Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
46 lượt xem

Đi tìm một hệ sinh thái âm thanh đô thị mới

Tôi có thói quen đi dạo vào buổi trưa, dứt mình ra khỏi sự bận rộn và luồng suy nghĩ công việc.

Khu vực trung tâm của Sài Gòn có những con đường dài, rợp bóng cây xanh, với những công trình kiến trúc duyên dáng đón những chiếc lá nhỏ rớt xuống theo từng làn gió thoảng qua.

Tôi đeo tai nghe lọc tiếng ồn, chỉ để nghe âm thanh của những bản nhạc yêu thích. Nhưng có lẽ đó không phải là cách tốt để thưởng thức thành phố này.

Sài Gòn với hơn 10 triệu dân đã đột ngột rơi vào tĩnh lặng khi cả xã hội phải giãn cách, phong tỏa trong đại dịch.

Đi tìm một hệ sinh thái âm thanh đô thị mới - Ảnh 1.
Đi tìm một hệ sinh thái âm thanh đô thị mới - Ảnh 2.

Đến khi đó, ta mới hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của âm thanh đô thị trong đời sống hằng ngày của mình.

Chẳng thế mà đã có hẳn một dự án toàn cầu về nghệ thuật âm thanh và thu âm có tên Cities and Memory (Thành phố và Ký ức) nhằm thu lại các âm thanh tự nhiên của các thành phố.

Khởi động từ năm 2017, đến nay dự án này đã ghi được hơn 5.000 loại âm thanh ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ, với sự đóng góp của hơn 1.000 nghệ sĩ âm thanh toàn cầu.

Đi tìm một hệ sinh thái âm thanh đô thị mới - Ảnh 3.

Năm 2020, trong đại dịch COVID-19, dự án đã ra mắt #StayHomeSounds với các bản ghi âm ghi lại âm thanh của các thành phố thay đổi đáng kể như thế nào trong dịch.

Có đủ thứ âm thanh, từ tiếng hát chống virus corona phát trên đài, trên taxi bằng ngôn ngữ bản địa Wolof, đến thông báo trên loa của cảnh sát yêu cầu mọi người ở trong nhà trong khi tiếng còi cứu thương hú và tiếng chim hót đan vào nhau.

Đi tìm một hệ sinh thái âm thanh đô thị mới - Ảnh 4.

Chắc sẽ có nhiều người giống tôi, khi cảm nhận mỗi ngày cuộc sống quanh ta trở nên ồn ào hơn một chút, có nghĩa là đời sống đô thị đang dần trở lại bình thường.

Đi tìm một hệ sinh thái âm thanh đô thị mới - Ảnh 5.

Với những người đi xa trở về Sài Gòn hay Hà Nội, sự ồn ào của thành phố là điều đầu tiên cảm nhận được. Âm thanh đập, xông thẳng vào tai, lồng ngực và trí óc.

Phần lớn là tiếng ồn của động cơ xe máy đủ loại, tiếng còi xe, tiếng trò chuyện từ những người chở nhau trên xe, ta nghe cả những câu chuyện của gia đình rất riêng tư, tiếng trao đổi mặc cả lẫn trong tiếng nhạc quảng cáo ở các cửa hàng…

Đi tìm một hệ sinh thái âm thanh đô thị mới - Ảnh 6.

Vô số âm thanh quyện lại, tạo thành một hợp âm khổng lồ vang vọng dai dẳng, không thể mô tả được bằng lời. Một nồi lẩu âm thanh.

Trong ngôn ngữ khoa học, âm thanh (sound) và tiếng ồn (noise) về mặt kỹ thuật là như nhau. Đó là các dao động cơ học của các phân tử, nguyên tử hay các hạt làm nên vật chất và lan truyền trong vật chất như các sóng.

Nếu âm thanh có thể dùng để trao đổi, tương tác, cảnh báo, điều hướng, hay như một loại hình giải trí (âm nhạc chẳng hạn), thì tiếng ồn là một thể loại âm thanh mà ta tiếp nhận một cách không mong muốn, khiến ta khó chịu, mệt mỏi hay chán ghét.

Từ “noise” có nguyên gốc từ Latin “nausea”, nghĩa là bệnh. Khi ta nghe thấy tiếng ồn không ưa, nó có thể khiến ta bệnh.

Đi tìm một hệ sinh thái âm thanh đô thị mới - Ảnh 7.

Tiếng ồn có thể là một loại âm thanh hay ho nhưng xuất hiện sai địa điểm và sai thời điểm. Âm thanh tốt có vai trò quan trọng trong sức khỏe về tinh thần và thể chất của một con người.

Nó có thể khiến ta hứng khởi và yêu đời, cũng có thể khiến ta rã rời mỏi mệt, thậm chí ốm hoặc đột quỵ. Ngay cả loài vật cũng có thể bị giảm khả năng sinh sản nếu phải sống thường xuyên trong ô nhiễm tiếng ồn.

Tạo ra một thành phố có âm thanh đẹp – Crafting a sonic city – là mong muốn của nhóm Officine Gặp (với Afra Rebuscini, một kiến trúc sư kiêm giám tuyển nghệ thuật, kết hợp với Yuri Frassi, một cố vấn trẻ về nghệ thuật) thành lập năm 2021. Dừng chân ở Việt Nam, họ bắt đầu khám phá và nghiên cứu về đô thị Việt Nam.

Đi tìm một hệ sinh thái âm thanh đô thị mới - Ảnh 8.

Với bộ máy móc thu âm, các thành viên của Officine Gặp lang thang khắp nơi để thu những âm thanh đô thị, rồi sắp xếp lại như bản nhạc.

Tiếng chuông chùa, gió rít, chuông điện thoại, chó sủa mèo kêu, tiếng rao hàng rong, tiếng tàu lửa chạy trên đường ray, tiếng nhạc tập nhảy điệu cha cha cha, tiếng người hướng dẫn đọc theo nhịp điệu, tiếng nước chảy róc rách…

Tất cả tạo thành một bản nhạc của một đời sống đô thị rất riêng, không giống bất kỳ nơi nào.

Hẳn rồi, cũng như mỗi con người là một cá thể độc nhất vô nhị, không đô thị nào giống nhau. Tiếng ồn của Hà Nội, Sài Gòn, hay Tokyo, New York, London, New Dehli, Bangkok mang những đặc trưng riêng biệt của từng nơi, thấm đẫm văn hóa bản địa.

Afra Rebuscini và Yuri Frassi nói tiếng rao hàng rong của Hà Nội là thứ khiến họ thấy thú vị nhất.

Đi tìm một hệ sinh thái âm thanh đô thị mới - Ảnh 9.

Khi nghe lại đoạn âm thanh mà nhóm đã ghi và sắp xếp lại, tôi chợt nghĩ đến hình ảnh một người xa xứ ngồi yên lặng trong một góc phòng, bật những âm thanh này lên, lắng nghe để nhớ về nơi từng là một phần đời của mình.

Afra Rebuscini nhận xét rằng Hà Nội và Sài Gòn là những “thành phố giác quan”, vì những nơi này liên tục kết nối với mọi giác quan của bạn. Có những nơi chốn bạn không nghe thấy âm thanh, do đó bạn không thấy sự kết nối với mình.

Đi tìm một hệ sinh thái âm thanh đô thị mới - Ảnh 10.

Với văn hóa xe máy ở Việt Nam, tiếng ồn dễ nhận thấy nhất xuất phát từ động cơ xe máy – một thứ tiếng ồn dai dẳng bao bọc, là một phần của trải nghiệm giác quan ở đô thị.

Nhóm nghiên cứu cho rằng âm thanh có thể được nhìn nhận như một căn tính, một di sản, hay nguyên liệu thô, một đặc tính văn hóa, một chỉ dấu.

“Chúng tôi tin rằng không gian âm thanh có thể nói cho chúng ta biết điều gì đó về quá khứ và theo một cách nào đó, cả những khả năng của tương lai.

Thay vì chỉ tập trung vào tiếng ồn và phân tích nó như những vấn đề của môi trường và sức khỏe, có thể tập trung vào nguyên nhân, sử dụng chúng để phân tích những thay đổi về xã hội, kinh tế và đô thị theo thời gian”.

Đi tìm một hệ sinh thái âm thanh đô thị mới - Ảnh 11.

Rồi một hôm, tôi chợt nhận ra có lẽ không cần làm như vậy. Âm thanh hay tiếng ồn đó luôn là một phần của bất kỳ nơi nào tôi sống, không thể thoát ra được, vậy cần thử xem khả năng chịu đựng và khoan dung của mình đến đâu.

Tôi tìm đến những ô trống trong lòng thành phố, những nơi mà tôi dạo bộ qua và dừng lại để thưởng thức vẻ yên ắng của nó.

Những nơi đó, chẳng hạn một kiến trúc để lâu không ai dùng, như một đại thụ to lớn đứng lặng lẽ từ lâu nhìn vạn vật trôi qua, những nơi đó tạo ra những hộp rỗng của không gian. Nó khiến cho đô thị chật chội có thể thở, cũng như tôi có thể thở.

Đi tìm một hệ sinh thái âm thanh đô thị mới - Ảnh 12.

Stuart Fowkes, giám tuyển của dự án Cities and Memory, nói rằng: “Âm thanh thường không được nhìn nhận đúng mức, đặc biệt ở khía cạnh về tầm văn hóa và xã hội, ở cả mức độ thành phố và quốc gia.

Thách thức ở đây là xác định được âm thanh nào cần gìn giữ, khuyến khích và nhân bản”. Có thể bạn sẽ cùng tôi lắng nghe một cách chú tâm hơn với những thanh âm quanh mình.

Tùy vào cá tính, trải nghiệm, trí tưởng tượng, tính cách và tâm trạng, chúng ta sẽ có những diễn dịch khác nhau và cảm hứng khác nhau về âm thanh và tình yêu đối với nơi mình sinh sống.

Đi tìm một hệ sinh thái âm thanh đô thị mới - Ảnh 13.

Chúng ta sẽ thích nghe nhiều tiếng cười hơn, tiếng lá rơi, hay tiếng chim hót. Rồi có thể chúng ta sẽ thích thú hơn với một vẻ đẹp khác của cuộc sống đô thị, nơi đầy ắp tiếng bước chân, giọng nói, tiếng hát, tiếng radio, tiếng rao hàng mời mọc. Cả những âm thanh ta đã lãng quên và những âm thanh vừa nhận ra.

Với các nhà khoa học và các nghệ sĩ, môi trường âm thanh là một nơi để khám phá, để thiết kế, hình thành, sáng tạo ra những không gian chứa đầy các âm thanh dễ chịu và thú vị – điều có thể giúp một địa điểm nào đó khiến người dân thích tìm đến hơn so với những địa điểm khác. Một hệ sinh thái âm thanh mới.

Đi tìm một hệ sinh thái âm thanh đô thị mới - Ảnh 14.

Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: