Xu hướng mua bán ròng chứng khoán tuần qua
VN-Index vừa trải qua một tuần giao dịch biến động với phiên giảm sâu nhất kể từ giữa tháng 6 đến nay (giảm gần 25 điểm hôm 1-8).
Kết tuần, VN-Index đóng cửa với mức tăng 9,64 điểm lên 1.236,6 điểm (+0,79%). Đây cũng là chỉ số duy nhất tăng điểm so với các thị trường chứng khoán khác tại châu Á trong phiên 2-8.
Không chỉ khu vực châu Á, chứng khoán toàn cầu hầu hết khép lại tuần qua trong sắc đỏ. Riêng chứng khoán Việt Nam “lội ngược dòng” ngoạn mục trở lại trong sự ngỡ ngàng của nhà đầu tư.
Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên tuần qua tính trên cả 3 sàn đạt ở mức 16.850 tỉ đồng, tăng gần 5% so với tuần trước nhưng vẫn ở mức thấp hơn trung bình 5 tuần.
Dữ liệu từ Fiintrade cũng cho thấy tuần qua cá nhân đã bán ròng mạnh, tâm điểm cổ phiếu ngân hàng bao gồm: VCB, TCB, MBB, BID, STB…
Cụ thể, tính giao dịch khớp lệnh, nhà đầu tư cá nhân đã bán ròng hơn 1.400 tỉ đồng. Còn nhà đầu tư tổ chức trong nước bán ròng 217 tỉ đồng. Ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 573 tỉ đồng và tự doanh mua ròng 1.113 tỉ đồng.
Về nhóm cổ phiếu, đóng góp tích cực cho sự tăng điểm của thị trường tuần qua là thực phẩm và đồ uống, tiêu biểu là mã: VNM (+8,66%), HAG (+0,41%)…
Nhóm ngân hàng cũng khá tích cực với: VPB (+1,9%), TCB (+3,3%), SSB (+2,96%), NAB (+5,9%), BID (+3,24%), VCB (+1,6%)…
Theo chuyên gia phân tích chứng khoán SHS, xu hướng ngắn hạn của VN-Index vẫn kém tích cực sau khi phục hồi kiểm tra lại không thành công vùng kháng cự quanh 1.255 điểm.
“Thị trường bắt đầu tháng 8 với khoảng trống thông tin về doanh nghiệp sau báo cáo quý 2 đã công bố”, chuyên gia SHS nhận định. Do đó, thị trường sẽ phụ thuộc lớn vào triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp vốn hóa lớn, tăng trưởng GDP.
Nhà đầu tư ngắn, trung hạn được khuyến nghị nên duy trì tỉ trọng hợp lý, mức trung bình và xem xét cơ cấu giảm tỉ trọng các mã có kết quả kinh doanh quý 2-2024 không như kỳ vọng. Thay vào đó, cơ cấu sang các doanh nghiệp đầu ngành, cơ bản tốt, có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt, vượt kỳ vọng.
Kết quả kinh doanh quý 2-2024 ra sao?
Chứng khoán được kỳ vọng đón sóng trước khi bước vào mùa công bố báo cáo tài chính quý 2-2024. Nhiều chuyên gia từng nhận định, với mức tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường dự kiến tốt hơn, chứng khoán cũng sẽ được hưởng lợi.
Tuy nhiên, thực tế không như kỳ vọng. VN-Index ngày càng rơi sâu sau những nỗ lực vượt lại đỉnh 1.300 điểm.
Dữ liệu từ Fiintrade, tính đến chiều 31-7-2024 (hạn cuối cùng nộp báo cáo), đã có 986 doanh nghiệp (đại diện 96% tổng giá trị vốn hóa trên 3 sàn) công bố báo cáo tài chính cho quý 2-2024.
Trong đó, lợi nhuận sau thuế quý 2-2024 của toàn thị trường tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 12,8% so với quý 1-2024, cao hơn mức tăng trưởng đạt được trong quý 1 trước đó.
Điều này cho thấy lợi nhuận doanh nghiệp đang trên đà hồi phục từ mức đáy thiết lập trong quý 3-2023.
Quý 2 này, nhóm tài chính đạt mức tăng 21,3% so với cùng kỳ về lợi nhuận, trong đó ngân hàng (+21,9%), bảo hiểm (+12,5%) và chứng khoán (+10,9%). Với ngân hàng, tăng trưởng toàn ngành đến từ nhóm ngân hàng tư nhân “top” đầu về quy mô vốn chủ (MBB, VPB, TCB) trong khi nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (VCB, CTG, BID) ghi nhận tăng trưởng thấp hơn so với mức chung toàn ngành.
Nhóm phi tài chính đóng góp đáng kể vào tăng trưởng lợi nhuận chung của toàn thị trường trong quý 2 vừa qua. Tăng trưởng đột biến nhờ nền so sánh cùng kỳ ở mức rất thấp là một trong những nguyên nhân chính, đơn cử như ở ngành thép, xây dựng, viễn thông, khí đốt, phân bón, dệt may và các ngành phụ thuộc vào cầu tiêu dùng trong nước (bao gồm bán lẻ, sữa, bia).
Ngoài ra, các khoản thu nhập tài chính lớn từ việc sang nhượng dự án hay công ty con ở nhiều doanh nghiệp bất động sản nhà ở (NVL, DXG, DIG) cũng hỗ trợ tăng trưởng chung của nhóm phi tài chính.
Ngược lại, lợi nhuận một số ngành tiếp tục giảm so với cùng kỳ, bao gồm điện, sản xuất dầu khí, hóa chất trong khi thiết bị và dịch vụ dầu khí, nước, bất động sản khu công nghiệp, chăn nuôi bất ngờ chứng kiến lợi nhuận đảo chiều từ tăng trưởng trong quý 1 sang suy giảm trong quý 2.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!