ giá thuê hiện tại phải gấp đôi.
Nhiều hôm trời mưa, mọi người ít ra đường là coi như hôm đó ế chỏng chơ, nhưng đồ đã lỡ thuê rồi nên phải ra đường.
Khánh cười: “Đúng là thuê phải trả tiền cũng áp lực thiệt, nên bữa nào xác định đi làm mới đặt thuê. Vài lần từng tính mua luôn bộ đồ, đã dồn được ít tiền nhưng không gặp việc này cũng có việc nọ cần dùng tới nên mãi mà vẫn chưa mua được”.
Thế là đều đặn hai năm nay, lịch trình mỗi ngày của Khánh có cùng kịch bản lặp đi lặp lại. Ban ngày, Khánh miệt mài học ở trường từ sáng tới chiều. Khi màn đêm buông xuống, cởi chiếc áo đồng phục, Khánh hóa thân thành “cô gấu”.
TỐ TRINH (sinh viên tại quận 5, TP.HCM)
Tính toán từng bữa ăn, vừa học vừa làm
Mẹ mất khi Tố Trinh 10 tuổi, cha bỏ đi và cắt đứt liên lạc, cô sinh viên đang học tại một trường ở quận 5 (TP.HCM) phải chật vật tự xoay xở việc học tập, ăn ở. Cuộc sống vất vả lắm, song nhiều người lúc nào cũng thấy Trinh cười.
Cô gái tự nhận mình còn khá may mắn khi vẫn đang học hành tốt. Công việc giúp việc nhà nếu làm đầy đủ giúp Trinh đủ trang trải với số tiền lương khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Lịch học năm thứ hai ở trường gần như kín mít thời gian, Trinh phải tính toán sát sao cả chuyện học và làm từ sáng tới chiều. Thế nên việc ăn uống cũng phải chi ly sao cho tiện nhất, nhiều hôm chỉ đảm bảo cho qua bữa. Những thực phẩm có thể để được lâu, tiện dụng và ăn liền, nhất là càng tiết kiệm thời gian càng tốt như mì gói, bánh mì, sang tí có xúc xích, chả lụa là những món luôn có trong giỏ hàng mỗi lần cô gái đi chợ.
Lâu rồi, một bữa cơm có đầy đủ món ăn với Tố Trinh là điều khá xa xỉ. Bởi đâu phải chỉ học ở trường, còn phải tốn khá nhiều thời gian tự học, tự nghiên cứu. Vì thế, nội chuyện sắp xếp thời gian sao cho hợp lý để giải quyết các việc trong ngày với Trinh cũng đã là thử thách.
Minh Kha – sinh viên năm thứ ba một trường đại học tại quận Tân Phú (TP.HCM) – nói để theo đuổi hành trình đại học, không chỉ có việc làm thêm mà cần tính toán ngay từng bữa ăn cũng là điều cần thiết.
Để tiết kiệm, Kha tự đi chợ nấu ăn. Thường cũng chỉ xoay quanh vài món rau là chính, loại có thể vừa xào vừa luộc để còn chế nước luộc làm canh. Món mặn cũng chỉ dám chọn mấy thứ rẻ thôi, nêm nếm mặn hơn chút để ăn được nhiều cơm, lại có thể để được lâu và đỡ tốn thức ăn.
Minh Kha nói cũng không nhớ đầy đủ những đầu việc mình đã từng làm. Bạn chỉ nhớ từng đi phát tờ rơi quảng cáo, bưng bê ở quán cà phê, giữ xe quán nhậu… hồi mới vào năm nhất. Năm thứ hai có chút kiến thức của ngành học, Kha chọn được những việc làm thêm có bớt nhọc nhằn hơn chút. Lúc đó làm marketing, thiết kế, vẽ quảng cáo, rồi được giao làm quản lý dự án cho một công ty truyền thông nhỏ được hơn sáu tháng.
Hiện đang là sinh viên năm ba, tay nghề marketing cũng ổn hơn nhiều nên dù chưa tốt nghiệp nhưng Minh Kha đã đi làm, có lương cứng hẳn hoi tại một công ty du lịch. “Đến nay mình vẫn duy trì thói quen tự nấu ăn, cũng vì ăn cơm bên ngoài thấy không đủ no, tự nấu sẽ vừa miệng mà lại có phần tiết kiệm hơn” – Kha nói.
Hơn 3.000 đầu việc chờ sinh viên
Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM Lê Nguyễn Nam cho biết trung tâm đang tiếp nhận, giới thiệu hơn 3.000 đầu việc của gần 200 doanh nghiệp, công ty dành cho sinh viên. Chủ yếu là công việc thời vụ như phục vụ hàng quán, việc nhà, gia sư, bán hàng, nhân viên chăm sóc khách hàng, chuyên viên kinh doanh… Lương cũng dao động 30.000 – 50.000 đồng/giờ.
Ngoài ra, trang việc làm của trung tâm cũng đăng tải một số đầu việc đang cần tuyển dụng như chuyên viên kinh doanh hiện có mức lương 12 triệu đồng trở lên, nghiên cứu và phát triển thị trường khoảng 8 – 12 triệu đồng. Các công việc có mức lương dưới 10 triệu đồng như phục vụ, bưng bê quán ăn, nhân viên kiểm soát chất lượng cuộc gọi, chỉnh lý hồ sơ…
Sinh viên cần tìm kiếm công việc thời vụ, bán thời gian có thể theo dõi thông tin tại fanpage: https://sac.vn/viec_lam/ hoặc website: https://www.facebook.com/sac.vieclam.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!