Có hơn 100 comment dưới bài viết này tỏ thái độ chán nản với hành vi lặp đi lặp lại sau mỗi lễ hội, cứ lễ xong là báo chí lại “tốn mực” cho nạn xả rác, đều đặn đến mức ngán ngẩm.
Nhân viên công ty vệ sinh đêm 31-12-2024 cho biết lượng rác ở phố đi bộ Nguyễn Huệ nhiều hơn mọi năm, đồ ăn đổ xuống đất, dính vào pháo giấy khiến việc quét dọn trở nên khó khăn. Công nhân phải dùng đến chổi cứng và nước xử lý, dẫn đến mất nhiều thời gian hơn.
Rác nhiều hơn nhưng chỉ vài bạn trẻ và người nước ngoài ở lại sau 0h phụ dọn với công nhân. Một du khách Sri Lanka vừa dọn rác vừa không hiểu sao rất đông người lại quăng rác bừa bãi và bỏ lại công việc khó khăn cho một số ít người.
Nhưng chuyện đường phố gây phiền lòng không chỉ là chuyện rác. Bạn đọc còn căng thẳng với dồn dập những vụ đánh nhau không tiếc tay khi xảy ra chút va chạm trên đường phố. Chỉ cần chạy xe thấy “khó chịu cái thái độ” là đạp nhau té ngã, đánh đập nhau đến hôn mê, đàn ông đánh phụ nữ, đàn bà đạp bể xe, đánh luôn người can ngăn…
Bạn đọc lên tiếng bức xúc, công an bắt giam, tòa xử, báo chí phản ánh, nhưng sự hung bạo, kém văn minh trên đường phố vẫn xảy ra với mật độ gây sốc.
Chừng nào người Việt Nam mới không còn xả rác và đánh nhau như cơm bữa trên đường?
Câu hỏi này đặt ra có lẽ gây thêm phần chán nản vì sự mơ hồ của nó. Quá khó để đoán được chừng nào.
Hãy phạt thật nặng để biết sợ, nhiều bạn đọc yêu cầu. Cũng đúng, như Singapore đã luật định cả việc quăng rác một cách chi tiết, phạt hàng trăm đô la, kiện ra tòa nếu quăng rác từ chung cư xuống và phải đi dọn rác ở nơi công cộng hàng giờ…
Nhưng hình phạt chỉ có thể giảm chứ không thể triệt tiêu thói quen xấu, vì “lực lượng không biết sợ” cũng đông trong các xã hội, chấp nhận đánh cho đã rồi tính sau, chỉ khi ngồi trước công an mới nói mấy lời muộn màng “xin đừng giống như tôi”.
Cho nên các quốc gia như Singapore hay Nhật Bản, nhiều nước châu Âu, châu Mỹ không chỉ nghiêm trong luật mà họ còn rất nghiêm trong giáo dục từ tấm bé, vì chỉ luật và phạt thôi không bao giờ đủ.
Người Đức tìm đủ cách dạy trẻ nhỏ phân loại rác từng chút một. Và khi thành người lớn, nếu phân loại rác sai, quăng rác bừa bãi phải chịu phạt nặng nề.
Người Nhật nổi tiếng “thấy rác là lượm”. Đất nước họ được ví là “sạch như lau như li”, không phải sạch là do thời tiết, mà do học sinh Nhật được yêu cầu dọn dẹp và làm việc đó hằng ngày thay vì bỏ tiền ra thuê nhân viên vệ sinh trong trường học. Thời gian dọn dẹp trường lớp sạch sẽ chiếm nhiều thời gian trong thời khóa biểu trong suốt 12 năm đi học của học sinh Nhật, tới khi trưởng thành, hầu như toàn dân Nhật đều biết cách “thấy rác là lượm”.
Một người bạn Singapore đến thăm tôi ở TP.HCM, vào quán nước anh đi tìm thùng rác ba lần. Anh nói đây là thói quen của mỗi người Singapore – dẹp rác xong rồi hãy… nói chuyện.
Nhận diện “rác trong tâm hồn” mới dẹp được rác ngoài đường phố
Rác trong tâm hồn – là một cách nói khá đau xót, nhưng ngẫm thấy cũng thật sâu sắc, chỉ vì tâm hồn không nhận diện được với những hành vi rác, gây ảnh hưởng chung mà sẽ làm ngơ với rác ở ngoài đường, nguy hiểm hơn là chửi thề, đánh nhau, giết nhau hay khiến nhau tàn tật – chính là tạo thêm rác, “đóng góp” vào đời sống một thứ văn minh đường phố đáng báo động.
Việc giáo dục để từng thế hệ người Việt nhận diện được những loại “rác tâm hồn” cần tránh xa từ lúc bé đến khi vào đời là một vấn đề tưởng mơ hồ nhưng có tính cấp thiết.
Chúng ta chú trọng quá nhiều đến số lượng kiến thức trong chương trình giảng dạy, và không dám dành thời gian đáng kể để dạy trẻ những nền tảng hành xử cụ thể. Cụ thể như là cách xử lý rác, như vấn nạn chửi thề, thái độ với sự tham lam, lên án hết mức với nạn bạo lực học đường, thái độ với người tàn tật, người yếu thế, như cách yêu thương cha mẹ, thầy cô và yêu thương cả bản thân mình. Chúng ta lướt qua những nội dung nền tảng đó với một thời lượng ít ỏi và thiếu cả sự quyết liệt.
Đã từng có giáo trình dạy trẻ Việt những hành xử văn minh rất đáng được vận dụng lại trong trường học, theo tôi, đó chính là Quốc văn giáo khoa thư, một giáo trình được thiết kế cho học sinh theo đúng tâm sinh lý cấp học với những bài học tuyệt vời về tình yêu thương và cách nhận biết những sai trái trong hành xử, từ ăn ở sạch sẽ, không khạc nhổ đến không nên khinh người làm nghề lao lực, không nên báo thù…
Việc dạy học đủ để công dân hình thành những thói quen tốt đó đòi hỏi phải xuyên suốt qua các cấp học ở trường, bền bỉ và kiên quyết. Như uốn cái cây trong gió, đủ ngày đủ giờ, tiếp nối các thế hệ, thì cùng với sự nghiêm minh của quy định, luật lệ – mới tạo ra được những thế hệ người dân văn minh thực sự.
Và những đứa trẻ văn minh rồi sẽ thành cha mẹ, lại biết cách giáo dục lại con mình chứ không chỉ trông chờ vào thầy cô giáo.
Nếu không có mục tiêu giáo dục chi tiết và bền bỉ thì câu hỏi chừng nào mới hết người Việt đánh nhau, xả rác ngoài đường, chỉ là câu hỏi vô vọng, nghe rồi cười ái ngại mà thôi.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!