Tính đến tháng 9.2023, nước Mỹ có khoảng 6.340 tiệm phở. Phở đã đem lại dấu ấn sâu đậm cho cộng đồng người Việt tại Mỹ. Theo trang The Food Institute, nếu như bánh mì Việt được coi là món ăn tinh túy của nước Mỹ thì phở đang trở nên ngày càng phổ biến.
Bí quyết kinh doanh phở doanh thu hàng triệu đô la
Chị Huyền Nguyễn (Helen Nguyễn) và anh Harry Nguyễn là chủ của thương hiệu Phở Hà Nội đang được nhiều tờ báo Mỹ nhắc đến nhiều như là một tấm gương thành công về kinh doanh phở và giúp đỡ cộng đồng.
Khi nước Mỹ còn trong dịch Covid-19 vào năm 2020, chị Huyền Nguyễn và các nhân viên tiệm Phở Hà Nội đã gửi hàng ngàn phần ăn miễn phí tới những người làm việc ở tuyến đầu chống dịch ở khu vực Bay Area (California, Mỹ). Đây là “những bữa ăn của lòng biết ơn” (meals of gratitude) được chế biến từ nguyên liệu organic, đem tặng các y bác sĩ để động viên tinh thần của họ.
Sau dịch, tiếng tăm của Phở Hà Nội bắt đầu lan xa hơn do có nhiều báo nhắc đến, đồng thời, chị Huyền Nguyễn cũng có cơ hội lấy thêm được mặt bằng mới cho tiệm phở, do nhiều nhà hàng phải trả mặt bằng vì khó khăn hậu dịch Covid-19.
Chị Huyền Nguyễn chia sẻ bí quyết nhà hàng phở vẫn đứng vững và thành công sau dịch: “Rất nhiều nhà hàng đã không trụ được vì kinh tế đi xuống, phải đóng cửa, trả mặt bằng, thậm chí khách vắng hoe, nhưng ba nhà hàng Phở Hà Nội tại địa khu Vietnam Town, Cupertino và Palo Alto vẫn đông khách nườm nượp, khách hàng vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ ăn phở. Để có được điều này, chúng tôi đã cố gắng bằng chất lượng trong nhiều năm, lấy nguồn thịt tươi ngon từ trang trại địa phương”.
Cụ thể, nhà hàng Phở Hà Nội của chị Huyền Nguyễn là nhà hàng phở duy nhất có thể mua thịt bò trực tiếp từ trang trại bò Harris Ranch tươi mỗi tuần, có giá tốt nhập vào để rồi có giá tốt cho tô phở bán ra, không những thế, thịt bò của trang trại này là giống bò đen Angus cho loại thịt rất ngon, vì vậy, tô phở tái tại Phở Hà Nội trở nên vô cùng xuất sắc nhờ sử dụng loại thịt chất lượng cao, đồng thời cũng vang danh với tô phở sườn bò “short-rib” (sườn non) hiếm nhà hàng phở nào có được.
Trang trại bò Harris Ranch chỉ bán cho các nhà hàng, siêu thị… có sức mua lớn, vì vậy chỉ có Phở Hà Nội và chuỗi In-N-Out Burger mới có thể mua trực tiếp. Hàng ngày, có khoảng 1.200 tô phở được bán ra tại mỗi nhà hàng, riêng cuối tuần là hơn 2.500 tô phở mỗi ngày, doanh thu mỗi ngày cuối tuần có thể lên đến 1 tỉ đồng.
Shark Louis Nguyễn (tên thật là Nguyễn Thế Lữ), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Saigon (Saigon Assets Management SAM) cho biết, ông không ngạc nhiên về sự thành công của Phở Hà Nội trên đất Mỹ, vì “họ đã làm được quy trình để có được trong 15 giây đã hoàn thành xong tô phở để mang ra cho khách hàng”.
Shark Louis Nguyễn đã từng sống 30 năm tại Mỹ, hiện đang sống tại TP.HCM, cho biết, người Mỹ ngày càng yêu thích phở Việt vì thơm ngon bổ dưỡng, mà giá cả lại không bị cao như mì udon của Nhật. Tại thung lũng Silicon, Phở Hà Nội có giá bán từ 15 đến 20 đô la một tô rất lớn, đầy ắp thịt và bánh, nước súp. Ông nhấn mạnh: Việc Phở Hà Nội lấy được vị trí bán phở đắc địa ở khu Palo Alto trên trục đường “hái ra tiền”, gần đại học Standford là một dấu hiệu cho thấy sự thành công rất lớn của họ.
Theo chị Huyền Nguyễn, để có được tô phở “15 đến 20 giây”, chồng chị là anh Harry Nguyễn đã nghiên cứu được quy trình “ra phở” sử dụng nhiều máy móc để giảm thiểu sức người, sử dụng nồi hầm xương 500 lít, đến máy cắt hành, máy cắt thịt… Để hoàn thành một tô phở thì cần có 3 người (đứng bếp, bốc bánh, cho thịt và chan nước dùng), vận hành thoăn thoắt, nhịp nhàng thì mới đủ công suất đáp ứng lượng khách hàng đông.
Tại Mỹ, giờ nghỉ trưa chỉ có khoảng 1 giờ đồng hồ, vì vậy, nếu không phục vụ nhanh người làm việc sẽ không đủ thời gian ăn trưa tại nhà hàng. Nhìn dòng người xếp hàng mỗi ngày, chị Huyền và anh Harry càng quyết tâm nghiên cứu dịch vụ tốt nhất có thể để thực khách đỡ phải chờ lâu.
Thành công hơn nhờ thúc đẩy nhập khẩu từ Việt Nam qua Mỹ
Cũng vì khó khăn hậu Covid-19, chị Huyền Nguyễn đã tìm mọi cách giảm chi phí và tăng chất lượng. Sau sự thành công của ba nhà hàng chị tiếp tục dành tiền để lấy mặt bằng mới bị người ta trả lại vì vắng khách. Chi phí mở một nhà hàng mới bên Mỹ rất đắt đỏ, vì vậy chị đã tìm ra được cách thức là thiết kế toàn bộ nhà hàng tại một công ty chuyên thiết kế nhà hàng cao cấp tại TP.HCM, sau đó vận chuyển toàn bộ thiết kế và nội thất của nhà hàng sang Mỹ bằng đường biển.
Nhờ quay về lựa chọn những ưu thế từ quê hương, Phở Hà Nội ở địa điểm mới là Milpitas sẽ khai trương trong tháng 1.2024, cái thứ năm tại Fremont sẽ khai trương tháng 4.2024, nâng lên số nhà hàng phở là 5 cái.
Để có mùi thơm tốt nhất cho phở, chị đã dừng mua gia vị quế, hồi, thảo quả nấu phở ở Mỹ mà nhập từ Việt Nam qua, vì vậy nồi phở vốn đã thơm nay càng thơm hơn nữa.
Nhiều nguyên liệu khác của nhà hàng chị cũng tìm cách để mua càng nhiều ở Việt Nam càng tốt. Với cách thức này, chất lượng món ăn càng cao và giữ hương vị Việt nhiều hơn mà chi phí tiết kiệm hơn mua tại Mỹ.
Với tốc độ mở nhà hàng và tối ưu chi phí, mục tiêu bán 1 triệu tô phở vào năm 2025 của anh chị Huyền Nguyễn và Harry Nguyễn hy vọng sẽ sớm thành sự thực. Thị trưởng và cảnh sát trưởng thành phố San Jose, cũng như thị trưởng thành phố Fremont luôn tạo điều kiện và giúp đỡ cho Phở Hà Nội bởi những đóng góp giá trị cho thành phố.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: info@Baoangiang.com hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!