Sau thông tin sẽ bị dừng hoạt động nếu không có giải pháp phòng cháy chữa cháy, nhiều chủ trọ ở Hà Nội chi vài chục triệu đồng lắp lối thoát nạn, thiết bị phòng cháy.
Một tuần qua, anh Nguyễn Công Duy, chủ nhà trọ ở phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm chạy đôn chạy đáo lo hoàn thiện các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy. Sau khi kiểm tra ngôi nhà 7 tầng, diện tích sàn 50 m2 của anh vào giữa tháng 6, nhà chức trách yêu cầu lắp lối thoát nạn thứ hai, thang thoát hiểm, cửa ngăn cháy lan từ khu vực để xe lên các tầng.
Bên trong thang máy, khu vực để xe, nhà chức trách đề nghị dán tờ hướng dẫn thoát nạn và sử dụng bình cứu hỏa trong trường hợp có cháy. Tất cả đều phải hoàn thành trước 15/7. Anh Duy sau đó hỏi khắp các nhà xưởng trên địa bàn để tìm địa chỉ lắp đặt uy tín, giá cả phù hợp. “Riêng thang thoát hiểm từ tầng 7 xuống, tôi tính hết 20 triệu đồng. Thêm các khoản khác phải hết vài chục triệu. Biết tốn kém nhưng vì sự an toàn, tôi chấp nhận làm”, anh Duy nói.
Tại ban công mỗi phòng, anh Duy cho thợ mở lối thoát nạn thứ hai, liên kết với thang inox thoát hiểm mới lắp. Lo lắng duy nhất của anh là giải pháp cho hơn chục xe máy để dưới tầng hầm. Hiện anh đã yêu cầu khách thuê không được sạc xe đạp điện, xe máy điện không đạt tiêu chuẩn.
Cách đó khoảng 8 km, gia đình chị Lê Mai ở phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, cũng sắp hoàn thiện các hạng mục phòng cháy chữa cháy cho ngôi nhà 5 tầng, diện tích sàn 50 m2 nằm sâu trong hẻm. Nhà chị đã có lối thoát nạn thứ hai lên tum và từ tum sang mái nhà hàng xóm, có lối thoát ra ban công, bình chữa cháy mỗi tầng, tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu.
Đầu tháng 6, đoàn kiểm tra liên ngành yêu cầu gia đình chị Mai bổ sung các hạng mục: Xây dựng hồ sơ quản lý công tác phòng cháy chữa cháy; xây dựng phương án chữa cháy; lắp cửa ngăn cháy tầng 1 với khu để xe; lắp hệ thống báo cháy tự động từng phòng; lắp đèn chỉ dẫn thoát nạn và lối thoát khẩn cấp từng tầng. Tất cả phải hoàn thiện trước 15/7.
Chị Mai liên hệ tới nhiều cơ sở, nhưng phần nhiều thiết bị lắp đặt không có tem, giấy chứng nhận kiểm định. Nhiều nơi tư vấn lắp kiểu đối phó với đoàn kiểm tra nên chị từ chối. Sau cùng chị chọn được đơn vị lắp thiết bị có kiểm định, mất 3-4 ngày khoan, hàn, lắp thiết bị, hiện đã cơ bản xong, chỉ chờ lắp cửa ngăn cháy.
Theo chị Mai, do gia đình làm nghiêm túc, không kiểu đối phó nên khá tốn kém. Tổng tiền lắp đặt hết 70 triệu đồng, trong đó tốn nhất là cửa ngăn cháy, hệ thống báo cháy và thang thoát hiểm từ tầng trên xuống. “Dù mình lắp vậy, nhưng thực sự vẫn chưa yên tâm. Để phòng cháy tốt, ngoài trang thiết bị thì ý thức người thuê rất quan trọng”, chị nói.
Anh Duy, chị Mai nằm trong số hàng chục nghìn chủ trọ ở Hà Nội đang khẩn trương lắp đặt thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn. Theo thống kê, Hà Nội có hơn 36.970 nhà trọ, tập trung ở các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm. Những quận này tập trung nhiều trường đại học, bệnh viện, có quỹ đất lớn phù hợp xây nhà trọ cho thuê.
Sau vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân tháng 9/2023 làm 56 người chết và vụ cháy ở quận Cầu Giấy tháng 5/2024 khiến 14 người chết, thành phố đang trong đợt cao điểm kiểm tra, rà soát phòng cháy chữa cháy ở chung cư mini, nhà trọ. Việc rà soát, kiểm tra ở Hà Nội sẽ hoàn thành trước ngày 15/7, báo cáo kết quả về UBND thành phố trước ngày 20/7.
Còn trên cả nước, Thủ tướng mới đây đã có công điện yêu cầu sau ngày 30/3/2025, chung cư mini, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, nhà ở cho thuê trọ nếu không thực hiện các giải pháp phòng cháy chữa cháy sẽ bị dừng hoạt động.
Trong bối cảnh trên, dịch vụ lắp đặt thiết bị phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn cũng trở lên sôi động. Gần nửa tháng qua, xưởng cơ khí của anh Trần Vân tại tổ 2 phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, đông khách tới đặt làm cầu thang thoát hiểm ngoài trời. Trung bình mỗi tuần, anh Vân cùng nhân viên lắp đặt khoảng 5 bộ, chủ yếu tại các chung cư mini ở quận. Trước đây, xưởng chủ yếu làm cửa, cầu thang, nay chuyển hẳn sang sản xuất thang thoát hiểm.
Thang thoát hiểm chủ yếu bằng inox không gỉ, được sản xuất tại xưởng sau đó mang tới lắp đặt. Tùy vào không gian, thang được lắp trước cửa và bên hông mỗi tòa nhà, chi phí gần 2 triệu đồng/m, thời gian lắp đặt chỉ 2-3 giờ. “Chúng tôi làm kích thước theo hướng dẫn về phòng cháy nên phù hợp với nhiều đối tượng có thể thoát nạn khi xảy ra cháy”, anh Vân chia sẻ.
Chuyên đi lắp đặt thiết bị phòng cháy cho các tòa nhà, chung cư mini, anh Mạnh Tân, làm việc cho một công ty cơ điện, cho biết thời gian qua đơn vị nhận được nhiều đặt hàng hơn so với bình thường. Có hai hạng mục nhận được nhiều yêu cầu lắp đặt nhất là hệ thống báo cháy và thang dây.
“Nhiều chủ phòng trọ thực sự muốn lắp, song cũng có không ít người chỉ làm cho có, đối phó với cơ quan kiểm tra”, anh Tiến nói, cho biết tùy vào từng thiết bị giá dao động từ vài trăm tới vài triệu đồng. Tất cả có tem kiểm định, đảm bảo hoạt động ổn định và bảo hành cho khách.
Tại họp báo thông báo kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2024 chiều 8/7, trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết đến ngày 4/7, lực lượng chức năng đã kiểm tra tất cả nhà trọ trên địa bàn. Trong số này, 3.134 chủ nhà trọ đã bị xử phạt do vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy với tổng số tiền hơn 12,8 tỷ đồng. 672 nhà trọ bị tạm đình chỉ hoạt động, 16.479 cơ sở khác bị dừng hoạt động. Đối với chung cư mini, cơ quan chức năng đã kiểm tra 193 cơ sở, tạm đình chỉ 14 và đình chỉ 4 trường hợp.
Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm không đảm bảo hoặc không có lối thoát nạn thứ hai; không bố trí cửa ngăn cháy lan. Nhiều cơ sở thiếu trang thiết bị phòng cháy chữa cháy; người thuê trọ chưa được tập huấn đầy đủ kỹ năng xử lý hỏa hoạn. Việc sắp xếp đồ đạc còn tùy tiện, gây ảnh hưởng lối thoát nạn. Việc đấu nối điện còn tạm bợ, thiếu quy chuẩn…
Nhằm khắc phục tình trạng trên, tại kỳ họp đầu tháng 7, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Đề án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ giai đoạn 2025-2030. Hà Nội đặt mục tiêu 100% nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải mở lối thoát nạn thứ hai; 100% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy; mỗi hộ có một người tập huấn kỹ năng chữa cháy, thoát nạn.
Đến năm 2030, thành phố lắp đặt 3.050 trụ chữa cháy ngoài nhà; khoảng 9.480 tuyến đường, phố, ngõ, ngách có chiều sâu hơn 200 m có phương án bổ sung đường ống cấp nước, trụ hoặc họng tiếp nước. Thành phố cũng dự kiến hoàn thành 433 bể nước, trạm bơm chữa cháy tại các khu vực công cộng.
Việt An
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!