Quảng NgãiĐền thờ anh hùng dân tộc Trương Định – ngọn cờ đầu trong phong trào chống Pháp, được trao tặng bằng di tích quốc gia.
Ngày 18/8, tỉnh Quảng Ngãi đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đối với đền thờ anh hùng Trương Định và tổ chức lễ tưởng niệm 160 năm ông tuẫn tiết.
Đền thờ Trương Định ở xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi, là nhà ba gian. Gian thờ đặt tượng bán thân của ông, hai gian bên thờ mẹ, vợ, con trai, cùng các nghĩa binh tham gia cuộc khởi nghĩa; tiếp đến là nhà trưng các tài liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan cuộc đời và sự nghiệp của ông. Năm 2014, đền thờ được UBND Quảng Ngãi xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Trương Định sinh năm 1820 trong gia đình quan lại có truyền thống nho học. Năm 24 tuổi, ông theo cha vào Nam, đến xứ Gò Công lập nghiệp. Năm 1854, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của triều đình nhà Nguyễn, ông chiêu mộ dân nghèo ở miền Trung, lập đồn điền khai hoang lập ấp ở Gò Công. Ông được triều đình phong chức Phó Quản cơ, rồi Quản cơ kiêm Chánh tổng huyện.
Năm 1859, khi quân Pháp mở rộng xâm chiếm miền Nam, Trương Định chiêu mộ quân, lập căn cứ quân sự, dựng cờ khởi nghĩa và giành được nhiều trận thắng. Ông xây dựng Gò Công thành trung tâm kháng chiến, thúc đẩy các phong trào yêu nước trong khu vực và Nam Bộ phát triển mạnh mẽ.
Đến 5/6/1862, triều đình Huế và Pháp ký Hiệp ước Nhâm Tuất, nhượng cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ và hạ lệnh ông bãi binh. Tuy nhiên Trương Định đã sát cánh cùng nghĩa quân chiến đấu chống giặc. Tháng 2/1863, nghĩa binh suy tôn ông làm “Bình Tây Đại nguyên soái”, tự xưng danh “Trung Thiên tướng quân”.
Đêm 19/8/1864, nghĩa quân của ông bị đánh úp bất ngờ do một người từng hoạt động trong lực lượng phản bội. Sau đó một ngày, ông trúng đạn, hi sinh. Con trai ông là Trương Quyền tiếp nối chí cha, quyết tâm chống giặc, đã bị ám sát.
Thi hài Trương Định được đưa về Gò Công an táng. Bà Lê Thị Thưởng, người vợ đầu đã đưa bài vị ông về Quảng Ngãi thờ phụng. Năm 1871, vua Tự Đức cho dựng đền thờ ông ở xã Tịnh Khê. Qua thời gian và chiến tranh, đền thờ bị phá hủy.
Tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng đền thờ ông ở vị trí hiện tại, với tổng diện tích 26.700 m2. Di tích gồm cổng tam quan, nhà bia, đền thờ chính, nhà trưng bày, nhà khách, sân vườn, tường rào bao quanh và khu vực núi Đầu Voi.
Phạm Linh
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!