Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
9 lượt xem

Dấu tích cung điện hơn 600 tuổi của nhà Hồ

Thanh HóaCung Bảo Thanh hay còn gọi là Ly Cung do Hồ Quý Ly cho xây dựng nhằm ép vua Thuận Tông dời kinh đô từ Thăng Long về Đại Lại.

Theo sử sách, những năm cuối thế kỷ 14, xã hội Việt Nam dưới sự cai trị của nhà Trần bước vào giai đoạn suy thoái mọi mặt cả về kinh tế lẫn chính trị. Ngai vàng vẫn thuộc về các vua Thuận Tông, Thiếu Đế nhưng thực tế hầu hết quyền bính đều nằm trong tay tể tướng Lê Quý Ly (tức Hồ Quý Ly – ông đổi họ khi lên ngôi hoàng đế năm 1400).





[Captiovvxn]

Nhà bia trong di tích Ly Cung. Ảnh: Lê Hoàng

Sau khi nắm binh quyền và định đoạt các vấn đề chính sự của Đại Việt, Hồ Quý Ly mưu đồ cướp ngôi, chủ trương lập nên triều đại mới. Để đối phó với tầng lớp quý tộc nhà Trần và các phe cánh chống đối, Hồ Quý Ly đàn áp và ly gián mạnh mẽ. Một trong những nước đi quan trọng là ép vua Trần Thuận Tông dời kinh đô Thăng Long về vùng đất Đại Lại ở Thanh Hóa, nay thuộc xã Hà Đông, huyện Hà Trung. Đại Lại cũng chính là quê hương của Hồ Quý Ly.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào mùa đông năm Đinh Sửu 1397, Hồ Quý Ly “bức vua” Thuận Tông dời kinh đô đến phủ Thanh Hóa. Sau khi đi Yên Sinh bái yết các lăng, nhà vua tới ở Đại Lại, gọi là cung Bảo Thanh. Hành cung này nằm ở phía tây nam ngọn núi cũng mang tên Đại Lại (sau này Hồ Nguyên Trừng đổi thành núi Kim Âu).

Sử sách không mô tả chi tiết về thời gian và quá trình xây dựng cung Bảo Thanh, nhưng qua các thư tịch cổ để lại, các nhà sử học nhận định, cung điện này đã được thi công trước khi Hồ Quý Ly cho xây thành Tây Đô (tức thành nhà Hồ), ở huyện Vĩnh Lộc. Hồ Quý Ly bấy giờ đã hạ lệnh phá dỡ nhiều cung điện ở Thăng Long lấy gạch ngói và các vật liệu rồi cho quân lính chở theo đường thủy về kiến thiết cung Bảo Thanh tại Đại Lại.

Ly Cung được sử dụng chính thức khoảng 10 năm (1397-1407). Tại đây đã diễn ra một số sự kiện quan trọng như việc Hồ Quý Ly ép con rể là vua Trần Thuận Tông nhường ngôi cho con trai mình là hoàng thái tử Án (gọi Hồ Quý Ly là ông ngoại) khi mới ba tuổi để làm Thái thượng hoàng.





[Captioccn]

Rất nhiều gạch ngói với hoa văn trang trí đặc trưng của kiến trúc, nghệ thuật thời Trần được tìm thấy khi khai quật cung Bảo Thanh. Ảnh: Lê Hoàng

Hoàng thái tử Án lên ngôi (tức Trần Thiếu đế) ở Bảo Thanh cung, đổi niên hiệu là Kiến Tân năm thứ nhất, đại xá thiên hạ… Sau khi Thiếu đế lên ngôi ở cung Bảo Thanh thì được Hồ Quý Ly đưa về thành Tây Đô. Còn cung Bảo Thanh trở thành nơi “giam lỏng” Thái thượng hoàng Trần Thuận Tông. Cùng năm 1400, Quý Ly lấy ngai vàng từ Thiếu Đế, chính thức đăng quang, đổi tên nước thành Đại Ngu, lập nên nhà Hồ.

Sau khi lên ngôi, cung Bảo Thanh không được Hồ Quý Ly sử dụng mà chọn Tây Đô làm nơi cai trị, điều hành đất nước. Về lý do tại sao nhà Hồ không đặt đô ở Đại Lại, theo giới sử học có thể vì địa thế vùng đất này không phù hợp cho một kinh đô nặng về tính quân sự.

Cụ thể, Ly Cung nằm trong thế tay ngai của hệ thống đồi núi trùng điệp, trước mặt là sông Lèn. Xa hơn khoảng 10 km ở mạn bắc là hệ thống núi đá vôi Tam Điệp, cửa ngõ vào xứ Thanh thời bấy giờ. Từ cửa bắc muốn vào nam qua chặng này bằng đường bộ không còn cách nào khác là len lỏi qua những sườn núi đèo dốc quanh co, hiểm trở. Từ Ly Cung muốn ngược lên phía tây chỉ có thể đi bằng đường thủy theo sông Lèn hoặc một con sông đào khác.

Hồ Quý Ly lựa chọn Tây Đô (nằm cách Ly Cung hơn 10 km về hướng Tây), vùng đất chật hẹp, hẻo lánh “cuối nước đầu non” để thuận lợi cho kế hoạch phòng thủ trước mưu đồ xâm lược của quân Minh (Trung Quốc). Mặt khác, đồn trú ở đây cũng có thể dễ bề rút lui khi tình huống xấu nhất xảy ra lúc bại trận.

Các nhà sử học nhận định một lý do khác cũng không kém phần quan trọng làm thay đổi ý định dựng đô ở vùng Đại Lại của Hồ Quý Ly là khả năng chống đối của quý tộc nhà Trần. Vùng Ly Cung từng là huyện lỵ huyện Dư Phát của quận Cửu Chân những thế kỷ sau công nguyên, là nơi đô hội, đất rộng người đông với nhiều dòng họ đến sinh cơ lập nghiệp từ rất sớm nên vẫn nằm trong vùng ảnh hưởng lớn của nhà Trần.

Do không được lựa chọn làm quốc đô và tồn tại trong thời gian khá ngắn khiến cung Bảo Thanh quy mô tương đối nhỏ. Sau khi quân Minh đánh bại nhà Hồ năm 1407, chiếm đóng đất nước, cung Bảo Thanh cũng không còn được sử sách nhắc đến là được sử dụng ra sao.





[Captioccsn]

Chân đá tảng được cho là dùng xây nền móng cung Bảo Thanh hơn 600 năm trước. Ảnh: Lê Hoàng

Trải qua nhiều cuộc chiến tranh và sự tàn phá của thiên nhiên, công trình đã bị phá hủy hoàn toàn, hiện chỉ còn là phế tích nằm một vùng đất hoang vu rộng khoảng hai ha dưới chân núi Kim Âu, xã Hà Đông, huyện Hà Trung.

Từ năm 1979 đến nay, di tích Ly Cung được Viện Khảo cổ học khai quật 5 lần. Những đợt khai quật trên đã phác họa quy mô của Ly Cung thuở xưa, với các kiến trúc mang đậm dấu ấn thời đại Trần – Hồ. Các đợt khai quật cũng đã làm xuất lộ nền điện chính, một phần những công trình phụ như tam quan, giếng ngọc, thành ngoài.

Đồng thời, các nhà khảo cổ cũng đã xác định được các công trình sinh hoạt trong cung như bến tắm, suối ngự, lầu đấu kê, đình vọng nguyệt… Hiện rải rác trong khu di tích là mảnh vỡ phế tích như gạch ngói, đá tảng, đồ gốm sứ của kiến trúc cũ đã bị đổ nát và vùi lấp theo thời gian. Sau quá trình khảo cổ, hiện cơ quan chức năng đã cho lấp lại các hố khai quật để bảo vệ di vật nền móng bên dưới.

Theo PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, từ kết quả những lần khai quật có thể nhận định Ly Cung có hai loại hình di tích là cung và chùa đan xen tồn tại. Hệ thống di tích, di vật ở đây có giá trị to lớn trong nhận thức về lịch sử văn hóa, văn minh thời Trần.

Với nhiều giá trị đặc biệt, năm 1997, Ly Cung được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Đây là điểm tham quan phụ cận nằm trong hành trình khám phá Di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ.

Lê Hoàng



Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: