Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
15 lượt xem

Dấu tích kinh đô hướng biển của nhà Mạc

Hải PhòngDương Kinh ở huyện Kiến Thụy từng là kinh đô của nhà Mạc, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của đất nước trong thế kỷ 16.

Mạc Đăng Dung (1483-1541) quê ở huyện ven biển Nghi Dương, nay là huyện Kiến Thụy, lên ngôi vua năm 1527 và lập ra vương triều Mạc. Ông đã cho xây dựng nhiều công trình kiến trúc đồ sộ tại quê hương, biến Nghi Dương thành Dương Kinh, trung tâm quyền lực mới của đất nước, sau kinh đô Thăng Long. Điện Phúc Ý, điện Tường Quang được xây dựng để làm nơi ở và nơi thiết triều của quần thần. Lăng mộ tại Cổ Trai cũng được chú trọng xây dựng.

Các nhà sử học nhận định vị thế của Dương Kinh thời đó không chỉ là quê hương của vua Mạc mà còn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, căn cứ địa, mở đường cho phát triển kinh tế biển. Đây là một trong những kinh đô hướng biển của Việt Nam thời trung đại.





Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc ở xã Ngũ Đoan. Ảnh: Lê Tân

Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc ở xã Ngũ Đoan. Ảnh: Lê Tân

Trải qua những biến cố lịch sử, Dương Kinh nay thuộc huyện Kiến Thụy vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích quý giá. Năm 2004, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Sở Văn hóa – Thông tin Hải Phòng đã phối hợp khai quật tại khu di tích Dương Kinh, thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thu được nhiều kết quả quan trọng.

Tại gò chữ Công, các nhà khảo cổ tìm thấy dấu vết nền móng của công trình kiến trúc lớn, có thể là điện Tường Quang. Gò Gạo cũng cho thấy sự tồn tại của tổ hợp kiến trúc quy mô lớn, có thể là điện Hưng Quốc. Gò Quan Thiệu phát hiện dấu vết gia cố nền móng và ngôi mộ cổ.

Ngày nay, cụm di tích chùa Nhân Trai, chùa Trà Phương, đền – chùa Hòa Liễu, khu tưởng niệm các vua nhà Mạc, từ đường họ Mạc là những minh chứng cho sự tồn tại của một vương triều.

Các di tích này không chỉ phản ánh quá trình hưng thịnh – suy vong của nhà Mạc mà còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị, như tượng vua, tượng vương, tượng thái hậu… Đặc biệt, ba hiện vật liên quan đến nhà Mạc được công nhận là bảo vật quốc gia, gồm long đao, tượng Mạc Đăng Dung và phù điêu thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn. Cụm di tích liên quan đến nhà Mạc đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt vào tháng 1/2025.





Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và Phù điêu Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, hai bảo vật quốc gia được lưu giữ trong chùa Trà Phương. Ảnh: Lê Tân

Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và phù điêu Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, hai bảo vật quốc gia được lưu giữ trong chùa Trà Phương. Ảnh: Lê Tân

Nhà Mạc trải qua 5 đời vua: Mạc Đăng Dung (1527-1529), Mạc Đăng Doanh (1530-1540), Mạc Phúc Hải (1541-1546), Mạc Phúc Nguyên (1547-1561) và Mạc Mậu Hợp (1562-1592). Đến đầu năm 1593, triều đại nhà Mạc kết thúc, khép lại 66 năm cầm quyền.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng việc nhà Mạc thay thế nhà Lê là hợp với quy luật lịch sử. Năm 1994, trong hội thảo khoa học về vương triều Mạc, giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định nên xóa bỏ định kiến về nhà Mạc, nên đối xử với nhà Mạc công bằng như các triều đại khác.

Lê Tân



Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: