![Nên điều chỉnh thiết kế nội dung trong sổ đỏ mới để đạt hiệu quả sử dụng tối ưu - Ảnh 1.](https://baoangiang.com/wp-content/uploads/2025/02/q-the-mau-so-do-moi-read-only-17237328086921547572381-1739263308769742734334.jpg)
Mẫu sổ đỏ mới – Ảnh: Q.THẾ
Từ câu chuyện “Sổ đỏ mới quá nhỏ, lo ngại phải đổi sổ thường xuyên”, bạn đọc Trung Kiên gửi đến Tuổi Trẻ Online bài viết bày tỏ những băn khoăn.
Những băn khoăn về sổ đỏ mới
Người dân đang quan tâm đến mẫu giấy chứng nhận quyền sử đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ).
Nhiều người cho rằng thiết kế sổ đỏ mới chỉ có hai trang, vừa bằng khổ giấy A4, thay vì bốn trang như trước đây, nhất là tại ô mục số 6 về “Những thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận” chỉ khoảng nửa trang là quá ít.
Thực tế khi nhìn vào bản giấy chứng nhận cụ thể được cấp mới đây, tôi cũng có những suy nghĩ băn khoăn như vậy.
Về tổng thể, việc chuyển từ “sổ” gồm bốn trang (như một tờ giấy A3), sang “giấy” chỉ gồm có hai trang (như một tờ giấy A4) có thể cơ quan quản lý muốn tính toán thiết kế tối giản nhất giấy chứng nhận, tạo tính tiện dụng trong việc bảo quản và sử dụng, tiết kiệm chi phí in ấn, ngân sách phát hành.
Giấy chứng nhận hai trang này được phát hành theo thông tư số 10/2024/TT-BTNMT ngày 31-7-2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (thay thế các thông tư liên quan trước đây, phát hành mẫu giấy chứng nhận bốn trang).
Trong đó, mẫu giấy chứng nhận được thiết kế gồm hai trang.
Trang 1 chứa đựng các thông tin nhân thân của người sử dụng đất và thông tin về thửa đất, cơ quan cấp giấy chứng nhận.
Trang 2 chứa đựng thông tin về sơ đồ, tọa độ thửa đất và dành một phần chỉ hơn nửa trang cho mục cập nhật những thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận.
Cần thiết kế mẫu sổ đỏ mới hợp lý hơn
Trong mẫu giấy này và giấy chứng nhận thực tế đã được cấp, tôi thấy phần thông tin nhân thân người được cấp giấy và thông tin về thửa đất, cả phần ghi cơ quan cấp giấy chứng nhận được thiết kế gọn lại, để thừa phần diện tích trang này bỏ trống khá nhiều, không sử dụng đến.
Trong khi có thể đưa nội dung về sơ đồ và tọa độ thửa đất vào phần trống tại trang 1 này.
Như vậy, có thể dành nguyên cả trang 2 cho mục cập nhật biến động, với nhu cầu giao dịch của người dân hiện nay, có thể đáp ứng được ít nhất 5-7 lần cập nhật biến động trên trang 2 này.
Trước đó, khi Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa dự thảo thông tư này ra lấy ý kiến, mẫu thiết kế của giấy chứng nhận được làm khá hợp lý.
Trong đó toàn bộ nội dung về thông tin nhân thân người được cấp giấy; các thông tin, sơ đồ và tọa độ thửa đất; phần cơ quan cấp giấy được thiết kế gọn trong một trang (các nội dung này có thể giảm với tỉ lệ nhỏ gọn hơn cũng không ảnh hưởng nhiều), mục cập nhật biến động sau cấp giấy được dành cả trang 2.
Không biết lý do gì, khi thông tư 10 chính thức ban hành, mẫu giấy chứng nhận được điều chỉnh như hiện nay?
Thiết nghĩ việc thiết kế mẫu giấy cho hợp lý, hài hòa và đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân cũng cần phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm, lưu ý.
Điều đó sẽ tiết kiệm được cả chi phí của người được cấp giấy, khi không phải đi đổi giấy chứng nhận thường xuyên, do phần cập nhật biến động quá ít dung lượng.
Chưa nói thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay dù đã đơn giản hơn nhiều so với trước nhưng vẫn còn mất rất nhiều thời gian, công sức của người dân.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!