Đêm nơi biên giới mưa trắng trời, đèn điện đang sáng trưng bỗng dưng tắt phụp, cả một vùng biên chìm trong màn đêm.
Trên đỉnh thiêng Pò Hèn (tỉnh Quảng Ninh), trung tá quân nhân chuyên nghiệp Đàm Quang Đô mặc vội chiếc áo mưa, cầm chiếc đèn pin đi kiểm tra một vòng quanh đài tưởng niệm tại Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn.
Xung phong lên Pò Hèn
“Ở đây có đồng chí Đô thường xuyên làm nhiệm vụ ở khu di tích”. Đến Đồn biên phòng Pò Hèn, đồng đội trân quý thường kể như vậy về người thầm lặng canh giấc ngủ cho các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu giữ bình yên nơi biên cương phía Bắc.
Hơn 3 năm qua, người lính ấy luôn cần mẫn bất kể ngày đêm, dù nắng hay mưa vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ phụng sự các anh hùng liệt sĩ ở Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn.
“Tôi ở đây cùng với các anh hùng liệt sĩ đã quen rồi, như người thân trong gia đình, như đồng chí đồng đội của mình vậy” – anh Đô chia sẻ.
Đều đặn mỗi ngày, anh Đô cùng đồng chí đồng đội thắp hương hoa, quét dọn, tu sửa cảnh quan, chăm sóc cây xanh ở khu di tích, lau dọn sạch sẽ ở khu vực đài tưởng niệm và hai tấm bia đá xanh khắc ghi tên 86 liệt sĩ đã hy sinh tại dải đất biên cương này.
Đồng thời tham gia tiếp đón các đoàn du khách từ khắp nơi đến đây, nhất là đoàn thân nhân gia đình liệt sĩ và các em học sinh thường xuyên đến “địa chỉ đỏ” Pò Hèn để thắp nén nhang tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Là người lính biên phòng công tác trên địa bàn biên giới tỉnh Quảng Ninh, anh Đô nói kể từ ngày nhập ngũ cho đến nay đã 34 năm, trong trái tim anh luôn hướng về mảnh đất thiêng Pò Hèn.
Hễ có thời gian là anh lại lên Pò Hèn thắp hương tri ân cho các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống ở mảnh đất này.
Hơn 3 năm trước, trung tá quân nhân chuyên nghiệp Đàm Quang Đô quyết định xung phong lên biên giới Pò Hèn để được cống hiến, gắn bó máu thịt với mảnh đất thiêng này.
Anh giãi bày dường như trái tim thôi thúc anh đảm nhận nhiệm vụ đặc biệt, như một lời tri ân, thể hiện lòng biết ơn, trách nhiệm của thế hệ sau với thế hệ cha ông đi trước đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
“Niềm vui nhất của tôi là được phụng sự các anh hùng liệt sĩ. Tôi công tác ở đây, phụng sự các anh hùng liệt sĩ là việc cần làm. Các bác các anh sẽ phù hộ cho tôi được sức khỏe, tâm an để tiếp tục công việc của mình” – anh Đô tâm niệm.
Thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống
Đại úy Nguyễn Việt Thắng – chính trị viên phó Đồn biên phòng Pò Hèn – chia sẻ Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn là nơi tôn vinh, tưởng nhớ các cán bộ, chiến sĩ Đồn 209 Công an nhân dân vũ trang Pò Hèn (nay là Đồn biên phòng Pò Hèn), nhân viên thương nghiệp, cán bộ, chiến sĩ Trung đội tự vệ Lâm trường Hải Sơn đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc vào ngày 17-2-1979 và các chiến sĩ Đồn biên phòng Pò Hèn hy sinh trong khi làm nhiệm vụ từ năm 1980 – 1991.
Đọc tên từng liệt sĩ được khắc trên hai tấm bia đá xanh, đại úy Thắng bộc bạch các bác các anh đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, vừa tròn mười tám đôi mươi như liệt sĩ Nguyễn Văn Phương (sinh năm 1961) hy sinh vào ngày 17-2-1979.
Trên tấm bia đá cũng khắc tên nhiều liệt sĩ sinh ra ở vùng đất quê hương Đông Triều (Quảng Ninh) đã cùng đồng đội kề vai sát cánh bên nhau, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Kể từ ngày lên nhận nhiệm vụ ở Pò Hèn, người lính trẻ đã có dịp được gặp, tìm hiểu về câu chuyện của các thế hệ đi trước. Nhờ đó giúp anh hiểu sâu sắc hơn về những năm tháng chiến đấu của cha ông để giữ gìn từng tấc đất biên thùy.
“Là cán bộ biên phòng Quảng Ninh, chúng tôi luôn xác định phải tìm hiểu, nắm thông tin, qua đó tuyên truyền cho bà con nhân dân cũng như người xung quanh hiểu thêm về Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn, để mỗi người dân chúng ta, nhất là thế hệ trẻ không bao giờ được quên sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ” – đại úy Thắng nói.
Trung tá Trần Đại Dương – chính trị viên Đồn biên phòng Pò Hèn – cho biết thêm Đảng ủy, Ban chỉ huy đồn đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27-7 và triển khai đến các cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức, trách nhiệm, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.
Hằng ngày, cán bộ, chiến sĩ đều lên Khu di tích quốc gia Pò Hèn để lau dọn, chỉnh trang cây cảnh, tạo không khí trang nghiêm để tiếp đón các đoàn khách đến dâng hương, dâng hoa, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Kể từ tháng 9-2022, Khu di tích lịch sử Pò Hèn được xếp hạng di tích quốc gia, nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” của cả nước về giáo dục truyền thống lịch sử.
Trung tá Dương cho biết vào dịp cuối tuần, dịp hè hoặc các ngày lễ của đất nước, Đồn biên phòng Pò Hèn thường xuyên phối hợp với các đoàn thể, nhà trường trên địa bàn để đưa các cháu học sinh, các bạn đoàn viên, thanh niên đến đây để học tập, ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của cha ông đi trước.
Khu di tích lịch sử Pò Hèn gồm bốn điểm: Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn, chốt đồi Quế, chốt trạm kiểm soát cửa khẩu Pò Hèn và đài quan sát đồi Tây.
Trong đó đài tưởng niệm cao 16m, được xây dựng bằng chất liệu bê tông cốt thép, ốp đá trắng. Hai bên là hai tấm bia đá xanh khắc tên 86 liệt sĩ bộ đội biên phòng Đồn 209, liệt sĩ công nhân Lâm trường Hải Sơn và liệt sĩ Cụm thương nghiệp Pò Hèn.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!