Dù vậy, giá lúa năm nay ở mức thấp hơn năm trước. Theo các doanh nghiệp, một số doanh nghiệp khai trương, khi hợp đồng với số lượng ít vào đầu năm mới đã giúp giá lúa tăng nhẹ nhưng khó tăng khi vào vụ thu hoạch rộ. Tuy nhiên, nông dân vẫn có lợi nhuận do năng suất lúa một số vùng có cao hơn trước.
Giá lúa tăng nhưng vẫn đứng ở mức thấp
Ông Nguyễn Thành Nhơn (xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, An Giang) cho biết vụ đông xuân 2024 – 2025, gia đình ông trồng trên 8ha giống lúa OM380, dù còn hơn 1 tháng nữa mới thu hoạch nhưng khá lo lắng do giá lúa “bấp bênh” hơn so với năm trước.
So với trước Tết, giá lúa OM380 đã tăng 300 – 400 đồng/kg, dao động ở mức 4.800 – 4.900 đồng/kg nhưng chưa như kỳ vọng. “Nếu vụ đông xuân này, lúa cho năng suất dưới 1 tấn lúa/công đi kèm với giá này, nông dân không lợi nhuận nhiều.
Nếu năng suất lúa hơn 1 tấn/công mới có lợi nhuận nhẹ. Năm nay, thời tiết thuận lợi cho bà con nông dân làm lúa nên hy vọng thu hoạch sẽ cho năng suất cao”, ông Nhơn nói.
Theo ông Trần Văn Bảo (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), vừa thu hoạch xong hơn 2ha lúa ST25, vụ mùa này dù không trúng giá nhưng năng suất cao do thời tiết thuận lợi. “Sau vụ lúa, gia đình chừa ra một ít phơi lại để dành ăn, còn lại bán hết. Giờ giá lúa 9.000 đồng/kg bán cũng được, nếu phơi lại không có chỗ để, hao hụt cũng nhiều, tốn nhân công”, ông Bảo nói.
Vụ lúa đông xuân sớm năm 2025, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 35.220ha. Trong đó, huyện Trần Văn Thời xuống giống nhiều nhất với hơn 28.900ha, đến nay đã thu hoạch khoảng 4.100ha. Theo ông Nguyễn Việt Khái – phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, giá lúa có tăng hơn thời điểm trước Tết vài trăm đồng/kg, có nơi tăng khoảng 1.000 đồng/kg nhưng giá vẫn thấp hơn so với cùng thời điểm này năm trước.
Trong đó giá lúa ST24, ST25 bán tại nông hộ từ 8.600 – 8.900 đồng/kg, giảm so với cùng kỳ 2.000 – 3.000 đồng/kg; giống Đài thơm 8 dao động 6.200 – 6.700 đồng/kg, giảm so với cùng kỳ 1.500 – 2.000 đồng/kg. Giống OM (5451, 576) có giá dao động từ 6.000 – 6.500 đồng/kg, giảm so với cùng kỳ 1.000 – 1.500 đồng/kg.
Giá lúa khó tăng mạnh khi thu hoạch rộ
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một công ty xuất khẩu gạo tại tỉnh Kiên Giang cho biết giá lúa Đài thơm 8 đang dao động ở mức 6.500 – 6.700 đồng/kg tùy vùng, thấp hơn cùng kỳ năm trước nhưng nông dân trồng lúa vẫn có lợi nhuận, dù không nhiều như cùng kỳ.
“Với giá này, người nào thuê đất trồng lúa sẽ khó có lợi nhuận. Tôi còn nhớ năm rồi, sau Tết giá lúa trên 8.000 đồng/kg, còn nay chỉ hơn 6.500 đồng/kg. Theo tôi, từ nay đến khi thu hoạch rộ vụ đông xuân 2024 – 2025, giá lúa có thể chênh lệch 500 đồng/kg, khó có thể giảm mạnh được”, vị này nhận định.
Một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho hay vụ lúa đông xuân 2024 – 2025, đến nay bà con nông dân đã thu hoạch trên 1.514ha, đạt 0,6% diện tích (227.800ha), với năng suất trung bình đạt 6,16 tấn/ha.
Ghi nhận cho thấy giá lúa đã tăng từ 200 – 400 đồng/kg so với trước Tết. Ngành nông nghiệp tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình thu hoạch lúa tại các địa phương.
“Nếu so với cùng kỳ vụ đông xuân 2023 – 2024, giá lúa này đã thấp hơn khoảng 1.000 – 1.200 đồng/kg nhưng nông dân có lời. Riêng giống lúa phẩm cấp thấp như IR50404, OM380 lợi nhuận thấp hơn khoảng 1.500 – 2.000 đồng/kg. Các giống lúa chất lượng cao như OM 18, Đài thơm 8 lợi nhuận cao hơn”, vị này nói.
Ông Phạm Thái Bình – chủ tịch HĐQT Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) – cho biết giá lúa có tăng nhẹ trở lại một chút so với trước Tết. Nguyên nhân giá lúa tăng sau Tết cũng một phần do các doanh nghiệp khai trương rồi thu mua lúa theo tập tục và có ký hợp đồng với số lượng thấp.
“Dù nhu cầu nhập gạo của các nước vẫn rất lớn nhưng các nhà nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam đã nhập khẩu gạo nhiều vào năm 2024 rồi nên không cần nhập gấp. Các nước cũng nắm bắt thông tin Việt Nam đang bước vào thu hoạch lúa vụ đông xuân nên cũng đang chờ giá lúa giảm mới thu mua nên giá lúa khó tăng mạnh”, ông Bình nói.
Nhiều nước muốn mua gạo nhưng chờ giá giảm
Theo ông Phạm Thái Bình, đầu năm mới, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại ĐBSCL khai trương nên có ký xuất khẩu gạo với các nước truyền thống nhưng không nhiều, chỉ mua bán cầm chừng. Khả năng từ nay đến khi thu hoạch rộ, giá lúa khó tăng.
“Dù có nhu cầu rất lớn nhưng các nước nhập khẩu gạo đang chờ giá gạo giảm mới mua. Muốn phá vỡ cái này, VN phải phát triển ngành hàng lúa gạo một cách bền vững. Tức là sản xuất phải gắn liền với tiêu thụ”, ông Bình nói.
“Có khi chỉ cục bộ vài tháng như thế này mà chúng ta không chủ động trong tiêu thụ và sản xuất, rõ ràng phải bán đổ bán tháo. Chưa kể một số doanh nghiệp không đủ nguồn vốn phải ký hợp đồng bán đổ bán tháo, chạy dòng tiền để đáo hạn ngân hàng. Không có cách nào khác phải thực hiện tốt Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải thấp mà Chính phủ đã phê duyệt”, ông Bình nói thêm.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!