Dù có tháng khởi động năm 2025 tương đối chậm, tâm lý các nhà sản xuất tại Việt Nam đã lạc quan hơn trong năm nay, theo S&P Global.
Báo cáo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 1 do hãng phân tích dữ liệu S&P Global (Mỹ) công bố cho biết tâm lý của doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam đã phục hồi sau mức thấp 19 tháng được ghi nhận vào tháng 12/2024.
Cụ thể, hơn 36% số đơn vị trả lời khảo sát dự đoán sản lượng sẽ tăng trong 12 tháng tới, với hy vọng nhu cầu thị trường sẽ tốt hơn. PMI Việt Nam được S&P Global khảo sát với nhóm gồm khoảng 400 nhà sản xuất, phân chia theo lĩnh vực và quy mô lao động của công ty.
“Các nhà sản xuất hy vọng rằng tình hình sẽ sớm được cải thiện và ít nhất là họ đã lạc quan hơn so với thời điểm cuối năm 2024”, Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nhận định. Tổ chức này cũng dự báo sản lượng công nghiệp của Việt Nam sẽ tăng 4,6% năm nay.
Tình hình ngắn hạn vẫn còn chậm. PMI tháng 1 đạt 48,9 điểm, giảm so với 49,8 điểm của tháng 12 và nằm dưới ngưỡng 50 trong 2 tháng liên tiếp. Mốc dưới 50 điểm phản ánh sản xuất thu hẹp.
Tháng trước, lượng đơn đặt hàng mới giảm lần đầu tiên trong 4 tháng, với các doanh nghiệp được hỏi phản ánh nhu cầu giảm. Điểm tích cực là hoạt động thu mua nguyên liệu, vật tư cải thiện nhẹ. Tốc độ tăng chi phí đầu vào chậm lại và là mức yếu nhất trong chuỗi 18 tháng tăng giá vừa qua.
“Tình hình giá cả đã có phần dịu đi khi tốc độ tăng chi phí chậm lại, từ đó cho phép các công ty giảm giá bán hàng để thúc đẩy nhu cầu”, ông Andrew Harker nhận xét.
Sản lượng sản xuất chậm trong tháng qua có thể đến từ hai nguyên nhân chính. Đầu tiên, Tết Nguyên đán 2025 với 9 ngày nghỉ chính thức đã bắt đầu từ 25/1 (tức 26 Tết) kéo dài đến 2/2 (mùng 5 Tết). Do là tháng Tết nên hầu hết hoạt động sản xuất chậm lại vào nửa cuối tháng để doanh nghiệp chuẩn bị cho sự kiện Tất niên.
Cùng với đó, tình hình chậm lại của hoạt động sản xuất tại Việt Nam đi theo diễn biến chung của châu Á, nơi các chuỗi cung ứng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và phụ thuộc vào khả năng tiêu thụ của phương Tây lẫn Trung Quốc.
Tháng qua, PMI sản xuất tại Trung Quốc do Caixin/S&P Global công bố giảm còn 50,1 điểm, từ mức 50,5 của tháng liền trước và thấp nhất 4 tháng. Tại Nhật Bản, PMI do Ngân hàng Jibun khảo sát cũng về 48,7 điểm, thấp hơn cuối năm ngoái và vẫn dưới ngưỡng 50 trong 7 tháng liên tiếp.
Ngoài PMI Hàn Quốc tăng nhẹ nhờ đi qua đỉnh căng thẳng chính trị, sản xuất của Đài Loan và Philippines cùng chậm lại. Nói với Reuters, Toru Nishihama, Kinh tế trưởng về thị trường mới nổi tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, lý giải rằng các công ty châu Á đang thận trọng trước thuế quan của ông Trump, đồng thời dự báo triển vọng tiêu thụ của Trung Quốc cũng chậm.
“Thuế quan của ông Trump có thể đẩy nhanh lạm phát của Mỹ và duy trì sức mạnh của USD. Điều này sẽ gây áp lực giảm giá đối với các loại tiền tệ mới nổi của châu Á. Khi thương mại toàn cầu thu hẹp, lợi ích mà các nhà sản xuất châu Á nhận được cũng giảm”, ông nói thêm.
Viễn Thông
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!