Lào CaiMuốn di dời đến vị trí an toàn hơn, nhưng người dân xã Nậm Lúc không đủ tiền mua đất, quay về nhà cũ không được vì nguy cơ đồi sạt vùi lấp nhà.
Sau trận mưa ngày 10/9, những quả đồi trồng quế ở thôn Nậm Lúc Hạ, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà sạt xuống từng mảng. Anh Lương Văn Sụm, 49 tuổi, vẫn nhớ sáng ấy trở dậy, thấy suối trước nhà dâng sau một ngày đêm mưa tối tăm trời đất. Vừa cầm cào định trổ rãnh thoát nước thì vạt đất trước nhà sạt xuống kéo theo mảng sân. Anh vứt cào rồi hô hoán vợ con, hai đứa cháu chạy nạn. Sáu người chạy xuống nhà họ hàng ở thấp hơn, rồi sơ tán tiếp khi thấy vạt đồi bị lở.
28 hộ dân – hơn một phần ba số hộ trong thôn Nậm Lúc Hạ dắt díu nhau xuống bãi đất gần miếu làng, nơi họ cho là an toàn vì nằm gần đường cái, đất bằng, cách chân đồi một đoạn. Đàn ông lên rừng chặt vầu, chẻ lạt, phụ nữ gói ghém mấy bộ quần áo với chăn màn rời nhà. Chính quyền xã Nậm Lúc cử dân quân, thanh niên xuống cùng dân bản dựng những dãy lán tạm ven đường.
Vách lán quây vài lớp bạt. Thân vầu đánh dập đan thành dát giường. Những manh chiếu cuộn chăn, gối để ở góc giường cùng vài chiếc quạt, ổ điện cho người dân sạc di động, trẻ con học bài. Gia đình anh Sụm cũng như hàng chục hộ trong thôn chọn lán tạm làm nơi trú tránh ban đêm. Ban ngày họ trở về nhà, đi lấy rau lợn, lên nương, đêm xuống cơm nước xong xuôi lại kéo xuống lán ngủ.
Những đêm mưa, người dân xuống trú đông hơn. Trai tráng không dám ngủ, chong mắt thức nghe động tĩnh của núi đồi. “Từ hôm mưa gió sụt sạt đến nay, bà con không biết làm gì, cứ đi lại như thế này”, anh Sụm nói.
Không riêng thôn Nậm Lúc Hạ, những dãy lán tạm mọc lên khắp nơi sau cơn bão Yagi ở Bắc Hà – vùng cao nguyên phủ đầy hoa mận trắng trước nay chỉ nổi danh về du lịch. Hơn 1.200 hộ sẽ phải di dời, tự tìm đất tái định cư.
Bí thư Huyện ủy Bắc Hà Nguyễn Duy Hòa cho biết các phương án tái định cư đã được đưa ra bàn thảo. Khó tái thiết tập trung bởi số lượng hộ dân quá lớn, không có mặt bằng, khó chuyển đổi đất rừng, thủ tục kéo dài, không thể giải quyết sinh kế khi tách đồng bào khỏi đất sản xuất.
Huyện cuối cùng chốt tái định cư phân tán, để các hộ dân tự tìm đất theo “cảm nhận an toàn”, chính quyền hỗ trợ kinh phí, thủ tục, giấy tờ chuyển đổi. “Phân tán phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng cũng rất lo về yếu tố an toàn do người dân chủ yếu tìm đất dựa trên kinh nghiệm”, Bí thư Hòa nói.
Tỉnh Lào Cai đã quyết định hỗ trợ mỗi gia đình thuộc diện nguy cơ phải di dời 80 triệu đồng, nhà hỏng hoàn toàn 100 triệu đồng và những nhà hư hại một phần phải sửa chữa 25 triệu đồng. Huyện ưu tiên những hộ mất nhà hoàn toàn để sớm về nơi ở mới khi còn trăm ngày nữa là Tết.
Nhưng ngay cả khi nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí lẫn thủ tục, việc tìm đất để chuyển chỗ ở không dễ dàng do núi đồi khắp nơi loang lổ vết sạt trượt.
Nhà không thuộc diện di dời, nhưng anh Lương Văn Sụm lo đồi tiếp tục sạt nên đi khắp làng, sang cả xã bên tìm được ba vị trí bằng phẳng. Một mảnh gần suối nhưng sợ bị lũ cuốn. Chỗ khác ưng bụng lại là “đất 661”- đất rừng phòng hộ không thể động vào. Có miếng gạ mỏi miệng mà chủ không bán, không đổi và từ chối bằng cách hét giá cao.
“Mảnh ruộng chưa đầy 60 m2 hét giá trăm rưỡi (150 triệu đồng) sao lấy được. Bắt bí nhau thế khó lắm”, anh vò đầu, giải thích người Tày làm nhà sàn ít nhất phải trăm mét vuông. Đó là mới dựng cột kèo, chưa tính công trình phụ, nơi sinh hoạt xung quanh.
Chung tình cảnh, nhà anh Cháp Văn Ba chưa hỏng, nhưng quả đồi phía sau bị nứt. Nằm trong vùng sạt lở, gia đình anh đăng ký di dời nhưng chưa tìm được đất. Những nơi đất bằng, gần đường đều đã có chủ. Những mảnh được rao bán trên dưới 200 triệu đồng cũng không đủ diện tích để dựng nhà sàn. Và đó cũng là mức giá anh không mua nổi.
Vốn liếng tích cóp cùng khoản vay ngân hàng anh đổ vào căn nhà sàn ba gian xây cuối năm 2022. Nhà dựng trên mảnh đất tậu được khi vợ chồng ra riêng từ 22 năm trước. Năm ngoái, anh láng nền, ốp gạch hoa sàn dưới, làm tường bao. Khoản nợ vay xây nhà vừa trả xong thì đồi nứt, thuộc diện phải di dời.
“Đời người có mấy lần xây nhà, đồi không nứt thì cũng ở được hết đời mình. Giá mà khiêng được cái nhà sàn đi sang quả đồi khác”, anh ước. Bất lực không thể tìm được đất di dời, anh Ba tính chuyển sang một quả đồi khác. Nhưng quay về hướng nào cũng thấy sạt lở.
Nằm trong số 15 hộ dân Nậm Lúc Hạ tìm thấy nơi ở mới, ông Vàng Văn Khuyến, 61 tuổi, đổi được hai khoảnh ruộng trên cao cho cháu để xuống dưới thấp. Ông chấp nhận đổi diện tích nhỏ hơn, miễn có đất ở và không bù thêm tiền.
Đồi phía sau nhà đang ở đã nứt một vết “như củ khoai lang bở nứt vỏ”, buộc ông Khuyến phải di dời. Sẽ được nhận 80 triệu đồng hỗ trợ, nhưng ông chưa biết xoay sở thêm tiền đâu để dựng nhà mới, đang tính dỡ nhà cũ để tái sử dụng. “Chạy người trước đã, của cải tính sau”, ông nói.
Người Nậm Lúc Hạ ngồi trong lều bấm đốt ngón tay, tính gặt xong vụ thu đông là tới mùa bóc quế, giúp nhau dựng nhà là hết năm. Họ lo năm nay không biết có được ăn Tết, có kịp làm lễ xuống đồng đầu xuân. Nhưng trong khi chờ dựng nhà mới, có thể họ vẫn ở tạm lều lán với nỗi lo gió bấc đã bắt đầu thổi tung lều bạt.
Không tìm được đất dựng nhà mới, anh Lương Văn Sụm tính quay về nhà cũ. Chờ bóc xong mùa quế, dành dụm một khoản mua vật liệu kè thêm phía trước chống lở. “Sạt tới đâu lùi tới đó, chỉ không biết khi nào ngoạm tới nhà mình”, anh nói.
Hoàng Phương – Gia Chính
VnExpress mở chiến dịch “Cùng đồng bào vượt lũ” nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ
tại đây.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!