Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
9 lượt xem

Doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu lao động mới

Nhật giảm sức hút, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng tìm thị trường mới như Hy Lạp, Pháp, Hungary, Tây Ban Nha, Phần Lan, Australia… để thêm lựa chọn cho lao động.

Nhiều tháng qua, Công ty cổ phần xuất khẩu lao động và dịch vụ, thương mại Biển Đông (Estrala), trụ sở quận Tân Bình, TP HCM, tiếp nhận thông tin từ lao động, bên cạnh Nhật Bản, doanh nghiệp tư vấn thêm cơ hội việc làm ở Ba Lan, Đức. Đây là những thị trường mới mà công ty đã chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Với Ba Lan, doanh nghiệp đang phối hợp đưa 100 lao động sang đóng gói hoa quả và thực phẩm với thu nhập bình quân mỗi tháng 1.000 USD, được đóng bảo hiểm đầy đủ theo quy định. Phía tiếp nhận không phân biệt nam, nữ, độ tuổi 20-50 và chỉ cần tốt nghiệp cấp 3, đủ sức khỏe làm việc. Thời gian làm việc chính thức 8h-17h mỗi ngày, nghỉ hai ngày cuối tuần. Lao động được cung cấp miễn phí chỗ ở, phương tiện đi lại và các bữa ăn.

Người lao động có thể được tiếp tục gia hạn sau hai năm làm việc. Estrala sẽ đào tạo tiếng Anh miễn phí và hỗ trợ thủ tục vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đi Ba Lan, Estrala cũng đang hợp tác đưa lao động sang Đức làm việc với hình thức thời vụ và dài hạn cho đơn hàng thực phẩm.





Ông Nguyễn Thế Đại trong cuộc gặp mặt lao động đi làm việc tại Đức hồi cuối năm ngoái. Ảnh: An Phương

Ông Nguyễn Thế Đại (áo trắng) trong cuộc gặp mặt lao động làm việc tại Đức hồi cuối năm ngoái. Ảnh: An Phương

“Chúng tôi muốn người lao động có thêm lựa chọn hơn và để doanh nghiệp cũng không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường”, ông Nguyễn Thế Đại, Phó tổng giám đốc Estrala, nói. Trước đây, Estrala tập trung đưa lao động đi Nhật nhưng mấy năm qua đồng yen giảm sâu, nhiều doanh nghiệp tham gia có sự cạnh tranh không lành mạnh… khiến thị trường này dần giảm sức hút, khó kiếm người. Do đó, ban giám đốc đã chủ động tìm kiếm các thị trường mới.

Theo ông, châu Âu, đặc biệt là Đức đang rất cần lao động. Mức lương cũng khá tốt, chế độ phúc lợi ổn. Bên cạnh đó, nước này đang khá cởi mở với lao động nhập cư. Ví dụ đơn hàng đưa lao động đi đóng gói hoa quả, thực phẩm mà Estrala đang tuyển, lương cơ bản 2.700 Euro mỗi tháng, chưa kể tăng ca. Trong thời gian ở Đức, lao động được bảo lãnh vợ, con sang và con được hưởng chế độ giáo dục, y tế miễn phí, cơ hội định cư lâu dài.

Tương tự, mới đây Công ty cổ phần cung ứng Nhân lực Quốc tế và Thương mại (Sona) được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lựa chọn là 1 trong 6 doanh nghiệp được cấp phép triển khai chương trình đưa lao động Việt Nam sang Australia làm việc trong ngành nông nghiệp.

“Đây là cơ hội mới cho người lao động Việt Nam tại thị trường nhiều tiềm năng”, ông Nguyễn Đức Nam, Chủ tịch hội đồng quản trị Sona, nói.

Để được lựa chọn, doanh nghiệp đã gửi hồ sơ để phía Australia đánh giá. Cụ thể, Sona phải trình bày tất cả năng lực, bề dày lịch sử và kinh nghiệm từng làm cho các thị trường khác về nông nghiệp. Doanh nghiệp cũng trình bày phương án tuyển dụng, hỗ trợ quản lý người lao động khi làm việc ở nước ngoài, cam kết không thu phí dịch vụ với lao động…

Theo ông Nam, Cục quản lý lao động ngoài nước đang xây dựng hồ sơ hợp đồng mẫu để các doanh nghiệp căn cứ vào để thỏa thuận với đối tác Australia. Ngoài ra, công ty đang khảo sát nhu cầu đi Australia của lao động để sẵn sàng về nguồn.





Lao động ở Công ty Sona được dạy nghề trước khi sang nước ngoài làm việc. Ảnh: An Phương

Lao động ở Công ty Sona được dạy nghề trước khi sang nước ngoài làm việc. Ảnh: An Phương

Ông Phạm Viết Hương, Cục phó Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết với thị trường Australia, đầu năm ngoái chính phủ hai nước đã ký kết ghi nhớ hợp tác lĩnh vực nông nghiệp.

Từ năm nay, phía Australia sẽ tiếp nhận khoảng 1.000 lao động mỗi năm, mức lương cơ bản chưa trừ chi phí sinh hoạt mỗi tháng khoảng 3.200-4.000 AUD (tương đương 52,8-66 triệu đồng). Theo ông Hương, nếu một lao động trở về thì doanh nghiệp tiếp tục đưa người khác sang để bổ sung, điều này để đảm bảo luôn có 1.000 lao động Việt Nam đang làm việc.

Phía Australia tự chọn 6 doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chí dựa trên 15 hồ sơ mà từ phía Việt Nam gửi sang. Cơ quan quản lý lao động hai nước đang lên các điều kiện cụ thể để sớm đưa lao động sang làm việc.

Theo ông Hương, bên cạnh các thị trường truyền thống như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam đang phát triển các thị trường mới. Trong các cuộc gặp lãnh đạo cấp cao, vấn đề hợp tác lao động đều được đặt ra. Hiện, Việt Nam đã thỏa thuận và dự kiến ký kết đưa lao động sang làm việc ở một số nước như: Đức, Hy Lạp, Phần Lan, Ba Lan và một số quốc gia Bắc Âu.

Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng phía doanh nghiệp nỗ lực khai thác thị trường mới như Pháp, Phần Lan, Đan Mạch, Tây Ban Nha. Các công ty xuất khẩu lao động không chờ Chính phủ hai nước có thỏa thuận hợp tác mới đưa đi mà rất chủ động trong tìm kiếm đối tác. Điều này, giúp mở ra nhiều cơ hội, lựa chọn mới cho lao động với tiền lương, chế độ, phúc lợi tốt hơn.

Hơn 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, mỗi năm gửi về 3,5- 4 tỷ USD kiều hối. Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn là ba thị trường trọng điểm. Nhật Bản 5 năm liền đứng đầu về tiếp nhận lao động Việt. Ngoài thị trường truyền thống, Việt Nam đang mở rộng đưa người đi làm việc tại Australia, New Zealand, Đức, Hungari.

Hồ sơ di cư Việt Nam 2023 do Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao công bố cuối tháng 10 năm ngoái cung cấp thông tin về mức thu nhập từ các thị trường trọng điểm lao động Việt Nam đang làm việc. Trong đó, lao động làm việc tại Hàn Quốc cho thu nhập cao nhất 1.600-2.000 USD, kế đến là Nhật Bản 1.200-1.500 USD; Đài Loan 800-1.200 USD, một số quốc gia châu Âu có mức tương tự. Thị trường Trung Đông và Malaysia ghi nhận mức lương thấp hơn, khoảng 600- 1.000 USD với lao động có tay nghề và 400-600 USD mỗi tháng với lao động phổ thông.

Lê Tuyết



Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: