Đêm 7-9, khi cơn bão số 3 (Yagi) lịch sử đang càn quét tại Hà Nội, những chiếc xe của đội cấp cứu 115 vẫn gấp gáp lăn bánh trên khắp các con đường.
“Tất cả đều đã nghĩ đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra”
Hai ngày sau ca trực đêm mưa bão lịch sử, ông Đào Dũng Tiến (hơn 50 tuổi), đã có 15 năm làm lái xe của đội cấp cứu 115 Hà Nội, vẫn đầy cảm xúc khi kể lại những chuyến xe cấp cứu trong đêm.
Ông Tiến nói có lẽ cả cuộc đời làm nghề sẽ không bao giờ quên được đêm hôm đó. Theo ca trực, ông được phân công lái xe ngày 7-9, cũng là ngày được dự báo bão số 3 sẽ đổ vào Hà Nội.
Dù đã chuẩn bị tâm lý việc cấp cứu sẽ khó khăn hơn nhưng ông Tiến cũng không thể ngờ những chuyến xe lại gian nan đến vậy. Ông kể, ngoài đường hôm ấy không một bóng người, chỉ có tiếng gió rít và những hàng cây đổ nghiêng ngả trên đường.
“Nếu bình thường xe di chuyển đến các điểm cấp cứu chỉ trong 5 – 7 phút thì hôm đó phải mất 20 – 25 phút mới có thể đến nơi. Hôm đó rất nhiều ca cấp cứu nguy kịch, xe phải chạy liên tục đến các địa điểm. Chúng tôi biết lúc ấy gia đình rất hoang mang nên mình phải đến càng nhanh càng tốt”, ông Tiến nói.
Ông nhớ lại hôm ấy có một ca suy hô hấp nguy kịch, chỉ có hai ông bà ở với nhau, ông đã gần 80 tuổi. Cả đội phải nhanh chóng xuống xe, tiếp cận nhanh hết mức có thể để đưa cụ đến bệnh viện.
Dù đã thuộc Hà Nội trong lòng bàn tay, thế nhưng để di chuyển đến các bệnh viện ông Tiến cũng mất không ít thời gian. Vừa đi ông vừa vẽ trong đầu những cung đường có thể rẽ ngay khi gặp cây đổ. Chỉ cần thấy “chướng ngại vật” từ xa là phải rẽ ngay sang hướng khác tìm đường để đưa bệnh nhân đến bệnh viện nhanh nhất.
“Đáng nhớ nhất trong những chuyến xe có lẽ là lúc xe suýt bị lật trên dốc Ngọc Hà giao với Hoàng Hoa Thám. Lúc ấy khoảng 21h, khoảnh khắc xe quay đầu rẽ, cùng với gió mạnh khiến chiếc xe bị tạt nghiêng. Lúc ấy bánh xe dường như đã bị gió nhấc lên. Cả kíp cấp cứu đều thót tim, cảm giác như đang trong một bộ phim hành động. May mắn xe to, nếu không có lẽ xe sẽ bị lật ngay”, ông Tiến kể lại.
Tiếp câu chuyện, ông Tiến nói hôm đó, khi ra đường anh em nói với nhau: “Thôi ra đường giờ này thì hên xui”. Dù bệnh nhân ở đâu mình vẫn phải đến tiếp nhận.
“Trước khi đi, kíp trực nói với nhau, nếu cây có đổ xuống thì tất cả phải nhanh chóng chui xuống gầm xe để thoát nạn. Tất cả đều đã nghĩ đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Mọi người trong xe đều đội sẵn mũ bảo hiểm. Lần đầu tiên chúng tôi ngồi trên ô tô mà phải mặc áo mưa, đội mũ bảo hiểm để khi đến hiện trường có thể nhanh chóng tiếp cận bệnh nhân an toàn.
Ai cũng biết sẽ phải đối diện với nguy hiểm thế nhưng chúng tôi đã chọn nghề này, công việc này nên phải bằng mọi cách hoàn thành nhiệm vụ”, ông Tiến bộc bạch.
Cuộc đỡ đẻ “online” gay cấn
Đã gần 10 năm làm việc tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, điều dưỡng Nguyễn Thúy Lan (33 tuổi) chia sẻ ca trực đêm 7-9 là ca trực căng thẳng nhất mà chị và kíp trực trải qua.
Chị Lan nói dù đây không phải lần đầu 115 Hà Nội phải trực cấp cứu thảm họa bão lũ, nhưng chưa bao giờ đón nhận một cơn bão lịch sử như vậy.
Nhớ lại cuộc gọi lúc 0h ngày 8-9, từ một gia đình ở khu vực Kim Văn, Kim Lũ (Hoàng Mai, Hà Nội) khi sản phụ đang chuyển dạ chờ sinh, chị Lan kể tình huống lúc ấy rất cấp bách.
“Cuộc gọi đầu tiên người nhà nói sản phụ mang thai ở tuần 39 và đang bắt đầu có cơn gò, chuẩn bị sinh. Nhanh chóng, chúng tôi đã điều phối xe cấp cứu ở khu vực Thanh Trì đến. Tuy nhiên chỉ 1 phút sau, gia đình tiếp tục gọi đến nói sản phụ đã bắt đầu có cơn rặn, đầu trẻ đã ra khỏi “cửa mình”.
Lúc ấy tôi nhanh chóng kết bạn Zalo với gia đình để nắm rõ tình hình sản phụ. Qua video, tôi thấy toàn bộ đầu trẻ đã ra ngoài. Tình huống lúc ấy rất cấp bách, vì vậy tôi hướng dẫn gia đình đỡ đẻ cho sản phụ ngay tại nhà”, chị Lan kể lại.
“Giữ đầu, vai đứa bé, mẹ thở đều, rặn. Người nhà đỡ trẻ, người đi chuẩn bị tã quấn” – chị Lan kể lại.
10 phút sau, theo lời hướng dẫn của chị Lan, đứa trẻ đã chào đời. Thế nhưng lúc này đứa trẻ tím tái, không có tiếng khóc. Thấy vậy chị Lan hướng dẫn người nhà lấy đờm dãi trong miệng trẻ, đồng thời “phát” vào chân bé để kích thích. Khoảng 1 phút sau, đứa trẻ đã cất tiếng khóc.
Lúc này xe cứu thương cũng đã đến kịp, nhanh chóng đưa sản phụ đến bệnh viện an toàn.
“Đây là lần đầu tiên tôi đỡ đẻ qua điện thoại như vậy. Thật sự quá may mắn vì người nhà đã làm theo các bước đúng, để đứa trẻ ra đời được an toàn”, chị Lan cười nói.
Trong bão số 3, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đáp ứng 112/112 lượt yêu cầu cấp cứu, phục vụ 83 bệnh nhân cấp cứu, vận chuyển 15 bệnh nhân tới viện.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: info@Baoangiang.com hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!