Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Chính phủ đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngày 1-7 nhằm thể hiện sự quan tâm, đảm bảo cuộc sống của người về hưu.
Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cao nhất từ trước tới nay
Cụ thể, Chính phủ đề xuất tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội dựa trên mức hưởng của tháng 6-2024.
Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng trước 1-1-1995, sau khi tăng 15% mà mức hưởng vẫn thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng. Tương tự, người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì tăng lên bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Nếu đề xuất tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội được thông qua, đây sẽ là mức tăng cao nhất từ trước tới nay.
Phạm vi áp dụng tới hơn 3,3 triệu người bao gồm người đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện.
Tỉ lệ tăng này được các cơ quan quản lý tính toán đảm bảo công bằng, hợp lý, hài hòa, có sự chia sẻ giữa người đang hưởng lương hưu và người đang đóng bảo hiểm xã hội, giữa các khu vực, thế hệ cũng như cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn.
Việc điều chỉnh còn thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong thực hiện nghị quyết 28 của Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó đảm bảo chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội cho mọi công dân.
Đến năm 2025, cả nước có khoảng 55% số người dân hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng hoặc trợ cấp hưu trí xã hội. Đến năm 2030, con số này là 60%.
Tăng lương hưu, kéo gần khoảng cách với người đang đi làm
Để hoàn thành các mục tiêu trên, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ngoài đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội của các thế hệ người lao động thì cần nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước.
Do đó, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Chính phủ đề nghị cho phép mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cải cách tiền lương để chi tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội…
Để triển khai hiệu quả, Bảo hiểm xã hội sẽ phối hợp với các ngành liên quan tập trung nguồn lực, lên phương án, ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo chi trả kịp thời chính sách tới người dân. Các ngành tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình chi trả cũng như phối hợp xử lý tình huống phát sinh, phản ánh, vướng mắc…
Từ năm 1995 đến hết năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đã điều chỉnh lương hưu 23 lần. Theo đó, lương hưu tăng từ 21-26 lần so với lương hưu tại thời điểm năm 1995.
Lương hưu không giữ nguyên mà định kỳ tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
Ngoài lương hưu hằng tháng, người hưởng còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, mức hưởng từ quỹ bảo hiểm y tế lên tới 95%.
Trước đề xuất trên, ông Nguyễn Văn An, 76 tuổi, Hà Nội, về hưu gần 20 năm, chia sẻ Nhà nước đã nhiều lần tăng lương, thể hiện sự quan tâm với những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cống hiến cho sự phát triển của đất nước.
Ông cho rằng mức tăng lương hưu 15% là hợp lý, đảm bảo sự đồng thuận, công bằng giữa nhóm nghỉ hưu trước và sau thời điểm tăng lương.
Còn ông Trần Trung Thái, Bắc Giang, về hưu khoảng 13 năm, từng băn khoăn khi làm sao có sự công bằng giữa người về hưu trước và sau ngày 1-7. Do vậy, ông đồng tình với việc tăng lương hưu để đảm bảo cuộc sống.
“Tôi đóng bảo hiểm xã hội để mong đảm bảo an sinh lâu dài, có quyền lợi khi nghỉ hưu”, ông nói.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!