Ngày mới, tuần mới hứng khởi hơn với buổi sáng không còn kẹt xe và hành trình thư giãn, thú vị.
Nhanh như đi… metro
Sáng 23-12 đối với anh Quốc Nhật (29 tuổi, nhân viên văn phòng, TP Dĩ An, Bình Dương) là ngày rất đặc biệt, anh đã chuyển từ việc dùng xe máy để đi làm sang đi metro. Nhà anh Nhật ở TP Dĩ An, giáp ranh TP Thủ Đức, đi làm công ty ở quận 1 (cách ga Bến Thành 700m). Gần chục năm qua, tuần năm ngày anh đã đi về hơn 40km/ngày bằng xe máy.
“Sáng đầu tuần háo hức, tôi dậy từ lúc 5h30 để chuẩn bị đi metro. Nhà tôi có tuyến buýt điện mới chạy ngang qua nên rất tiện lợi. Lỡ mất một chuyến buýt, tôi quyết định đi xe máy ra ga Đại học Quốc gia (đối diện cổng Khu du lịch Suối Tiên). Giá gửi xe máy từ 6h – 18h chỉ 4.000 đồng.
6h15 tôi đến chỗ chờ tàu, khoảng 5 phút sau tàu đến. Có lẽ sáng sớm và lại là ga thứ hai (tính từ ga Suối Tiên, bến xe Miền Đông mới) nên tàu còn thưa người. Tôi gặp một nhóm hành khách từ Biên Hòa (Đồng Nai).
Mọi người đã đi xe đạp đến ga Suối Tiên, vừa thể dục buổi sáng và trải nghiệm đi tàu điện. Hai bác cao tuổi cho biết đã đi từ ga Bến Thành lúc 5h, xuống ga Suối Tiên (và trở về) để trải nghiệm tàu và ngắm bình minh thành phố qua ô cửa kính.
19km nhưng chưa tới nửa tiếng. Tôi không phải căng mình với xe máy, không khói bụi, không phải sợ kẹt xe. Chuyến đi đầu tiên rất thoải mái, lộ trình mà metro chạy cũng gần với nhà và công ty nên rất thuận lợi. Tàu đi êm ro ro, tôi nghe nhạc và ngắm nhìn quang cảnh dọc xa lộ Hà Nội, đường Võ Nguyên Giáp, nhà máy nước Thủ Đức… từ trên cao. Lúc qua các ngã tư và sông Sài Gòn, tôi rất thích”.
Anh Nhật bày tỏ ước muốn các ga tàu sớm có quầy bán nước giải khát tự động. “Từ nay tôi sẽ đi làm bằng metro. Tôi đã chuẩn bị dù (ô), bỏ vào ba lô để đề phòng trời mưa. Sáng nay đi bộ từ ga Bến Thành tới công ty, đồng hồ thông minh đếm bước chân tôi, đúng là một công đôi việc. Tôi nói với đồng nghiệp: có metro số 1, cuộc sống của tôi giống như sang trang mới”, anh Nhật vui vẻ nói.
Đường từ nhà đến trường gần hơn
Nhờ có metro, thời gian đi học của nhiều sinh viên nhà ở xa trường cũng được rút ngắn. Từ đầu tuần này, bạn Nguyễn Mai Nhi (20 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), sinh viên năm 2 một trường đại học ở quận 4, đã bắt đầu đi học bằng metro.
Nhi cho biết nhà mình ở Vinhomes Grand Park (Thủ Đức), cách trường hơn 20km. Trước khi có metro, mỗi ngày bạn đều đi xe buýt nối chuyến, có hôm Nhi đi học bằng xe công nghệ. Xe buýt nhiều chuyến, có hôm vô tiết lúc sáng sớm, Nhi dậy từ 4h sáng để chuẩn bị đi học mới kịp giờ. Sáng đầu tuần này đã có metro, Nhi đến lớp sớm hơn mọi hôm.
Từ chung cư, Nhi được xe buýt trung chuyển miễn phí ra đến ga bến xe Miền Đông mới. “Mình nghe nói tuyến buýt trung chuyển này chỉ miễn phí thời gian đầu, sau đó sẽ tính 3.000 đồng/lượt với sinh viên. Tuy nhiên giá đó vẫn rất hợp lý.
Ngồi trên tàu điện, Mai Nhi lấy sách ra ôn từ vựng tiếng Anh. Không bao lâu tàu đã đến ga Bến Thành, bạn thong thả ngắm cảnh quang khu vực chợ Bến Thành, nhìn dòng người buổi sáng. Từ lúc rời khỏi nhà đến lúc xuống nhà ga Bến Thành chỉ mất hơn 40 phút.
Sau đó, Nhi đón xe công nghệ đến trường với quãng đường còn lại khoảng 1km. Thời gian đến trường hôm nay được rút ngắn một nửa, nhờ có tuyến metro số 1.
Có mặt trên cùng chuyến tàu với Nhi, bạn Zhang Yao Ying (18 tuổi, ngụ quận Tân Phú) nói vừa đi từ Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn ở Thủ Đức về đến Bến Thành bằng metro, chuẩn bị đi bộ về cơ sở quận 1 của trường ở đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1).
Yao Ying nói trong lần đi metro đầu tiên này, trải nghiệm của bạn rất tốt. Yao Ying rất ấn tượng với thiết kế nhà ga và không gian trên tàu, sự hướng dẫn tận tình của nhân viên metro và các tình nguyện viên hỗ trợ. Hơn hết là lộ trình của tuyến metro này đi ngang qua nhiều điểm quan trọng, thuận tiện cho nhiều hoạt động.
Theo Yao Ying, bạn thường xuyên đi xuống cơ sở ở Thủ Đức để tham gia các hoạt động đội nhóm, thể thao… Do quãng đường đi lại giữa hai cơ sở khá xa, gần 20km, bạn thường phải đi bằng xe buýt, mất khoảng 1 tiếng rưỡi. Nay có metro, việc đi lại giữa hai cơ sở đã giảm mệt mỏi đi nhiều với những sinh viên như Yao Ying.
Muốn trải nghiệm metro, đừng vội!
Đây là khuyến cáo chung của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) và Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (đơn vị vận hành) gửi đến người dân trong những ngày đầu tiên metro số 1 hoạt động. Điều này để giúp tránh tình trạng quá tải tại các ga (như ngày đầu vận hành) và để người dân có được chuyến đi thoải mái và thuận tiện nhất.
Theo đơn vị vận hành, so với ngày đầu vận hành chính thức thì hôm nay “dễ thở” hơn. Ở các ga, đặc biệt ga Bến Thành, không còn quá đông đúc như ngày đầu. Tuy nhiên đơn vị vẫn huy động tối đa nhân viên và tình nguyện viên đến các ga để hỗ trợ, hướng dẫn người dân làm quen với metro. Theo lịch chạy của metro, thời gian đầu chạy từ 5h – 22h mỗi ngày, chuyến đầu tiên xuất phát lúc 5h, còn chuyến cuối lúc 22h.
Mỗi đoàn tàu có thể chở tới 930 người (gồm 147 chỗ ngồi và 783 chỗ đứng). Thời gian giãn cách 8 – 12 phút/chuyến, tổng số chuyến mỗi ngày là 200 chuyến. Tốc độ khi tàu chạy ở ray trên cao là 110km/h và 80km/h tại đoạn ngầm. Thời gian đi từ ga Bến Thành đến ga Suối Tiên là 29 phút… và đặc biệt thời gian miễn phí đi lại kéo dài đến 30 ngày nên người dân cứ thong thả trải nghiệm, tránh tình trạng quá đông, chen lấn.
Ngày đầu tiên vận hành tàu metro số 1 (22-12), từ 10h – 22h metro số 1 đã chạy 177 chuyến tàu, đưa đón 150.000 khách. Ngày thứ hai (23-12), từ 5h sáng đến 16h, tàu đạt 124 chuyến với 14.000 hành khách và con số này sẽ tăng tiếp tục vào buổi tối. Lượng hành khách đi 17 tuyến buýt điện kết nối metro ngày đầu gần 6.000, ngày thứ hai (tính đến 17h30) là 4.000 lượt khách. Qua đó thấy được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân TP.HCM và du khách đối với tuyến tàu điện đầu tiên của thành phố.
Ông Phạm Vương Bảo – phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM – cho biết ngoài 17 tuyến buýt điện kết nối trực tiếp các ga metro đến khu vực quan trọng thì nhiều tuyến buýt đã được điều chỉnh giờ hoạt động và lộ trình để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Các điểm dừng xe buýt tại gần nhà ga metro cũng được nâng cấp, lắp đặt bảng hướng dẫn rõ ràng để người dân dễ dàng chuyển đổi từ metro sang xe buýt và ngược lại.
Ngoài xe buýt, còn phương tiện nào để đến nhà ga?
Đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết có 45 trạm xe đạp công cộng tại quận 1 được bố trí quanh các nhà ga và trang bị thêm xe đạp gắn động cơ điện để tăng tiện ích cho người dân.
Tại khu vực 3 ga ngầm (Bến Thành, Nhà hát thành phố, Ba Son), xe điện bốn bánh sẽ hoạt động linh động về lộ trình và thời gian, dựa trên nhu cầu của khách để giảm chi phí đi lại. Giá vé hoạt động khu vực này từ 5.000 – 10.000 đồng/lượt.
Đồng thời hệ thống giao thông công cộng của thành phố bao gồm metro số 1, xe buýt, buýt sông và xe hai tầng thoáng nóc đã được tích hợp trên ứng dụng Gobus, hành khách dễ dàng tra cứu thông tin và lựa chọn lộ trình thuận tiện.
17 tuyến xe buýt kết nối với các nhà ga với 150 xe điện đón đưa khách từ 5h – 22h hằng ngày, đồng bộ với giờ metro chạy và hiện đang miễn vé.
Sau đó, vé lượt từ 5.000 đến 7.000 đồng/vé tùy theo cự ly tuyến; vé tập bằng 75% giá vé lượt; vé dành cho học sinh – sinh viên là 3.000 đồng/vé; miễn vé cho trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi từ đủ 70 tuổi trở lên.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!