Sáng 23-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Đề xuất áp dụng thuế suất ưu đãi với doanh nghiệp nhỏ
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho hay dự thảo dành một chương quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đồng thời có những quy định mới về thuế suất đối với doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và tiêu chí áp dụng để thúc đẩy sự phát triển của các loại hình doanh nghiệp này.
Cụ thể, dự thảo quy định mức thuế suất là 20%. Riêng với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỉ đồng thì được áp dụng mức thuế suất 15%; doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỉ đồng đến không quá 50 tỉ đồng thì được áp dụng mức thuế suất 17%.
Về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, dự thảo quy định việc áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm đối với dự án đầu tư mới tại khu kinh tế nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn…
Ngoài ra, Chính phủ đề xuất dự án đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật, ươm tạo, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp sáng tạo dự kiến được giảm 3% thuế thu nhập doanh nghiệp, về 17% trong 10 năm.
Đáng chú ý, dự luật bổ sung quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập của các cơ quan báo chí từ các hoạt động báo chí khác ngoài báo in. Riêng báo in tiếp tục áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% như quy định hiện hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết vấn đề này được các cơ quan báo chí nói nhiều.
Hiện toàn bộ báo chí là cơ quan nhà nước, nguồn thu dựa vào quảng cáo, trong khi đó “bánh quảng cáo” lại giảm đi rất nhiều, các cơ quan báo chí hiện rất khó khăn.
“Vì vậy, chúng tôi có làm việc với Bộ Thông tin – Truyền thông và thống nhất đề xuất mức thuế chung với báo chí là 10% như báo in hiện nay”, ông Vinh đề nghị.
Đề nghị làm rõ một số nội dung
Về người nộp thuế, dự luật quy định rõ thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam đối với doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Bao gồm cả thu nhập từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho hay báo cáo thuyết minh dự án luật, thực tiễn phát triển của các hoạt động kinh doanh thông qua thương mại điện tử và các nền tảng số xuyên biên giới cho thấy sự bất cập về khái niệm cơ sở thường trú đang được quy định tại luật hiện hành và các hiệp định thuế (căn cứ trên hiện diện vật lý).
Việc này chưa đáp ứng được thực tế của loại hình kinh doanh sử dụng cơ sở thường trú “ảo” – không có hiện diện vật lý.
Tuy nhiên, dự luật vẫn giữ khái niệm cơ sở thường trú hiện hành về người nộp thuế. Theo đó vấn đề vướng mắc, bất cập liên quan đến nội dung về cơ sở thường trú về cơ bản chưa được giải quyết trong dự luật. Từ đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cần giải trình rõ hơn về vấn đề này.
Bên cạnh đó, dự luật bổ sung quy định thu nhập chịu thuế của các doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, bao gồm cả các thu nhập từ kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh.
Điều này làm cho nội dung quy định trở nên mâu thuẫn, khó thực hiện (không có cơ sở thường trú tại Việt Nam đồng thời lại không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh). Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cần giải trình rõ hơn về vấn đề này.
Về quan điểm thu thuế thu nhập doanh nghiệp với các nhà cung cấp nước ngoài, ông Mạnh nêu dự luật quy định quyền thu thuế thu nhập doanh nghiệp với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thông qua việc quy định “không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh” để mở rộng phạm vi thu thuế.
Tuy nhiên, quy định này chưa giải quyết được vấn đề thu thuế với các nhà cung cấp nước ngoài qua nền tảng thương mại điện tử, vì trên thực tế các nhà cung cấp nước ngoài chủ yếu là đối tượng cư trú tại các nước đã ký Hiệp định tránh thuế 2 lần với Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam chỉ được quyền đánh thuế đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài trong trường hợp các doanh nghiệp này có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
“Vì vậy, đề nghị làm rõ về tính hiệu quả của các quy định này và nghiên cứu thêm các giải pháp chính sách khác để đảm bảo việc thu thuế với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua nền tảng thương mại điện tử”, ông Mạnh nêu rõ.
Thấy vướng cái gì thì sửa ngay cái đó
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, phạm vi sửa lần này phải làm có tính chất toàn diện hơn và phải có đánh giá tác động.
Qua đó cần lý giải cho thật kỹ, thuyết phục, vì sao phải sửa, sửa cái gì, sửa như thế nào? Quan điểm là thấy vướng cái gì thì sửa ngay cái đó.
Nhấn mạnh quan điểm “cái gì đã chín, đã rõ thì sửa. Cái gì chưa chín, chưa rõ thì tiếp tục nghiên cứu”, ông Mẫn cho rằng phải đánh giá thật kỹ, sửa cái mới phải tốt hơn cái cũ.
Muốn vậy, lãnh đạo các bộ ngành, bộ trưởng, thứ trưởng phải trực tiếp nghe từng khoản, từng điều, từng chương.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!