Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
55 lượt xem

Chuyên gia: Vị thế của TP HCM đang bị ‘xói mòn’

Vị thế của TP HCM đang bị “xói mòn” và đứng trước nhiều thách thức khi so với các địa phương khác và một số đô thị lớn ở Đông Nam Á, theo TS Vũ Thành Tự Anh.

Ý kiến được TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nêu tại Hội thảo khoa học tham vấn định hướng phát triển kinh tế – xã hội TP HCM giai đoạn 2026-2030, diễn ra ngày 24/8.

Theo ông Tự Anh, biểu hiện rõ ràng của sự suy giảm là tỷ trọng đóng góp của TP HCM vào GDP cả nước và ngân sách cũng như tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu.

Khoảng 5 năm trước, tỷ trọng đóng góp xuất khẩu của khu vực Đông Nam Bộ, trong đó có TP HCM, chiếm trên 50% cả nước, nhưng hiện chỉ còn khoảng 1/3. Trong khi đó, khu vực Đồng bằng sông Hồng đã đóng góp 53% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Điều này cho thấy TP HCM và vùng Đông Nam Bộ đang có sự suy giảm về tầm quan trọng, vị thế và khả năng cạnh tranh so với vùng Đồng bằng sông Hồng.

Bên cạnh đó, cấu trúc kinh tế của TP HCM đang xuất hiện dấu hiệu suy giảm sản xuất công nghiệp. Hiện, tỷ trọng sản xuất công nghiệp của thành phố chỉ còn chiếm khoảng 24% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

TS Vũ Thành Tự Anh phát biểu tại hội thảo, sáng 24/8. Ảnh: An Phương

TS Vũ Thành Tự Anh phát biểu tại hội thảo, sáng 24/8. Ảnh: An Phương

Theo TS Tự Anh mặc dù công nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu của thành phố nhưng tốc độ tăng trưởng đang chậm đi, trong lý thuyết kinh tế được gọi là “giải công nghiệp hóa sớm”. Trong khi đó, dịch vụ và thương mại cũng là lĩnh vực quan trọng của TP HCM nhưng lại chưa đủ mạnh và vững chắc để giúp thành phố bước tới giai đoạn phát triển mới, đạt được tốc độ tăng trưởng 9-9,5%.

Chuyên gia nói thêm khi so với các đô thị lớn trong khu vực như Kuala Lumpur (Malaysia) hay Bangkok (Thái Lan), TP HCM chưa thật sự cho thấy đủ năng lực cạnh tranh. “Khả năng cạnh tranh và năng lực của TP HCM suy giảm dần. Mô hình tăng trưởng của thành phố đang không còn nhiều động lực, nghĩa là đã chạm ngưỡng của sự phát triển”, ông Vũ Thành Tự Anh nhận định.

Tương tự, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành uỷ TP HCM dẫn lại thông tin, so với một số đô thị của khu vực Đông Nam Á, TP HCM có chỉ số thông minh xếp hạng 105, trong khi Jakarta (Indonesia) xếp thứ 103; Bangkok thứ 84; Kuala Lumpur (Indonesia) thứ 73; Singapore thứ 5. TP HCM chỉ xếp trên Manila (Philippines) thứ 121.

Các chỉ số đáng quan tâm khác là TP HCM đứng thứ 130/183 về đánh giá sự dịch chuyển của các thành phố lớn trên thế giới; đứng thứ 54/198 về chỉ số phát triển chính quyền điện tử… “Các chỉ số trên sẽ giúp TP HCM định vị mình đang ở đâu để đạt mục tiêu trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị”, ông Ngân nói.

Theo ông Ngân, giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư xã hội của thành phố là 1,1 triệu tỷ đồng, bình quân mỗi năm là 238.000 tỷ đồng; Giai đoạn 2016-2020 vốn đầu tư xã hội là 1,9 triệu tỷ, bình quân mỗi năm là 390.000 tỷ đồng. Nhưng ba năm qua, bình quân mỗi năm chỉ khoảng 335.000 tỷ đồng.

Chuyên gia này cho rằng vốn đầu tư là đòn bẩy, quyết định đến 40% tăng trưởng. Nếu vốn giảm nhưng GRDP vẫn tăng thì hiệu quả sử dụng vốn rất tốt. Tuy nhiên ba năm qua giảm vốn nhưng tăng trưởng không bằng các năm thì phải xem lại tính hiệu quả.

“Giải pháp tăng vốn đầu tư xã hội là rất quan trọng”, PGS. TS Trần Hoàng Ngân nói và cho rằng trước mắt, đến hết năm 2025, TP HCM phải cố gắng tiêu dùng 170.000 tỷ đồng đầu tư công để kích thích vốn đầu tư xã hội, tạo ra kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, làm bệ phóng cho tăng trưởng.

Trung tâm TP HCM tháng 7/2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Trung tâm TP HCM tháng 7/2023. Ảnh: Quỳnh Trần

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đánh giá TP HCM vẫn chưa tạo được sự đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế để tham gia vào công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao. Các khu công nghiệp, khu chế xuất và ngành công nghiệp chưa tạo được sự khác biệt về năng suất, hàm lượng công nghệ trong cơ cấu giá trị còn thấp. TP HCM vẫn đang nỗ lực giải quyết những dự án, công trình tồn tại nhiều năm, nhưng phần lớn là vướng mắc về pháp lý nên kết quả còn hạn chế, gây lãng phí nguồn lực…

Để thoát khỏi bẫy “thu nhập trung bình”, theo ông Lịch, thành phố cần phấn đấu đạt tăng trưởng 7,8% năm 2024 và 8,5% năm 2025. Giai đoạn 2026-2030, phải tăng mạnh đầu tư công và thu hút đầu tư tư nhân, phấn đấu đạt tổng đầu tư xã hội 35% GRDP. Năng suất lao động phải tăng 7-8% mỗi năm. Bên cạnh đó, thành phố cần tích cực chuyển đổi số và chuyển đổi công nghiệp để tạo được sự đột biến về năng suất lao động…

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội thảo sáng 24/8. Ảnh: An Phương

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội thảo sáng 24/8. Ảnh: An Phương

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, nói để đạt được mục tiêu tăng trưởng đến năm 2030 là 8,5-9% như quy hoạch kinh tế – xã hội, giai đoạn 2026-2030 thành phố cần 4,4 triệu tỷ đồng đầu tư toàn xã hội. Như vậy, mỗi năm địa phương cần khoảng 800.000-900.000 tỷ đồng.

Theo ông Mãi thành phố hoàn toàn có khả năng thực hiện, nhưng vấn đề cốt lõi là phải xác định được nguồn từ đâu và có cơ chế chính sách thế nào để thu hút được nguồn lực xã hội. “Cơ chế, chính sách rất quan trọng, bên cạnh đó là môi trường và năng lực hấp thụ”, ông Mãi nói và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở ngành nghiên cứu, đề xuất những giải pháp thiết thực.

Lê Tuyết


Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: