Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
9 lượt xem

Đề xuất dùng AI bảo vệ vườn sâm Ngọc Linh

Kon TumTrung tá Lê Minh Dương, Giám đốc Viettel Kon Tum cho rằng ứng dụng công nghệ có thể giúp phát hiện chuột, kẻ trộm, giám sát thời tiết, sâu bệnh… bảo vệ hiệu quả vườn sâm Ngọc Linh.

Thông tin được trung tá Lê Minh Dương nêu trong hội thảo do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum tổ chức ngày 15/5.

Theo ông Dương, địa bàn Kon Tum hiện có khoảng 2.400 hộ trồng sâm Ngọc Linh, với diện tích 4.000 ha, tập trung ở huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei. Loài này sinh trưởng, phát triển ở độ cao trên 1.200 m, nên đa số chưa có lưới điện, sóng điện thoại và internet…





Trung tá Lê Minh Dương đề xuất tại hội thảo. Ảnh: Trần Hóa

Trung tá Lê Minh Dương đề xuất tại hội thảo. Ảnh: Trần Hóa

Việc chưa ứng dụng công nghệ sẽ khiến người trồng có thể bị thiệt hại do mất trộm (con người và chuột); thiếu dữ liệu tập trung, khó truy xuất nguồn gốc, mất niềm tin vào sản phẩm sâm Ngọc Linh.

Trung tá Dương đề xuất, dùng công nghệ IoT và AI để giám sát kẻ trộm và đàn chuột vào vườn phá hoại sâm. Ngoài ra, công nghệ này có thể theo dõi nhiệt độ, thời tiết, lượng mưa, ánh sáng, pH đất… tối ưu hóa chi phí và hiệu suất lao động.

Bên cạnh đó, việc đầu tư công nghệ giúp truy xuất nguồn gốc, lịch sử trồng, chống sâm giả… Ông cho biết, giải pháp hiện đại nhất là xây dựng Trung tâm Điều hành Thông minh để quản lý, giám sát toàn cảnh vườn sâm từ xa trên PC, Web, App.

Ông cũng đề nghị tỉnh Kon Tum hỗ trợ nhà mạng triển khai hạ tầng công nghệ; hỗ trợ chi phí phần mềm quản lý cho hộ gia đình, HTX và doanh nghiệp trồng sâm.

Bảo quản sau thu hoạch nâng cao chất lượng sâm

Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Minh Đức, Khoa Dược, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, cho biết sâm Ngọc Linh được phát hiện năm 1973, thuộc hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.

Từ khi phát hiện đến nay, nhiều công trình nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực thực vật, hóa học, tác dụng sinh học – dược lý, phân tích kiểm nghiệm, bào chế… đã được công bố trong nước và quốc tế, qua đó chứng tỏ Sâm Việt Nam là một cây sâm quý.

Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, nguồn Sâm Ngọc Linh trồng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Giá sâm hiện rất cao, chưa phù hợp mức thu nhập của đa số người dân. Thị trường sâm hiện nhiều bất cập, sâm không rõ nguồn gốc, nhập lậu, giá rẻ, chất lượng không kiểm soát, tình trạng nhầm lẫn, giả mạo tràn lan.

Tên Sâm Ngọc Linh chỉ nên được áp dụng cho Sâm Việt Nam có chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng tại vùng bản địa Ngọc Linh. Đây có thể xem là một thương hiệu riêng của sản phẩm quốc gia Sâm Việt Nam. “Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng Sâm Ngọc Linh”, GS.TS Nguyễn Minh Đức, nói.





Sâm Ngọc Linh sinh trưởng và phát triển ở độ cao trên 1.200 m. Ảnh: Trần Hóa

Sâm Ngọc Linh sinh trưởng và phát triển ở độ cao trên 1.200 m. Ảnh: Trần Hóa

Theo TS Trần Thị Ngọc Diệp, trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM, việc bảo quản sâm tươi vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ, dẫn đến lo ngại về chất lượng và cách bảo quản sau khi mua.

Sau thu hoạch, các loại nông sản, trong đó có dược liệu dạng củ như sâm Ngọc Linh, rất dễ bị giảm trọng lượng, hư hỏng nhanh và mất đi các dược chất quý. Những biến đổi này dẫn đến sự suy giảm chất lượng tổng thể và giá trị thương mại của sản phẩm.

Phương pháp dân gian đó là bọc củ sâm Ngọc Linh bằng giấy báo và đặt trong tủ lạnh ở mức 3-5°C được cho là đơn giản, dễ thực hiện, nhưng không kiểm soát được độ ẩm, dễ gây mất nước và hư hỏng do vi sinh vật.

Ngoài ra, độ ẩm thấp hơn 40% khiến củ bị teo tóp do thoát nước mạnh, trong khi độ ẩm cao hơn 50% lại tạo điều kiện cho nấm phát triển và gây thối. Việc dùng cuốc và nhổ lên bằng tay sau đó chưa có phương pháp vận chuyển sâm thích hợp cũng tăng nguy cơ nhiễm vi sinh vật, làm giảm đáng kể chất lượng sản phẩm…

Nhóm nghiên cứu đưa ra 6 mô hình mô phỏng về phương thức bảo quản sâm Ngọc Linh tươi bằng màng phủ; dùng bao bì khí quyển biến tạo (MAP)… Nghiên cứu xác định điều kiện bảo quản tối ưu cho củ sâm Ngọc Linh tươi 10 năm tuổi nhằm duy trì chất lượng, thời gian bảo quản và hàm lượng saponin tổng của củ sâm Ngọc Linh bảo quản tươi sau thu hoạch.

Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đánh giá, những nghiên cứu, đề xuất của các nhà khoa học, chuyên gia… tại hội thảo rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế rất cao, giá sâm hiện từ 100 – 150 triệu đồng một kg. Trồng sâm Ngọc Linh mang lại nguồn thu nhập lớn cho người trồng và góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu đến năm 2025 có 4.500 ha Sâm Ngọc Linh và 10.000 ha dược liệu khác; đến năm 2030 có 10.000 ha Sâm Ngọc Linh và 25.000 ha dược liệu khác. Đây là chương trình hành động có tính chiến lược nhằm bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc linh, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo các nhà khoa học, Sâm Ngọc Linh chứa hàm lượng Saponin cao nhất trong các loại sâm trên thế giới, đặc biệt là các Saponin có cấu trúc Ocotillol, mang lại nhiều công dụng quý cho sức khỏe.

Kết quả nghiên cứu về Sâm Ngọc Linh năm 2003, TS Trần Công Luận công bố có 52 hợp chất saponin. Mới đây, các nhà nghiên cứu công bố trong sâm Ngọc Linh có 86 hợp chất saponin đặc biệt là hợp chất MR2 rất cao mà không có loại sâm nào so sánh được.

Ngoài ra, sâm Ngọc Linh giúp tăng cường sức đề kháng, bồi bổ cơ thể, giảm căng thẳng, mệt mỏi, hỗ trợ điều trị các bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, bảo vệ thận…

Trần Hóa





Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: