Hà NộiCựu chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đề nghị trong quá trình thụ án tù nếu có mệnh hệ gì thì “xin được hiến xác cho y học, khoa học”.
Sáng 17/1, trong nhóm 6 người bị xét xử tội Nhận hối lộ, đại diện VKSND Hà Nội, đề nghị TAND Hà Nội tuyên ông Hiệp 7-8 năm tù; cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận, 5-6 năm tù.
Cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bị VKS đề nghị 24-30 tháng tù treo với cáo buộc Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Nhóm cán bộ thanh tra bị đề nghị từ 24-36 tháng tù đến 4-5 năm tù. Là người duy nhất bị truy tố tội Đưa hối lộ, VKS đề nghị phạt ông Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh, án 3-4 năm tù.
>>Mức án VKS đề nghị với 10 bị cáo
Tự bào chữa, ông Hiệp cho biết đã thấy các sai phạm của mình “được hiển thị chính xác”. Tình tiết giảm nhẹ với ông cũng được VKS ghi nhận trong bản luận tội, nhưng mức án đề nghị là quá nặng so với hoàn cảnh, bối cảnh phạm tội lúc đó.
“Từ lúc 20 tuổi bước chân vào quá trình công tác đến khi bị bắt, tôi chưa một lần có sai phạm bị kỷ luật. Mong HĐXX xem xét đến nhiều đóng góp trong sự nghiệp trước khi có ‘cú trượt ngã cuối đời đầy đau đớn’ của tôi”, ông Hiệp nói.
Trình bày thêm về hoàn cảnh gia đình, ông Hiệp nói đang sống chung với mẹ già 90 tuổi, nuôi chị gái ruột bị tim bẩm sinh. Vợ bị ung thư và ông sức khỏe cũng rất yếu.
“Trước kia còn công tác, vì công việc bị cáo đã vượt qua tình trạng sức khỏe. Thế nhưng sau 380 ngày bị tạm giam thì sức khỏe đã yếu hơn. Đây là sự trừng phạt, trừng trị rất lớn khiến bị cáo thấy thấm thía, cựu Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng nói.
Cuối cùng, “khẳng định đây là lời nói thật lòng, chứ không phải đãi bôi”, bị cáo 60 tuổi này đề nghị nếu trong quá trình thụ án có mệnh hệ gì thì “xin được hiến xác cho y học, khoa học”. Ông xin chịu trách nhiệm về những điều đã nói này.
Về siêu dự án Đại Ninh, ông Hiệp cho hay dự án được nêu trong nghị quyết đại hội 3 nhiệm kỳ liên tục nên rất “mong muốn được đưa vào hoạt động”. Với tư cách Chủ tịch UBND tỉnh, ông rất sốt ruột khi một dự án quan trọng, là công trình trọng điểm nhưng qua hai nhiệm kỳ không thực hiện được.
Đến nhiệm kỳ thứ ba, khi ông làm chủ tịch đã “quyết tâm thực hiện”, sốt sắng triển khai.
Do dự án đã kéo dài hàng chục năm nên khi được giới thiệu ông Trí về làm việc, khẳng định đây là doanh nghiệp có năng lực, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã tạo điều kiện tối đa. Lúc đó, ông Hiệp “luôn có niềm tin là ông Trí sẽ thực hiện dự án”.
Theo ông Hiệp, “hồi đó phạm tội trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, không thể dừng lại được”. Nói rằng “không muốn đổ lỗi cho người đã chết bởi như vậy là vô đạo đức, trái lương tâm” nhưng trước hết phải nhắc đến Thanh tra Chính phủ. Cụ thể là ông Trần Văn Minh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ (đã chết) đã hối thúc rất nhiều khiến ông rơi vào cái guồng xoáy.
Theo ông, khi ông Minh xuất hiện ở Lâm Đồng thì ai cũng biết dự án chắc chắn sẽ được gia hạn để tiếp tục triển khai. Và điều này khiến lãnh đạo tỉnh chủ quan.
“Ngoài anh Minh còn có người gợi ý, gửi gắm Nguyễn Cao Trí. Với cương vị, trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, nếu không chấp hành thì rất khó cho tôi”, ông Hiệp phân trần.
Đây là lần thứ hai ông Hiệp nhắc đến vấn đề này trong hai ngày xét xử. Tại phần xét hỏi chiều qua, cựu đã khai những tác động của mình liên quan dự án đều phụ thuộc vào Thanh tra Chính phủ. “Do bị ông Minh hối thúc, nói là đã xin ý kiến của Chính phủ rồi”, ông khai.
Về 4,2 tỷ đồng nhận hối lộ, ông Hiệp khẳng định “không sử dụng để mua sắm hay dùng vào bất kỳ việc gì của cá nhân”. Toàn bộ số tiền này, ông dùng làm công tác xã hội, từ thiện và gia đình đã thu thập các chứng cứ, giấy tờ gửi cho VKS. Ngay ngày đầu tiên cơ quan điều tra mời lên làm việc, ông đã động viên gia đình khắc phục ngay để thể hiện sự ăn năn hối cải.
Ngoài số tiền trên, ông Hiệp nói “không nhận thêm bất kỳ tiền, lợi ích vật chất nào khác” mà chỉ có nhờ ông Trí làm từ thiện giúp cho mấy nơi. Có hai lần ông Trí đưa tiền, ông đã từ chối, nhờ cầm đi ủng hộ cho bệnh viện, quỹ trẻ em song “Trí nói là em đã làm hết rồi”.
Tại tòa, cựu Bí thư Trần Đức Quận cũng đánh giá Đại Ninh là dự án lớn của tỉnh. Với trách nhiệm là Bí thư Tỉnh ủy, ông thấy có trách nhiệm phải đôn đốc để không gây phiền hà cho doanh nghiệp. Ông nhận 2,1 tỷ đồng bởi vì ông Trí cảm ơn trong quá trình triển khai dự án trên địa bàn.
Ông Quận đề nghị các luật sư không bào chữa về hành vi nhận hối lộ của mình do đã nhận thức được sai phạm mà chỉ nói về các tình tiết giảm nhẹ.
Theo cáo buộc của VKS, ông Trí mua lại dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng sau khi Thanh tra Chính phủ đã có kết luận 929 chỉ ra nhiều vi phạm, kiến nghị tỉnh chấm dứt hoạt động, thu hồi đất. Sử dụng các mối quan hệ để tác động, kết hợp đưa hối lộ 7,05 tỷ đồng, ông Trí được giúp sửa kết luận thanh tra, chấp thuận cho gia hạn dự án.
Sau khi “bẻ lái” lấy lại được dự án, Công ty Lavender của ông Trí và Công ty Thiên Vương của Tập đoàn Novaland ký hợp đồng thỏa thuận nguyên tắc chuyển nhượng 100% cổ phần tại Sài Gòn Đại Ninh, tổng trị giá 27.600 tỷ đồng. Doanh nghiệp của ông Trí sau đó đã nhận thanh toán từ Novaland 2.700 tỷ đồng.
Thanh Lam – Phạm Dự
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!