Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
7 lượt xem

Dân bản ‘phất’ lên nhờ làm YouTuber

Tuyên Quang9h sáng, thống nhất xong kịch bản với người em họ được giao quay phim, Trúc Thị Mụi cùng chồng Hà Tòn Chài vác dụng cụ ra đồng.

Cặp vợ chồng 31 tuổi ở bản Khau Cau, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình là chủ kênh YouTube với 108.000 người theo dõi. Nội dung tập phim hôm nay quay cảnh vợ chồng Mụi bắt cua trong khe suối để bán ở chợ phiên, lên rừng hái rau củ và nấu cơm trưa.

Khi người quay phim giơ tay đếm “3,2,1” và bấm máy, vợ chồng Mụi bắt đầu hoạt động. Hai người cố gắng không trò chuyện để thu được rõ cả tiếng chim chóc, suối chảy. Quen với ống kính và biết cách diễn họ chỉ tốn vài phút cho một cảnh quay. Các động tác dùng vợt bắt cua, rửa sạch, đổ vào thúng được làm nhanh gọn.

Chuyển cảnh về căn lán dựng trên đồi, trong lúc Mụi nhóm củi nấu cơm, chồng và người quay phim sẽ lên rừng hái rau dại, đào củ. Kết thúc tập phim dài hơn 40 phút là cảnh họ ăn cơm trưa.

“Xem thì nhanh chứ mỗi video chúng tôi mất ba ngày để lên ý tưởng, quay, dựng”, Mụi nói.





Trúc Thị Mụi (áo xanh), 31 tuổi, ở bản Khau Cau, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cùng chồng Hà Tòn Chài (áo sọc đen) làm Youtube về cuộc sống vùng cao, tháng 1/2024. Ảnh: Nga Thanh

Trúc Thị Mụi (áo xanh), 31 tuổi, ở bản Khau Cau, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cùng chồng Hà Tòn Chài (áo sọc đen) làm YouTube về cuộc sống vùng cao, tháng 1/2024. Ảnh: Nga Thanh

Trước đây vợ chồng Mụi làm công nhân ở Bắc Ninh, mỗi tháng được 9-10 triệu đồng một người. So với làm nông ở quê, lương công nhân cao nhưng chỉ đủ trả tiền thuê nhà, ăn uống và gửi về quê cho hai con đi học, thuê người cày ruộng. Nhiều năm đi làm, hai vợ chồng Mụi không có đồng dư.

Đầu năm 2022, thấy một số người ở bản Khau Cau đổi đời nhờ làm YouTube, họ quyết định nghỉ việc.

Ban đầu, Mụi cùng chồng lên rừng dựng lán, lấy sông, suối, đồi nương làm bối cảnh quay cuộc sống miền sơn cước. Như nội dung sinh tồn, họ phải vào rừng sâu, tìm nơi hẻo lánh để săn bắt, hái lượm thậm chí phải ngủ qua đêm trên cây. Với những tập dựng nhà, lán trại, họ phải làm thành thạo bước đốn cây, vót nhọn, đào móng, đóng cọc. Góc máy quay phải linh hoạt, đa dạng để hấp dẫn người xem. Mỗi video tốn vài ngày đến vài tháng để thực hiện. Như đi săn lợn rừng rất nguy hiểm nhưng chị vẫn khao khát có thước phim kịch tính nên cố đặt nhiều góc quay.

“Lần nào đi rừng cũng bị vắt, muỗi cắn sưng hết người, nhưng phải thế video mới lôi cuốn”, Mụi nói.

Video của vợ chồng Mụi nhắm đến người xem nước ngoài. Khán giả tò mò về cuộc sống vùng cao ở Việt Nam nên lượt xem cao, giá tiền quảng cáo cũng gấp nhiều lần. Đây là lý do vợ chồng Mụi học viết tiêu đề bằng tiếng Anh thu hút người xem.

Sau hai năm với thiết bị duy nhất là chiếc smartphone, kênh YouTube Hà Tòn Chài đã đăng hơn 400 video, mang lại thu nhập vài chục triệu đồng mỗi tháng cho cặp vợ chồng trẻ.

Dân bản phất lên nhờ làm Youtuber

Một người dân ở huyện Lâm Bình làm YouTube với hơn một triệu người theo dõi kênh. Video: Lý Thị Ca

Gia đình Mụi là một trong số hàng trăm hộ gia đình tại xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình chuyển hướng theo nghề YouTuber.

Bà Mụ Thị Vệ, phó chủ tịch UBND xã Phúc Yên cho biết xã có 6 thôn, 300 hộ gia đình với 6.000 nhân khẩu chủ yếu là dân tộc Dao, Tày. Trước đây người dân làm nông hoặc ra các tỉnh làm công nhân nhưng từ năm 2018 đến nay mỗi hộ đều có kênh YouTube riêng. Hai bản Khau Cau và Nà Khậu đông YouTuber nhất, có khoảng 6-7 hộ đạt thu nhập vài trăm triệu mỗi tháng.

Sau vài năm làm YouTube, nhiều hộ đã xây được nhà, mua ôtô. Từ nguồn thu này, người dân hỗ trợ địa phương xây trường, làm đường, tài trợ cho học sinh nghèo. Họ cũng tạo việc làm mới như thuê người về quay video, dựng phim hoặc làm diễn viên quần chúng.

“Xã Phúc Yên vẫn nằm trong vùng 135, nhưng từ ngày bà con biết làm YouTube, khoảng 50% hộ dân đã thoát nghèo”, bà Vệ nói.

Từ khi làm YouTube, người dân Phúc Yên cũng chăm chỉ đi quay video thay vì tụ tập uống rượu. Số vụ ly hôn cũng giảm bởi nhiều cặp vợ chồng về bản gây dựng sự nghiệp. Truyền thống văn hóa của địa phương cũng được truyền bá rộng rãi.





Một người phụ nữ ở thị trấn Lăng Can, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình đang làm video đặc sản địa phương, 31/12/2024. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Chị Huyền, chủ kênh YouTube hơn 100.000 người theo dõi, ở thị trấn Lăng Can, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình đang làm video đặc sản địa phương, 31/12/2024. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Ngoài Phúc Yên, các xã Xuân Lập, Hồng Quang, Minh Quang, Thượng Lâm, thị trấn Lăng Can của huyện Lâm Bình cũng tập trung nhiều người làm YouTuber. Hình ảnh người dân cầm máy quay ra đường, xuống chợ hay lên núi không còn xa lạ ở huyện Lâm Bình.

Đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lâm Bình nói phong trào làm YouTube đã lan rộng khắp các xã. Các chủ kênh đa phần còn trẻ, biết áp dụng công nghệ và tạo công ăn việc làm cho nhiều người.

Bên cạnh một số ít nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục đã được lực lượng chức năng nhắc nhở, xử phạt, các video giới thiệu cuộc sống vùng cao cũng lan tỏa những nét văn hóa đẹp đến với người xem.

Ngoài các kênh tận dụng nguồn lực trong gia đình, không ít người kết hợp với dân bản sáng tạo nội dung, tạo nguồn thu nhập ổn định cho đôi bên.





Quan Văn Dân (áo đen bên phải), 31 tuổi, ở thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình cùng ekip làm video dựng nhà bằng tre, nứa, tháng 1/2024. Ảnh: Nga Thanh

Các gia đình ở thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình kết hợp quay video dựng nhà bằng tre, nứa, tháng 1/2024. Ảnh: Nga Thanh

Công Hào, 31 tuổi, ở thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình bắt đầu xây dựng kênh về chủ đề “camping” (cắm trại) trên rừng từ năm 2018. Lúc đó cả huyện chỉ có hơn chục hộ làm YouTuber.

Hào kể lúc mới vào nghề chưa hiểu rõ tiêu chuẩn cộng đồng trên YouTube khiến một số video bị phạt hoặc gỡ bỏ. Thiếu định hướng trong sáng tạo nội dung, người đàn ông 31 tuổi đành bỏ kênh hơn 60.000 người theo dõi sau bốn tháng hoạt động và chuyển nghề.

Năm 2023, phong trào làm YouTuber ở huyện bùng phát, Hào tập làm lại. Các kênh của anh tập trung nội dung sinh tồn, cuộc sống hàng ngày, làm trang trại. Muốn xây kênh theo hướng chuyên nghiệp, anh kết hợp cùng các gia đình trong bản làm video. Chi phí đầu tư một kênh tốn khoảng 100 triệu đồng cho bộ máy ảnh và dàn máy vi tính.

“Tôi kết hợp cùng mọi người xây dựng bốn kênh với các chủ đề khác nhau. Việc phát triển song song mới giúp mọi người có thu nhập ổn định”, Hào nói.

Mỗi tháng Hào và các cộng sự có thu nhập 10-15 triệu đồng mỗi người. Mức thu nhập được đánh giá khá cao so với thời gian làm nông nghiệp.

Cuộc sống của Lý Thị Tâm ở thị trấn Lăng Can cũng “phất lên” nhờ làm YouTube. Người phụ nữ 27 tuổi từng thử mở kênh riêng nhưng sớm từ bỏ bởi không biết cách làm. Để mưu sinh, cô và chồng gửi con ở nhà để xuống Bắc Giang làm công nhân.

Một năm trước, vợ chồng Tâm hợp tác với Hào làm kênh YouTube về cuộc sống núi rừng. Thu nhập mỗi người một tháng hơn chục triệu đồng giúp gia đình có khoản tích lũy.

“Thay vì đi làm công ty lương thấp lại không được gần gia đình, nghề này giúp vợ chồng tôi ổn định cuộc sống, không còn lo miếng ăn từng bữa nên muốn phát triển lâu dài”, Tâm nói.

Quỳnh Nguyễn – Nga Thanh



Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: