Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
12 lượt xem

Chủ doanh nghiệp Ấn Độ kêu gọi làm việc 7 ngày mỗi tuần

Lãnh đạo tập đoàn Larsen & Toubro kêu gọi làm việc 7 ngày một tuần, dẫn đến tranh luận về văn hóa làm việc ở Ấn Độ.

“Bạn có thể nhìn chằm chằm vào vợ mình trong bao lâu?” S. N. Subrahmanyan, chủ tịch tập đoàn Larsen & Toubro, đặt câu hỏi với nhân viên trong video công bố tuần trước. Ông kêu gọi họ dành ít thời gian ở nhà hơn và ca ngợi người lao động Trung Quốc vì “văn hóa làm việc tận tụy 90 giờ một tuần”.

Phát biểu được đưa ra một năm sau khi ông trùm ngành công nghệ Narayana Murthy khơi mào cuộc tranh luận về văn hóa làm việc của Ấn Độ, kêu gọi thanh niên làm việc 70 giờ một tuần để thúc đẩy đất nước phát triển.

Theo báo cáo năm 2024 của Tổ chức Lao động Quốc tế, Ấn Độ xếp thứ 10 trong số những quốc gia có giờ làm việc dài nhất thế giới với mức trung bình 46,7 giờ mỗi tuần, nhưng thực tế giờ làm việc nhiều hơn.





S.N. Subrahmanyan, chủ tịch tập đoàn Larsen & Toubro Ấn Độ. Ảnh. India Today

S.N. Subrahmanyan, chủ tịch tập đoàn Larsen & Toubro Ấn Độ. Ảnh. India Today

Video lời kêu gọi của ông Subrahmanyan khiến nhiều người Ấn Độ phẫn nộ.

“Lời kêu gọi này còn nguy hiểm hơn cả Covid-19”, một người bình luận. Một người khác cho rằng cách duy nhất để người lao động làm việc 90 giờ mỗi tuần là “trả hai lương”.

Một số chủ doanh nghiệp lớn tại Ấn Độ cũng chỉ trích ông Subrahmanyan. “Vợ tôi rất tuyệt vời. Tôi thích nhìn chằm chằm vợ tôi”, Anand Mahindra, chủ tịch tập đoàn Mahindra, bình luận và nhấn mạnh người lao động nên dành thời gian cho gia đình, tăng cường đọc sách và suy ngẫm.

Sonica Muraleedharan, giám đốc nhân sự Larsen & Toubro, sau đó lên tiếng bảo vệ phát biểu của cấp trên, cho rằng câu nói đã bị tách khỏi ngữ cảnh. “Nếu muốn đứng đầu thế giới, bạn phải làm việc 90 giờ một tuần”, bà giải thích.

Giới chuyên gia nhận định những bình luận của ông Subrahmanyan phản ánh tư duy truyền thống ở Ấn Độ rằng làm việc nhiều giờ tương đương với năng suất.

“Tôi cho rằng đây là những tuyên bố vô trách nhiệm và đáng tiếc. Đó là người có vị trí đặc quyền, không hiểu được những gì đang diễn ra trong cuộc sống người dân bình thường”, Aparna Mittal, luật sư doanh nghiệp, người sáng lập công ty tư vấn chống phân biệt đối xử Samana Centre, cho hay.

Bà Mittal lưu ý rằng luật pháp Ấn Độ quy định rõ về số giờ làm việc mỗi ngày hoặc mỗi tuần. “Nếu chủ lao động có nhiều việc như thế, có lẽ họ nên cân nhắc thuê thêm người”, luật sư này nói thêm.

Amogh Deshmukh, lãnh đạo công ty quản lý nguồn lực xã hội SHRM East ở Mỹ, cảnh báo rằng chế độ làm việc 90 giờ mỗi tuần có thể khiến người lao động kiệt sức, ảnh hưởng tới an toàn bản thân và dễ mắc lỗi trong công việc. “Nếu không có thời gian cho gia đình, tại sao ta phải làm việc? Tất cả tổ chức lấy con người làm trọng tâm đều nói gia đình là ưu tiên số một”, ông nói.

Hồng Hạnh (Theo SCMP/Economic Times)



Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: