Quảng NamTừ 4h mỗi ngày, ông Nguyễn Thương ở phường Cửa Đại, TP Hội An đã thức dậy, đi dọc bãi biển và đường phố để nhặt rác.
Khi mặt trời còn chưa lên, ông Nguyễn Thương, 64 tuổi, đã mặc bộ bảo hộ màu xanh đẩy chiếc xe tự chế nhặt rác trên các tuyến đường, bãi biển phường Cửa Đại, cách phố cổ Hội An khoảng 5 km.
Ông bịt khẩu trang, đeo bao tay và dùng kẹp thu gom rác đến 8h thì kết thúc công việc với hai bao tải rác đem về. “So với trước đây, người dân, du khách đã nâng cao ý thức, ít vứt rác bừa bãi”, người đàn ông dáng vẻ gầy gò, da đen sạm nói.
Lớn lên ở vùng biển Cửa Đại, 18 tuổi, ông Thương viết đơn tình nguyện nhập ngũ, đóng quân trên đảo Cù Lao Chàm. Sau bốn năm trong quân ngũ, ông về quê lập gia đình, sinh ba con và làm phụ bếp ở khách sạn. Năm 2015, do bị tai biến liệt tay chân, tai điếc, ông đành bỏ việc, hàng ngày tập luyện để có thể đi lại.
Gần một năm miệt mài tập luyện, ông Thương bắt đầu di chuyển được. Sáng mỗi ngày, ông ra bãi biển tập thể dục, chứng kiến rác vứt bừa bãi gây xấu cảnh quan Hội An. “Nếu giảm thiểu rác thải, bãi biển, phố phường sẽ đẹp hơn”, ông nghĩ vậy và lên ý tưởng kết hợp hai trong một vừa thể dục vừa nhặt rác.
Mỗi sáng, ông mang theo bao tải đựng rác nhựa, kim loại, giấy để bán; còn lại đưa đến thùng rác để công nhân môi trường thu gom. Thấy việc ông làm, nhiều người nói “điên, khùng”. “Người bình thường không ai đi làm việc bao đồng, dọn rác đã có nhà nước lo”, ông kể lại.
Mặc người ta nói ra, ông bỏ ngoài tai. Vợ con khuyên thì ông bảo mình không trộm cắp, làm việc tốt cho đời. Vừa nhặt rác, vừa tập thể dục để có sức khỏe nên người thân không còn ngăn cản.
Trừ ngày mưa bão, hôm ít nhất ông nhặt hai bao tải rác, hôm nhiều cả chục bao. Để thuận tiện di chuyển, ông dành dụm 1,8 triệu đồng từ tiền bán ve chai mua xe đẩy. Trên xe ông gắn thông điệp “Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn”, “Hãy bảo vệ môi trường, không sử dụng túi nylon, không vứt túi nylon ra nơi công cộng”.
Ông cũng in băng rôn treo ở những khu vực thường có rác với các thông điệp kêu gọi, nhắc nhở mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường. Trong ngày, ông phụ giúp con gái bán cà phê. Hiện mỗi tháng tiền thuốc thang của ông hết 1,8 triệu đồng, được các con chu cấp.
Cuộc sống không khá giả nhưng khi chính quyền phường Cửa Đại đề xuất hỗ trợ 2 triệu đồng mỗi tháng, ông từ chối, giải thích tiền ai cũng ham, nhưng việc mình làm không có gì lớn lao. “Một ngày không đi nhặt rác tôi thấy nhàm chán. Tôi sẽ tiếp tục công việc cho đến lúc không còn sức”, ông nói.
Nhớ lại khoảng thời gian chồng mình bị đồn là khùng, vợ ông Thương, bà Lê Thị Bảy cho biết rất buồn. Nhưng hiểu được nguyện vọng của chồng nên gia đình không ai ngăn cản. Bà mong chồng có sức khỏe để làm điều mình thích.
Chủ tịch phường Cửa Đại Lê Công Sỹ cho biết dù bệnh tật ông Thương tự nguyện nhặt rác bảo vệ môi trường. Việc làm này đã lan tỏa đến người dân và du khách. “Chính quyền có nhã ý hỗ trợ tiền hàng tháng nhưng ông từ chối. Vào các dịp lễ Tết, phường khen thưởng, tặng quà động viên ông”, ông Sỹ nói.
Cuối năm 2020, ông Thương được Thủ tướng tặng bằng khen vì đã có thành tích trong lĩnh vực an sinh xã hội và tích cực tham gia hoạt động vì cộng đồng.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!